Giữa lúc các cuộc đàm phán về Brexit bước vào giai đoạn quyết liệt, thì tại Anh, cuộc tranh cãi giữa “Brexit cứng” hay “Brexit mềm” lại nổi lên.
Trong bài viết đăng trên tờ Daily Mail, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã bất ngờ nhắc lại lời kêu gọi đưa ra cách đây nhiều tháng kêu gọi nước Anh lựa chọn một “Brexit cứng”, đồng thời đưa ra những tham vọng của mình.
Lập trường của ông Boris Johnson trong vấn đề này là không hề mới, song điều mà dư luận quan tâm đó chính là bức ảnh được đăng kèm bài viết. Đó là bức ảnh người đứng đầu ngành ngoại giao nước Anh rời đi từ ngôi nhà số 10 phố Downing.
Rất nhiều bình luận để lại đã gọi đây là một lời tuyên chiến thực sự về Brexit mà ông Boris Johnson muốn tới Thủ tướng Theresa May bằng một bài viết trên tờ Daily Mail, mà ông từng là một phóng viên.
Đây cũng là lần đầu tiên ông đưa ra ý kiến về vấn đề này kể từ sau khi được bổ nhiệm làm người đứng đầu ngành ngoại giao Anh, một sự im lặng được đánh giá là “khá kỳ quặc”.
Với nhan đề “Cách nhìn của tôi về một nước Anh tham vọng và thịnh vượng nhờ Brexit”, bài viết đăng trên tờ “Điện tín hàng ngày” được đánh giá là mang màu sắc dân túy, trong đó nêu rõ những tham vọng của ông Boris Johnson với vai trò là người đứng đầu Chính phủ.
Sự khiêu khích này của một thành viên quan trọng trong Chính phủ Anh đã gây ra một cơn địa chấn trên chính trường nước này, có nguy cơ làm sống dậy cuộc chiến về châu Âu ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền, cũng như làm suy yếu lập trường vốn đã rất khó khăn để duy trì của Thủ tướng Theresa May, không chỉ đối với các vấn đề đối nội mà cả trong các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu.
Bản thân bà Theresa May cũng đã phải nhiều lần kêu gọi sự đoàn kết của nước Anh nhằm đạt được một thỏa thuận Brexit có lợi cho đất nước: “Cần phải đảm bảo rằng, khi rời Liên minh Châu Âu chúng ta có thể tiếp cận thị trường duy nhất, không chỉ là quyền tiếp cận mà còn là các giao dịch thương mại toàn cầu, mang lại sự thịnh vượng và việc làm cho nước Anh”.
Việc chọn thời điểm để đưa những tuyên bố này cũng được đánh giá là có sự tính toán kỹ lưỡng bởi đây là thời điểm được đánh giá là mang tính chiến lược đối với ông Boris Johnson, song mặt khác lại là khó khăn đối với người đứng đầu Chính phủ.
Đó là một tuần trước bài phát biểu của Thủ tướng về Brexit vào ngày 22/09 tới tại Florence và 2 tuần trước Đại hội đảng Bảo thủ, nơi mà tương lai của bà Theresa May sẽ bị thử thách.
Trong khi bà Theresa May chọn Italy là điểm đến trong chuyến công du châu Âu sắp tới, mà theo giới chuyên gia có lẽ là nhằm làm dịu lập trường với Liên minh châu Âu và khơi thông các cuộc đàm phán đang lâm vào bế tắc, thì ông Boris Johnson ngược lại dường như đang thúc đẩy một “Brexit cứng”, lập trường đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh rời Liên minh châu Âu hồi giữa năm ngoái.
Người đứng đầu ngành ngoại giao nước Anh dường như không quan tâm tới “giai đoạn chuyển tiếp” mà Thủ tướng Theresa May dự định kêu gọi tại Florence sắp tới nhằm tránh những tác động không hề mong muốn đối với nền kinh tế.
Ông Boris Johnson cũng từ chối ý tưởng đóng góp cho Liên minh châu Âu để có thể tiếp tục tiếp cận thị trường duy nhất, điều mà bà Theresa May đề xuất. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại ví bước đi này của ông Boris Johnson như “một con dao hai lưỡi”.
Từ lâu được biết tới là người ủng hộ việc Anh ở lại Liên minh châu Âu, ông Boris Johnson đã bất ngờ thay đổi lập trường của mình hồi đầu năm ngoái, vài tháng trước cuộc trưng cầu ý dân về Brexit.
Hy vọng sự lựa chọn này sẽ giúp ông đạt được mục tiêu của mình đó là số 10 phố Downing, song chiến lược đã bị đảo lộn sau khi sau một đồng minh trong chiến dịch Brexit là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove quay lưng lại với ông và tuyên bố cũng tranh cử Thủ tướng. Do không có ứng cử viên đáng tin cậy, bà Theresa May khi đó đã được lựa chọn.
Bị suy yếu sau khi mất thế đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử sớm hôm 8/6 vừa qua, bà Theresa May đang cố gắng củng cố quyền lực của mình. Hiện có 2 kịch bản được nhắc tới nhiều nhất.
Đó là bà Theresa May có thể quyết định cắt chức ông Boris Johnson, một kịch bản mà phố Downing đã bác bỏ. Bởi một quyết định như vậy có thể tạo ra một cuộc chiến trong đảng Bảo thủ. Một kịch bản khác là ông Boris Johnson, rõ ràng rất thất vọng khi bị loại khỏi cuộc đàm phán Brexit, có thể từ chức và bắt đầu cuộc đua vào vai trò người lãnh đạo.
Tuy nhiên, các thành viên đảng bảo thủ hiện lại không muốn có bất kỳ một sự thay đổi lớn nào trong ban lãnh đạo bởi điều này có nguy cơ đẫn tới một cuộc bầu cử sớm và khi đó hoàn toàn có khả năng Thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn sẽ là người chiến thắng.
Chính vì thế, một số chuyên gia phân tích không đánh gia cao cách làm này của ông Boris Johnson. Tờ Financial Times cho rằng, phát biểu mới đây nhất của ông là hoàn toàn mang tính cá nhân và có thể khiến ông bị cô lập khi phải đối mặt với sự giận giữ của nhiều thành viên đảng Bảo thủ cho rằng đây là một sự phản bội.
Tuy nhiên, dù những phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Anh Boris Johnson trước mắt không gây xáo trộn lớn trên chính trường nước Anh, song sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới vị thế của nước Anh trên bàn đàm phán. Bởi rõ ràng, một nước Anh đoàn kết sẽ mạnh hơn rất nhiều so với một nước Anh bị chia rẽ