Việc Trung Quốc và Mỹ mẫu thuẫn trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một trong những nguyên nhân cốt lõi lý giải tại sao chính quyền của ông Kim Jong-un vẫn đứng vững bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc cũng như các đòn đe dọa sử dụng vũ lực của Mỹ đối với Triều Tiên.
Khác biệt Trung-Mỹ trong vấn đề Triều Tiên
Cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã biến Trung-Mỹ thành hai quốc gia thù địch trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mặc dù chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc hơn 60 năm, tuy nhiên, vấn đề Triều Tiên vẫn là nhân tố quyết định quan trọng tới mối quan hệ song phương Trung-Mỹ được coi là quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Sở dĩ như vậy là vì, Trung-Mỹ vẫn còn nhiều mâu thuẫn trong cách tiếp cận về vấn đề Triều Tiên.
Sự khác biệt đầu tiên giữa Trung-Mỹ về vấn đề Triều Tiên đó là việc sử dụng vũ lực và phản đổi sử dụng vũ lực đối với Triều Tiên.
Trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, các đời tổng thống Mỹ luôn coi việc đe dọa sử dụng vũ lực là một đòn quan trọng để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Đặc biệt, dưới thời Tổng thống Trump việc sử dụng vũ lực đối với Triều Tiên đã được đặt lên bàn. Trong bài phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc ngày 19/9 khi nói về Triều Tiên, ông Trump đã cảnh báo nước Mỹ sẽ buộc phải sử dụng hành động cứng rắn đối với Triều Tiên nếu “những sức ép ngoại giao không kiềm chế được chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng”.
Trước đó vào ngày 8/8, trong cuộc họp với các quan chức Mỹ, ông Trump tuyên bố: “Triều Tiên đe dọa Mỹ và tôi khẳng định sẽ cho Bình Nhưỡng nếm trải lửa và sự thịnh nộ thực sự, thứ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến trước đây”.
Trong khi đó, đội ngũ cố vấn của ông Trump cũng thể hiện thái độ “không phải dạng vừa đâu” với Triều Tiên. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis cam kết Mỹ đã có biện pháp quân sự với Triều Tiên.
Cố vấn an ninh Mỹ H.R. McMaster khẳng định, tất cả lựa chọn đều đã được đặt lên bàn. Đặc biệt, Đại diện Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley còn cảnh báo, nếu Triều Tiên tiếp tục hành động mà không tính tới hậu quả, quốc gia này sẽ bị “hủy diệt”.
Trong khi đó, thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên là không chấp nhận việc sử dụng vũ lực đối với Triều Tiên với lý do “không cho phép sự hỗ loạn xảy ra ngay trước cửa nhà mình”.
Khác biệt thứ hai giữa Trung-Mỹ về Triều Tiên đó là cuộc chiến giữa “lật đổ” và “giữ nguyên” chế độ Triều Tiên.
Lật đổ chế độ Kim Jong-un là một trong những lựa chọn của Mỹ và Hàn Quốc, tuy nhiên Trung Quốc lại không nghĩ như vậy. Bởi Trung Quốc không có lợi ích gì khi chứng kiến một chính phủ Triều Tiên bị thay thế bởi một chính phủ liên Triều thống nhất và liên minh với Mỹ. Chính vì vậy, Trung Quốc đã phản đối gay gắt bất kỳ kế hoạch nào nhằm lật đổ ông Kim Jong-un của Mỹ.
Mặt khác, Trung-Mỹ cũng có nhiều khác biệt trong việc soạn thảo và thống nhất các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Dưới thời ông Trump, chính phủ Mỹ không dưới một lần kêu gọi, nếu Trung Quốc thực sự sử dụng con bài kinh tế đối với Triều Tiên, hoàn toàn có thể ngăn chặn một cách dễ dàng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, Trung Quốc lại luôn phủ nhận luận điểm này của ông Trump, cho rằng, Mỹ và Triều Tiên nên tự giải quyết các khác biệt của họ.
Như vậy là Mỹ muốn dồn toàn lực để khuất phục Triều Tiên, trong khi đó Trung Quốc lại mong muốn hai bên có được sự thỏa hiệp và quay trở lại bàn đàm phán.
Triều Tiên lợi dụng khác biệt Trung-Mỹ để tồn tại
Sở dĩ chính quyền của ông Kim Jong-un đứng vững trước các đòn trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc, né được các đòn quân sự của Mỹ là do đã lợi dụng triệt để các khác biệt Trung-Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.
Mỗi lần vấn đề hạt nhân Triều Tiên rơi vào bế tắc, Mỹ luôn dồn trách nhiệm cho Trung Quốc, gây sức ép lên Bắc Kinh sẽ giải quyết nó bằng cách trừng phạt Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không thực thi các lệnh trừng phạt một cách nghiêm khắc để làm tê liệt Bình Nhưỡng. Đó là bởi Bắc Kinh “sẽ không cho phép cái mà họ hiểu là một sự tranh cãi giữa Mỹ và Triều Tiên lại trở thành tranh cãi giữa Triều Tiên và Trung Quốc”.
Mặt khác, bề ngoài, cả Mỹ và Trung Quốc đều nói họ có cùng một mong muốn: một Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Tuy nhiên, sự khác biệt lại là Mỹ không phản đối sự thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng dù có xóa bỏ được mối đe dọa hạt nhân. Song thay đổi chế độ lại là điều mà Bắc Kinh không thể chấp nhận.
Trái lại, Bắc Kinh thà có một láng giềng ổn định và được trang bị vũ khí hạt nhân còn hơn là một chế độ phi hạt nhân song lại thù địch ở ngay cạnh cửa. Do đó, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là ngăn chặn chiến tranh nổ ra trên Bán đảo Triều Tiên, và không bao giờ để cho “sự hỗn loạn ở ngưỡng cửa của mình”.
Theo các chuyên gia phân tích, chính việc Washington và Bắc Kinh không hợp tác được với nhau trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên đã cho Bình Nhưỡng có thêm thời gian để đạt được những tham vọng hạt nhân của mình.
Chính quyền Bình Nhưỡng đã lợi dụng tốt các mâu thuẫn và bất đồng kể trên của cộng đồng quốc tế để tạo cho mình sự ổn định cần thiết và cuối cùng là sở hữu thành công vũ khí hạt nhân mà không vấp phải bất kỳ sự trừng phạt quân sự nào.
Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng, chính lập trường phản đối chiến tranh một cách mạnh mẽ của Trung Quốc vô hình trung đã tạo ra chiếc ô bảo hộ cùng “kim bài miễn tử” cho chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên. Điều này không chỉ dung túng cho việc Triều Tiên thử hạt nhân, mà còn khiến cho biện pháp đe dọa quân sự của Mỹ đối với Bình Nhưỡng không đạt được hiệu quả đề ra.
Như vậy là, chừng nào Trung-Mỹ chưa giải quyết được những mâu thuẫn cốt lõi trong vấn đề Triều Tiên, và Trung Quốc vẫn phản đối “đe dọa sử dụng vũ lực” đối với Triều Tiên thì chừng đó, chính quyền của ông Kim Jon-un vẫn đứng vững, và các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân vẫn diễn ra.