Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngGiáo sư TQ cảnh báo về kịch bản tồi tệ nhất ở...

Giáo sư TQ cảnh báo về kịch bản tồi tệ nhất ở Triều Tiên

Nhiều học giả Trung Quốc cho rằng nước này cần có kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi khủng hoảng nổ ra ở Triều Tiên.

Chương trình tên lửa, hạt nhân Triều Tiên châm ngòi cho cuộc đấu khẩu giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Trong bối cảnh khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên trở nên quyết liệt, một chuyên gia hàng đầu của Trung Quốc đã cảnh báo về việc Bắc Kinh cần chuẩn bị phương án dự phòng cho tình huống khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên leo thang thành xung đột, theo SCMP.

Trong bài viết đăng trên tạp chí East Asia Forum hồi đầu tháng, giáo sư Jia Qingguo, học giả nổi tiếng về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Peking, Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh hợp tác với Washington và Seoul để vạch ra kế hoạch đối phó với tình huống khẩn cấp có thể xảy ra ở Bình Nhưỡng.

Theo giáo sư Jia, cuộc đấu khẩu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và giới lãnh đạo Triều Tiên về chương trình tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng đã làm gia tăng nguy cơ Mỹ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu. Ngay cả khi Mỹ không tấn công phủ đầu, những lệnh trừng phạt ngày càng khắc nghiệt cùng các đợt tập trận lớn hơn, thường xuyên hơn cũng có thể đẩy bán đảo Triều Tiên vào một cuộc xung đột quân sự, làm bùng phát khủng hoảng ở Triều Tiên.

Nếu khủng hoảng nổ ra ở Triều Tiên, ông Jia vạch ra 4 vấn đề mà Trung Quốc cần xử lý, đó là kho vũ khí hạt nhân Triều Tiên, dòng người tỵ nạn, việc khôi phục trật tự xã hội và các phương án chính trị hậu khủng hoảng trên bán đảo.

“Trung Quốc tới nay vẫn cự tuyệt ý tưởng lên kế hoạch khẩn cấp ở Triều Tiên, vì lo ngại sẽ làm Bình Nhưỡng phật ý và bị cô lập. Nhưng với những diễn biến gần đây, Bắc Kinh không còn lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc bắt đầu thảo luận với Washington và Seoul”, Jia viết. “Khi chiến tranh trở thành một khả năng hiện hữu, Trung Quốc phải sẵn sàng”.

Ông cho rằng nếu chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ sau một cuộc tấn công quân sự của Washington, cả Trung Quốc và Mỹ đều phải sẵn sàng tiếp quản các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên để ngăn nguy cơ các vũ khí hủy diệt hàng loạt này lọt ra ngoài.

Theo ông Jia, Bắc Kinh nên tự mình tiếp quản các vũ khí hạt nhân này. Trung Quốc có thể không phản đối việc Mỹ tiếp quản các cơ sở hạt nhân Triều Tiên, bởi vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng không hề có giá trị về công nghệ với Bắc Kinh, trong khi việc quản lý chúng vô cùng tốn kém và phức tạp. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ gặp rắc rối với việc quân đội Mỹ vượt qua vĩ tuyến 38, bởi nó khơi gợi lại ký ức về cuộc chiến tranh Triều Tiên đầu thập niên 1950.

Để đối phó với vấn đề tỵ nạn, Trung Quốc cần thiết lập một vùng an toàn ở phía đông bắc để tiếp nhận dòng người tỵ nạn Triều Tiên ồ ạt trần qua biên giới và Bắc Kinh cũng cần thảo luận với Washington về việc có chấp nhận một bán đảo Triều Tiên thống nhất hay không.

Trung Quốc cũng cần tính tới việc ai sẽ chịu trách nhiệm vãn hồi trật tự ở Triều Tiên trong cơn khủng hoảng, là quân đội Hàn Quốc hay là lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc hoặc các lực lượng khác. Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ phản đối việc Washington điều binh sĩ vượt qua vĩ tuyến 38 để thực hiện nhiệm vụ này.

Sau khủng hoảng Triều Tiên, Trung Quốc cũng cần thảo luận các phương án chính trị trên bán đảo, chẳng hạn như để cộng đồng quốc tế thành lập chính phủ mới cho Triều Tiên hay tổ chức trưng cầu dân ý về phương án thống nhất bán đảo.

Sun Xingjie, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Cát Lâm, cũng cho rằng sự chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất này là cần thiết. “Việc Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng ở biên giới để đối phó với một cuộc khủng hoảng hạt nhân hoặc tỵ nạn là ý tưởng hay”, Sun nói.

Trung Quốc những tháng gần đây cũng có nhiều bước đi thể hiện sự mất kiên nhẫn với Triều Tiên, trong đó có động thái cấm nhập khẩu sản phẩm may mặc từ nước này và thắt chặt hoạt động cung cấp dầu kể từ năm sau.

Nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ chỉ thảo luận với Mỹ về kế hoạch ứng phó khẩn cấp ở Triều Tiên khi lệnh cấm vận toàn diện, bao gồm cắt hoàn toàn nguồn cung dầu mỏ cho Bình Nhưỡng, được thi hành. Cheng Xiaohe, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin, cho rằng việc khóa đường ống dẫn dầu sang Triều Tiên chắc chắn sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc nhân đạo, hoặc tệ hơn là đòn đánh phủ đầu của Bình Nhưỡng nhắm vào Seoul hoặc Washington.

Theo Cheng, dù ai là bên châm ngòi đòn tấn công phủ đầu, Trung Quốc cũng cần phải đảm bảo lợi ích của riêng mình. Để làm được điều đó, lực lượng quân đội, dân phòng và biên phòng Trung Quốc cần phải xây dựng chiến lược ứng phó của riêng mình. “Trung Quốc phải có hành động nhanh chóng để giảm thiểu thiệt hại tới lợi ích của mình và có tiếng nói lớn nhất trong phương án chính trị hậu khủng hoảng”, Cheng nói.

Chuyên gia này cho rằng lợi ích cơ bản của Trung Quốc sau khủng hoảng Triều Tiên là một khu vực không có vũ khí hạt nhân và quân đội Mỹ không vượt qua vĩ tuyến 38. Một số lợi ích khác có thể được tính đến gồm thỏa thuận biên giới, phương án trả nợ của Bình Nhưỡng cho Bắc Kinh và việc bảo vệ các tài sản thương mại của Trung Quốc ở Triều Tiên.

“Quân đội Trung Quốc cần di chuyển nhanh chóng để bảo vệ các cơ sở và vị trí quan trọng, ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tỵ nạn hay phổ biến vũ khí hạt nhân và đảm bảo vị thế cao trong các giải pháp quốc tế hậu khủng hoảng”, Cheng cho biết.

Giới quan sát cho rằng việc các học giả nổi tiếng của Trung Quốc công khai nêu vấn đề lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp với Triều Tiên là một động thái vô cùng hiếm hoi. Tuy nhiên, Sun và nhiều nhà phân tích khác cho rằng vẫn còn quá sớm để Trung Quốc thảo luận về phương án Triều Tiên hậu chiến tranh với các nước khác, bởi nguy cơ nổ ra xung đột trên bán đảo là rất thấp. Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân và trong lịch sử chưa bao giờ có cuộc xung đột trực tiếp nào giữa hai quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân.

Lu Chao, chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, nhất trí rằng dòng người tỵ nạn Triều Tiên sẽ là mối lo lớn nhất với Trung Quốc và nhiều nước lân cận, nhưng vẫn còn quá sớm để đề cập đến khả năng đó. “Điều kiện tiên quyết để vạch kế hoạch ứng phó khẩn cấp là dấu hiệu sụp đổ của chính quyền Triều Tiên, nhưng tới nay chúng ta chưa hề thấy bất cứ dấu hiệu nào như vậy”, Lu nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới