Triều Tiên là cái cớ để Mỹ có mặt ở Thái Bình Dương, để tăng ngân sách quốc phòng có lợi cho các nhà thầu quân sự, sản xuất vũ khí, để che đậy mục đích đối trọng với TQ ở khu vực.
Nhà phân tích của Russia Today cho rằng Triều TIên thực ra chỉ là một “sân khấu” giúp Mỹ thực hiện được các mục đích khác của mình. Ảnh: KCNA
Trả lời kênh truyền hình RT (Nga), nhà phân tích địa chính trị Patrick Henningsen, một cây viết điều tra và nhà làm phim cho nhiều tờ báo uy tín, người sáng lập trang tin 21st Century Wire, đã phân tích sự “vô nghĩa” trong việc Mỹ ngày 24/9 điều máy bay ném bom hạt nhân tới sát không phận Triều Tiên nhất trong vòng 100 năm qua.
Theo Henningsen, động thái này đã gửi đi thông điệp chiến tranh. Đó là thông điệp mà một số nhà chính trị Mỹ cùng những tổ hợp công nghiệp quốc phòng sản xuất vũ khí hay các nhà thầu quân sự muốn nghe. Mục đích của động thái trên là làm hài lòng những đối tượng này.
Về mặt ngoại giao, việc điều những máy bay tối tân nhất tiến đến sát Triều Tiên như vậy là hoàn toàn phản tác dụng. Xét trong mối quan hệ với Trung Quốc, việc đó thực sự tồi tệ. Về mặt chiến lược quân sự, các máy bay tiến sát đối phương dọa dẫm như vậy là vô tác dụng, chả có nghĩa lý gì.
Henningsen nói thêm rằng, ông Obama cũng đã có hành động tương tự, khi vào tháng 9/2016, vị cựu tổng thống Mỹ cũng đã điều một máy bay B-1B bay về hướng Triều Tiên, nhưng chỉ bay không xa địa điểm xuất phát của những máy bay lần này. Tất nhiên, báo chí hồi đó không đưa tin rầm rộ.
Theo Henningsen, những hành động dọa dẫm đó là nét đặc trưng, “cơ bản” của các chính quyền Mỹ, những chính quyền chịu sự chi phối lớn của Lầu Năm Góc và ngành công nghiệp quốc phòng, vì những lợi ích của các tổ chức này.
Nhà phân tích Henningsen chỉ ra rằng, cứ mỗi lần Triều Tiên và Hàn Quốc sắp có được một “bước ngoặt” trong mối quan hệ thì Mỹ lại xen vào, phá vỡ các thỏa thuận song phương giữa hai nước trên bán đảo.
Tại sao Mỹ lại xen vào như vậy? Là bởi vì toàn bộ chương trình nghị sự của Mỹ ở Thái Bình Dương được đưa ra dựa trên mối quan hệ tồi tệ với Triều Tiên và chiến tranh. Nếu không có Triều Tiên và những bất ổn trên bán đảo này, Mỹ không có việc gì ở đây, khi đó sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ còn lại một lý do rõ ràng duy nhất là để làm đối trọng với Trung Quốc.
Do đó, Henningsen cho rằng đối với Mỹ, Triều Tiên chỉ là một sân khấu địa chính trị. Tuy nhiên, những gì mà Mỹ và Tổng thống Trump đang làm lại khá nguy hiểm và tiêu cực.
Henningsen cho rằng, bất cứ ai nếu phải nghe những lời đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” từ một Tổng thống Mỹ thì cũng đều sẽ muốn sở hữu vũ khí hạt nhân để phòng thủ, Triều Tiên không phải ngoại lệ.
Tất cả mọi người đều hiểu việc Mỹ tấn công hạt nhân Triều Tiên sẽ không xảy ra, vì hậu quả quá lớn cho tất cả mà lợi ích mang lại thì quá nhỏ để mạo hiểm khơi mào một cuộc chiến.
Cuối cùng, theo Henningsen, tất cả những căng thẳng, leo thang đã xảy ra chỉ vì tiền. Vì ngân sách quốc phòng của Mỹ cần phải được phê duyệt tăng 20% lên mức 700 tỷ USD. Chỉ riêng khoản tăng 20% đó thôi cũng đã lớn hơn toàn bộ ngân sách quốc phòng hàng năm của Nga. Tất cả là vì tiền bạc và lợi nhuận.