Tuesday, January 7, 2025
Trang chủĐiểm tinTQ nên bắt đầu bàn với Washington chuyện "thu dọn tàn cuộc"...

TQ nên bắt đầu bàn với Washington chuyện “thu dọn tàn cuộc” thời hậu chiến Mỹ-Triều Tiên?

Hiếm khi “kế hoạch dự phòng” của Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên được các học giả nước này thảo luận sôi nổi và công khai như thời gian gần đây.

Quân đội Trung Quốc diễu binh trên quảng trường Thiên An Môn, thủ đô Bắc Kinh, ngày 3/9/2015 (Ảnh: DAMIR SAGOLJ/REUTERS)

Các học giả Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh cần nhanh chóng hoàn thiện một kế hoạch dự phòng độc lập hoặc hợp tác cùng Washington và Seol, để đề phòng cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên leo thang thành xung đột.

Trong bài phân tích xuất bản trên tạp chí Diễn đàn Đông Á (Australia) hồi đầu tháng 9, ông Giả Khánh Quốc, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc kêu gọi chính phủ nước này làm việc cùng Mỹ và Hàn Quốc về các kế hoạch ngắn hạn.

Ông Giả nhấn mạnh 4 khía cạnh cần được chú ý: kho vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, khả năng phát sinh làn sóng tị nạn, việc khôi phục trật tự xã hội, và vấn đề ổn định chính trị trên bán đảo.

“Cho đến nay Bắc Kinh vẫn chống lại ý tưởng đồng thuận hoặc không phản đối Mỹ tấn công Triều Tiên. Nhưng với những diễn biến gần đây, Trung Quốc có thể không còn lựa chọn nào hơn là phải trao đổi với Washington và Triều Tiên,” ông viết. “Khi chiến tranh trở thành một khả năng thực tế, thì Trung Quốc cần phải sẵn sàng.”

Theo ông, trong trường hợp Mỹ tấn công quân sự Triều Tiên, như đe dọa của tổng thống Donald Trump những ngày qua, Trung Quốc hoặc Mỹ sẽ phải kiểm soát các cơ sở hạt nhân của nước này để tránh vũ khí của Triều Tiên lọt vào tay các thế lực khác.

“Một vùng an toàn cần được xây dựng ở vùng Đông Bắc Trung Quốc để đón người tị nạn từ bán đảo, và Bắc Kinh phải đàm phán với Washington về việc có thừa nhận một bán đảo thống nhất hay không,” ông Giả nhận định.

Học giả Tôn Hưng Kiệt, chuyên gia về vấn đề Triều Tiên ở Đại học Cát Lâm, Trung Quốc cũng tin rằng sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh trên bán đảo là điều cần thiết.

“Việc Bắc Kinh có chuẩn bị ở biên giới – để xử lý một cuộc khủng hoảng tiềm tàng về hạt nhân hoặc người tị nạn – là ý tưởng tốt,” ông Tôn nói, nhưng thừa nhận khả năng xảy ra chiến tranh trên bán đảo là thấp bởi Triều Tiên thực tế đã sở hữu vũ khí hạt nhân, và trong lịch sử chưa từng xảy ra xung đột trực diện giữa các quốc gia vũ trang hạt nhân.

Người Trung Quốc mất dần kiên nhẫn

Hành động mới nhất của Bắc Kinh là áp lệnh cấm nhập khẩu hàng dệt may Triều Tiên và siết chặt hạn ngạch cung cấp dầu cho người láng giềng kể từ năm tới.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 22/9 đã phản ứng với các lệnh cấm vận mà Trung Quốc thực hiện. Hãng này chỉ trích Bắc Kinh “quỳ gối” trước Mỹ bằng cách ủng hộ và thực thi nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ.

Đây không phải lần đầu KCNA tỏ thái độ bất mãn với chính phủ cùng truyền thông Trung Quốc. Tần suất những lời chê trách nhằm vào Bắc Kinh đã gia tăng trong năm 2017 cùng với việc Triều Tiên thử tên lửa thường xuyên hơn, và còn tiến hành một vụ thử bom H.

Nhà nghiên cứu Lữ Siêu, viện sĩ Viện khoa học xã hội tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, bình luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu:

“Phản ứng của Triều Tiên là kém khôn ngoan, và đã đụng chạm đến rất nhiều người Trung Quốc. Trên mạng Internet ở Trung Quốc, làn sóng giận dữ nhằm vào Triều Tiên đang lên cao và nước này cần hiểu rằng nếu người Trung Quốc không còn cảm thông với Bình Nhưỡng nữa, thì chính phủ Trung Quốc cũng mất đi nền tảng dư luận cần có để duy trì các mối liên hệ song phương được dựng lên từ thời cha ông chúng ta.”

Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố cứng rắn về lập trường của Trung Quốc trước LHQ, rằng “không thể có thêm một quốc gia nào trên hành tinh này sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ chưa sẵn sàng thảo luận với Mỹ về một “kế hoạch hậu chiến” ở bán đảo, trừ khi biện pháp trừng phạt tối thượng – một lệnh cấm vận toàn diện về dầu – được áp lên Triều Tiên.

Theo ông Thành Hiểu Hà, phó giáo sư khoa chính trị quốc tế, Viện quan hệ quốc tế, Đại học nhân dân Trung Quốc, “chặn vòi dầu” của Triều Tiên có nguy cơ làm bùng phát khủng hoảng kinh tế và nhân đạo ở nước này, hoặc Bình Nhưỡng sẽ phát động tấn công phủ đầu chống lại Mỹ và đồng minh.

Nhưng bất kể Mỹ hay Triều Tiên tấn công trước, Trung Quốc vẫn bị đặt vào thế phải giữ chắc các lợi ích của mình. Để bảo đảm điều đó, lãnh đạo của quân đội, hệ thống dân phòng và kiểm soát biên giới cần có chiến lược hợp lý ngay từ lúc này.

“Trung Quốc phải hành động nhanh để giảm thiểu thiệt hại về lợi ích quốc gia, và chiếm được quyền lên tiếng lớn nhất trong cuộc dàn xếp hậu khủng hoảng,” ông Thành nói.

Có một số dấu hiệu Trung Quốc bắt đầu công tác dự phòng. Hãng Tân Hoa Xã đưa tin phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, tướng Hứa Kỳ Lượng mới đây đã thị sát lực lượng ở Bộ chỉ huy Chiến khu miền Bắc, chịu trách nhiệm khu vực biên giới với Triều Tiên.

Ông Thành phân tích, lợi ích cơ bản của Trung Quốc ở bán đảo giai đoạn hậu khủng hoảng là loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi khu vực, và bảo đảm lực lượng quân sự Mỹ không vượt qua vĩ tuyến 38. Các tính toán khác được cân nhắc sẽ bao gồm thỏa thuận biên giới, việc trả nợ của Bình Nhưỡng cho Bắc Kinh, và bảo hộ thương mại của Trung Quốc.

“Quân đội Trung Quốc cần nhanh chóng kiểm soát các cơ sở và cứ điểm quan trọng ở Triều Tiên,” ông Thành Hiểu Hà đánh giá, “để ngăn khủng hoảng người tị nạn và phổ biến hạt nhân, cũng như chiếm vị thế tốt trong lộ trình dàn xếp quốc tế sau đó.”

Ông Lữ Siêu đồng tình với ông Thành Hiểu Hà về mối lo của Trung Quốc, nhưng cho rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về vấn đề “hậu khủng hoảng”.

“Điều kiện tiên quyết để đưa ra một kế hoạch dự phòng có thể là sự thay thế chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhưng cho đến nay chúng ta chưa hề thấy dấu hiệu nào của điều đó,” ông Lữ cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới