Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiĐòn bẩy kinh tế của TQ là chìa khóa cho cuộc khủng...

Đòn bẩy kinh tế của TQ là chìa khóa cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên?

Trung Quốc, đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, có những lợi thế có thể giúp kiềm chế Bình Nhưỡng và né tránh nguy cơ chiến tranh hạt nhân ở Đông Á, theo ý kiến của một học giả trên trang The Conversation.

Ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, nắm tay lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng vào tháng 10 năm 2015 (Ảnh: AP)

Các chuyên gia nhận định những tuyên bố gần đây của chính quyền Kim Jong Un là nghiêm trọng hơn nhiều so với những lời đe dọa trước đó. Mới đây nhất, bộ trưởng ngoại giao nước này tuyên bố Triều Tiên có quyền bắn hạ máy bay Mỹ vì Bình Nhưỡng nhìn nhận bài phát biểu của Tổng thống Trump tại Liên Hợp Quốc là một lời tuyên chiến.

Các chuyên gia nhận định bất kỳ giải pháp phi quân sự nào cũng phải dựa vào Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động thương mại với Triều Tiên trong khi ít tác động để ngăn chặn chương trình hạt nhân của nước này, theo ông Greg Wright, phó giáo sư kinh tế học tại Đại học California, Mỹ.

Xét về mặt địa lý, Trung Quốc là một đối tác thương mại “không thể tránh khỏi” vì 2 quốc gia này có chung đường biên giới khá dài. Thương mại của Triều Tiên phụ thuộc nhiều vào việc hợp tác với thị trường lớn Trung Quốc, ông Wright cho biết. Triều Tiên nhập khẩu gần như mọi thứ từ Trung Quốc, từ lốp cao su đến xăng dầu.

Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (C4ADS), Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ nền kinh tế Triều Tiên. Vì vậy, theo ông Wright, Trung Quốc đóng vai trò then chốt trong việc ngăn chặn sự phát triển chương trình hạt nhân của Triều Tiên, và góp phần giải quyết vấn đề khu vực bằng các giải pháp hòa bình.

Trung Quốc cũng có lợi ích trong việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân từ người hàng xóm Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh không muốn các biện pháp quá cứng rắn sẽ dẫn đến nguy cơ sụp đổ Triều Tiên, khiến những cư dân thống khổ của nước này tháo chạy sang Trung Quốc.

Trong quá khứ, chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên từng đem lại lợi ích cho một phe cánh chính trị tại Trung Quốc. Dưới thời mối quan hệ thắm thiết giữa lãnh đạo Kim Jong Il và Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, phe ông Giang thậm chí còn có thể tác động đến thời điểm Triều Tiên thử vũ khí để phân tán sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với những vấn đề chính trị và nhân quyền của phe Giang, theo ý kiến của một số chuyên gia.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã phai nhạt dần kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, và Chủ tịch Trung Quốc nhậm chức năm 2012. Vì vậy, hiện chưa rõ ông Tập có tác động ra sao trong việc kiềm chế tham vọng của chính quyền Kim Jong Un.

Gần đây, Bắc Kinh đã thể hiện động thái ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng do Mỹ đề xuất. Ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã chỉ thị cho các ngân hàng của nước này ngừng cung cấp tài chính cho Triều Tiên.

RELATED ARTICLES

Tin mới