Monday, December 23, 2024
Trang chủNước Việt đẹpChuyên gia ADB chỉ thẳng nghịch lý thuế ở Việt Nam

Chuyên gia ADB chỉ thẳng nghịch lý thuế ở Việt Nam

Dù mức thuế suất ở Việt Nam không phải là cao nhưng doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi thuế hay cắt giảm nhiều khoản thuế.

Tại buổi công bố Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 26/9, ông Eric Sidgwick, Giám đốc ADB tại Việt Nam đã đề cập đến chính sách thuế của Việt Nam hiện nay.

Ông cho rằng, cơ cấu thuế ở Việt Nam chủ yếu là phù hợp, nhưng vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện hơn.

“Thuế suất hiện áp dụng cho nhiều sắc thuế ở Việt Nam không phải cao nếu so với chuẩn mực quốc tế hay nhiều quốc gia khác. Nhưng miễn thuế quá nhiều.

Cụ thể, các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài – doanh nghiệp FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi thuế hay cắt giảm nhiều khoản thuế. Chính phủ cũng không rõ ràng là các doanh nghiệp này được miễn giảm thuế trong bao nhiêu lâu.

Rõ ràng, cơ cấu thuế và vấn đề miễn, giảm thuế là hai lĩnh vực có dư địa, Chính phủ cần xem xét lại”, báo Dân Việt dẫn lời Giám đốc ADB tại Việt Nam.

Về công tác quản lý thuế, ông Eric Sidgwick đánh giá, Chính phủ có thể quy định một mức thuế suất cho từng loại mặt hàng, dịch vụ hay đối tượng chịu thuế. Nhưng nếu không thu được, sẽ là phản tác dụng với cơ chế thuế ở Việt Nam.

“Với tốc độ tăng trưởng cao mà Việt Nam duy trì trong nhiều năm qua, chắc chắn sẽ có nhiều tài sản tạo ra trong nền kinh tế nhưng tới nay vẫn chưa được đánh thuế một cách xứng đáng. Ngoài ra, thuế tài sản cũng cần phải xem xét.

Để có thể cải thiện hệ thống thuế, việc thu thuế cần được siết chặt hơn để đảm bảo những loại thuế được pháp luật quy định phải thực sự thu được, thực sự đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

Việc thâm hụt ngân sách chủ yếu được bù đắp bởi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Song không nên kì vọng vào nguồn thu này bởi nó không ổn định. Vậy nên, nguồn thu từ thuế phải đi đôi với sự tăng trưởng của nền kinh tế nhằm đảm bảo chúng ta không bóp méo những động cơ kinh doanh, hoạt động kinh tế mà vẫn tạo ra nguồn thu xứng đáng cho ngân sách Nhà nước.

Cấu trúc thuế cần được cải thiện nhiều hơn. Đặc biệt là công tác thu thuế phải được thực hiện hiệu quả hơn. Ngoài ra, Chính phủ nên xem lại cơ chế miễn, giảm thuế đã và đang cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài – doanh nghiệp FDI”.

Việc Việt Nam có những ưu đãi quá “hào phóng” về chính sách thuế đối với doanh nghiệp FDI đã được nhiều chuyên gia cảnh báo trước đó.

Bà Nguyễn Phương Thúy, Trưởng phòng Chính sách và chiến dịch của tổ chức Actionaid Việt Nam, nhận xét trên VOV, việc ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp FDI chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

“Các ưu đãi thuế, giảm thuế để thu hút doanh nghiệp FDI không thành công mà còn giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI không chỉ tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài tránh thuế mà còn làm phát sinh các hoạt động trốn thuế bất hợp pháp.

Chỉ riêng năm 2012, số tiền mất đi do các doanh nghiệp FDI trốn thuế đã lên tới hơn 20 triệu USD, chủ yếu thông qua hình thức chuyển giá. Ước tính, số tiền thất thu thuế trong 1 năm này gần bằng số tiền chi cho giáo dục đào tạo trong 5 năm, từ 2008 – 2012”, bà Thúy cho biết.

Một con số khác cũng đáng chú ý, đó là kết quả điều tra của Tổng cục thuế năm 2013 có tới 83% doanh nghiệp nước ngoài đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau nhằm giảm tối đa số thuế phải nộp. Tại một số địa phương, 100% doanh nghiệp nước ngoài đều có sai phạm về thuế. Những thủ đoạn trốn thuế, tránh thuế đang gây thất thu lớn đối với thu ngân sách nhà nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới