Thursday, November 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChiến lược '3 không' của Trung Quốc với căng thẳng Mỹ -...

Chiến lược ‘3 không’ của Trung Quốc với căng thẳng Mỹ – Triều

Trung Quốc đang tỏ ra hợp tác với Mỹ để gây sức ép với Bình Nhưỡng nhưng nước này được cho là sẽ vẫn giữ vững lập trường “3 không” với tình hình bán đảo Triều Tiên.

 

Tổng thống Trump bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp đầu năm nay. Ảnh: AP.

Các đời tổng thống Mỹ kể từ ông George H.W. Bush được cho là đã có những động thái “nhượng bộ đau đớn” đối với Triều Tiên, theo nhận định của Economist. Một trong số này là quyết định năm 1991 để thu hồi toàn bộ các vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai trên biển và trên bộ ở bán đảo. Đây được xem là bước đi cần thiết để Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán năm 1993.

Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ, trải qua các cuộc họp chính thức lẫn không chính thức, Washington nhận ra rằng Bình Nhưỡng muốn nhiều hơn thế. Lãnh đạo cấp cao của nước này muốn Mỹ phải kết thúc liên minh phòng thủ với Nhật Bản và Hàn Quốc, rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí Mỹ triển khai ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, những kế hoạch nhằm khiến Triều Tiên nối lại đàm phán đều không thành, nước này cũng không ngừng phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân.

Năm 2017 không chỉ đánh dấu bước tiến đáng kể trong chương trình vũ khí của Triều Tiên, mà còn là khí thế mạnh mẽ chưa từng có của các lãnh đạo nước này trên trường thế giới. Sau khi gây chấn động bằng những vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Bờ Tây của Mỹ, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho đe dọa ở Liên Hợp Quốc rằng họ có thể thử bom H ở Thái Bình Dương.

Khi Tổng thống Trump gọi ông Kim Jong Un là “người tên lửa theo đuổi sứ mệnh tự sát”, đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên thẳng thắn đáp trả và gọi tổng thống Mỹ là “lão già loạn trí”.

Mức độ hợp tác hiếm hoi của Trung Quốc với Mỹ

Trong giai đoạn gây quan ngại cao độ này, Trung Quốc đã đồng thuận với nghị quyết mới nhất về cấm vận Triều Tiên do Liên Hợp Quốc ban hành. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chỉ đạo các ngân hàng nước này không phê duyệt thêm những khoản vay mới cho Triều Tiên và giảm dần giao dịch với nước láng giềng. 

Một phần hành động quyết liệt của Trung Quốc được cho là xuất phát từ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump. Những ngân hàng quốc tế hỗ trợ giao dịch với các đơn vị Triều Tiên sẽ bị loại khỏi thị trường Mỹ, điều được coi là bản án tử hình đối với một ngân hàng toàn cầu. Trong hậu trường, các quan chức Bộ Tài chính liên tục đe dọa trừng phạt những ngân hàng Trung Quốc nếu tham gia hoặc hỗ trợ các phi vụ liên quan đến Triều Tiên.

Khi phát biểu công khai ngày 27/9, Tổng thống Trump khen ngợi Trung Quốc đã hành động hiệu quả trong việc phối hợp gây sức ép với Triều Tiên. “Tôi hoan nghênh Trung Quốc vì đã cắt đứt mọi giao dịch ngân hàng với Triều Tiên, điều mà không ai có thể nghĩ tới vào hai tháng trước. Tôi muốn cảm ơn Chủ tịch Tập Cận Bình về quyết định này”, ông Trump nói trước báo chí.

Giáo sư John Karaagac (Đại học Indiana, Mỹ) nói với Zing.vn rằng ông Trump đã đúng khi quy trách nhiệm tình hình Triều Tiên nghiêm trọng như hiện nay là điều mà các chính quyền tiền nhiệm để lại cho ông. “Do vậy việc tiếp tục đi theo những chính sách cũ sẽ không hiệu quả, vì ‘thần đèn đã thoát ra khỏi cây đèn'”.

“Hiện chưa thể khẳng định sự đồng thuận hiếm hoi này giữa Bắc Kinh và Washington sẽ đi được bao xa, do hai bên cơ bản khác nhau về những mục đích ở bán đảo Triều Tiên. Dẫu vậy, chính sách của ông Trump đã quyết liệt hơn hẳn hai người tiền nhiệm và thực sự đã buộc Trung Quốc phải tham gia cùng, giáo sư Karaagac nói. 

Bên cạnh sự hợp tác, một số nguồn tin cho rằng các quan chức Mỹ vẫn chỉ trích Bắc Kinh vì không chịu tiến xa hơn trong việc thi hành những cấm vận mạnh mẽ và khắc nghiệt nhất. Phe “diều hâu” ở Washington thậm chí tố Trung Quốc thầm ủng hộ việc Triều Tiên đối đầu với Mỹ, hoặc không hoàn toàn tập trung vào tình hình Triều Tiên do bị phân tâm bởi vấn đề Biển Đông.

Trong khi đó, người Trung Quốc cáo buộc Mỹ hành động ích kỷ, như không chịu nhượng bộ tạm ngưng những cuộc tập trận quân sự lớn với đồng minh Hàn Quốc; hoặc Mỹ đang tận dụng sự sợ hãi có phần thổi phồng về vấn đề Triều Tiên để gây sức ép với Trung Quốc.

Triều Tiên có thể khiêu khích hơn tới đâu?

Theo Giáo sư Karaagac, để dự đoán Triều Tiên sẽ tiếp tục hành động khiêu khích đến mức nào cần dựa trên 3 hoàn cảnh: Triều Tiên quyết định độc lập hoàn toàn, hay Triều Tiên sẽ hành động sao cho thuận lòng Bắc Kinh; hoặc sự kết hợp của cả hai?

“Điều thể hiện rõ ràng là Triều Tiên đã hành động vì chính lợi ích của nước này nhằm củng cố sự vững chắc của chính quyền. Khi phô diễn năng lực hạt nhân, Bình Nhưỡng tỏ ý đe dọa Hàn Quốc bằng sức mạnh quân sự và thậm chí đương đầu với Mỹ. Đây là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã không còn chịu ảnh hưởng quá lớn từ Trung Quốc. Bình Nhưỡng như muốn chứng tỏ rằng họ không phải là một đối tác ‘chiếu dưới’ để có thể bị gạt ra bên lề trong những kế hoạch thống nhất hai miền”, giáo sư Karaagac nói với Zing.vn.

Zhao Tong, chuyên gia về hạt nhân tại Trung tâm Chính sách Hòa bình Carnegie – Thanh Hoa, nhận định: “Khi Triều Tiên liên tục thử hạt nhân bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Bắc Kinh không còn thấy bắt buộc phải bảo vệ cho đồng minh theo hiệp ước tương trợ lẫn nhau”.

Trên thực tế, đối với Trung Quốc, một viễn cảnh Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân khiến giới chức Bắc Kinh lo lắng không kém những người đồng cấp của họ tại Mỹ; vì lo ngại chính Trung Quốc có thể bị đe dọa vào một ngày nào đó. Bởi vậy, mức độ quan ngại của Trung Quốc với khả năng này chỉ xếp thứ 2 sau kịch bản chính quyền Triều Tiên có sự xáo trộn lớn. Điều này thúc ép Trung Quốc sẵn sàng hợp tác trong các cấm cận quốc tế với mức độ áp lực vừa đủ.

Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Jim Butterfield (Đại học Western Michigan, Mỹ) thận trọng khi đưa ra dự đoán về hành động tiếp theo của Triều Tiên. “Phải quan sát thêm nữa, nhưng lịch sử đã cho thấy họ sẽ đáp trả một hành động gây hấn bằng một động thái còn khiêu khích hơn. Nếu thực sự Bình Nhưỡng quyết định tấn công Nhật Bản, chứ chưa thể tới Mỹ do công nghệ vẫn còn hạn chế, thì hậu quả sẽ rất thảm khốc”.

Thần chú ‘3 không’ của Trung Quốc

Giáo sư Butterfield cho rằng chủ trương cứng rắn của ông Trump có thể buộc Triều Tiên phải giảm tông, “nhưng đây là biện pháp rủi ro”. Lý do là nó chẳng những không thể buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, mà còn củng cố quan điểm của Bình Nhưỡng rằng chính sách này là đúng đắn để ngăn chặn những cuộc tấn công từ bên ngoài”.

Do vậy, việc Bắc Kinh đồng ý phối hợp với Washington gây sức ép với Bình Nhưỡng được cho là nhằm tránh để Tổng thống Trump dồn Triều Tiên vào đường cùng, từ đó có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Một số ý kiến lạc quan nói Trung Quốc cuối cùng đã “quay lưng” với đồng minh Triều Tiên, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng đã ít nhất hai lần làm “bẽ mặt” Bắc Kinh. Đó là lúc Triều Tiên phóng tên lửa vào đầu tháng 5 trước dịp khai mạc diễn đàn “Vành đai và Con đường”, sự kiện quan trọng nhất đối với Trung Quốc trong năm 2017; và khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 hôm 3/6, ngay ngày hội nghị các nước BRICS diễn ra ở Hạ Môn, Trung Quốc.

Tuy nhiên, chuyên gia Zhao Tong thận trọng trước nhận định lạc quan rằng Trung Quốc sẽ sẵn sàng hợp tác với mọi yêu cầu về chính sách “siết chặt chiến lược” của Mỹ. “Trung Quốc chỉ đang muốn cân bằng giữa ông Trump và Kim Jong Un mà thôi. Lý do Bắc Kinh chấp thuận với các cấm vận là để xoa dịu ông Trump. Đối với Trung Quốc, Mỹ luôn luôn là mối quan ngại địa chiến lược quan trọng nhất, là mối đe dọa lớn nhất”.

Trong những cuộc gặp với Tổng thống Obama và sau này là Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình luôn lặp lại một quan điểm nhất quán đối với vấn đề Triều Tiên. 

“Người Trung Quốc có một câu ‘thần chú’ mà họ liên tục nhắc lại, đó là chính sách 3 không: Không chiến tranh, không hỗn loạn, và không hạt nhân. Và các thứ tự của cụm từ này cũng không phải ngẫu nhiên”, bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới