Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này vừa tiêu hủy kho vũ khí hóa học cuối cùng và gọi đây là “một sự kiện lịch sử”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/9 ra lệnh cho tiêu hủy kho lưu trữ vũ khí hóa học cuối cùng của nước này tại làng Kizner ở nước Cộng hòa Udmurtia (thuộc Nga).
“Tôi không muốn phô trương, nhưng đây thực sự là một sự kiện lịch sử bởi Nga vốn sở hữu một số lượng lớn vũ khí hóa học từ thời Xô Viết”, ông Putin nói. “Mặc dù Moscow đã có kế hoạch hoàn thành việc loại bỏ hoàn toàn các kho lưu trữ vũ khí hóa học vào năm 2020. Nhưng chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch trước tiến độ.”
Tổng thống Putin cho rằng việc Nga loại bỏ vũ khí hóa học cuối cùng là một bước tiến lớn nhằm giúp thế giới trở nên “cân bằng và an toàn hơn”. Nga đã hợp tác chặt chẽ với các đối tác để “bảo vệ loài người khỏi mối đe dọa đến từ việc sử dụng và phát triển vũ khí dã man, gây chết người”.
Tổng thống Nga nhấn mạnh vai trò quan trọng của Moscow trong việc giải quyết vấn đề vũ khí hóa học tại Syria.
“Nga hoàn toàn tuân thủ các cam kết quốc tế, bao gồm cả việc giải trừ và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”, ông Putin nói. “Chúng tôi hy vọng nỗ lực của Nga trong việc loại bỏ vũ khí hóa học sẽ là một ví dụ cho các nước khác.”
“Mỹ đã hoãn thời hạn xử lý vũ khí hóa học tới ba lần, bao gồm cả lý do thiếu ngân sách. Nói thực, điều này nghe khá kì. Chúng tôi hy vọng rằng Mỹ, giống nhiều nước khác, sẽ hoàn thành nghĩa vụ của mình theo các cam kết quốc tế”, ông Putin kết luận.
Sĩ quan quân đội Nga đứng cạnh một tên lửa Scud của Liên Xô chứa chất độc thần kinh. Ảnh chụp tháng 6/2001. Ảnh: AP
Nga là một trong những nước đầu tiên ký kết Công ước về cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học, thường gọi là Công ước về Vũ khí hóa học (CWC). Công ước này được Nga đặt bút kí vào ngày 13/1/1993 và phê chuẩn vào ngày 5/11/1997.
Hồi tháng Ba, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về giải trừ vũ khí hóa học của Nga, ông Mikhail Babich cho biết gần 70.500 tấn vũ khí hóa học được dự trữ trên khắp thế giới, trong đó 40.000 tấn ở Nga và 27.000 tấn ở Mỹ, số còn lại ở những nước khác.