Wednesday, January 8, 2025
Trang chủQuân sự5 lý do khiến tàu sân bay Mỹ khó bị đánh chìm

5 lý do khiến tàu sân bay Mỹ khó bị đánh chìm

Tàu sân bay nguyên tử là một biểu tượng đầy sức thuyết phục cho tiềm lực quân sự của xứ cờ hoa. Trong bài viết mới đây đăng trên Tạp chí Mỹ The National Interst, Loren B.Thomson, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu phi lợi nhuận Lexington đưa ra 5 lý do khiến tàu sân bay Mỹ luôn vững vàng trước các đối thủ trên đại dương.

Tàu sân bay lớp Nimitz cùng đội tàu hộ tống. Ảnh: eurasian-defence.ru.

Với kích thước đồ sộ, các tàu sân bay Mỹ được cho là dễ trở thành mục tiêu của các loại vũ khí diệt hạm ngày càng hiện đại và chính xác. Tuy nhiên, khả năng những đối thủ có thể đánh chìm các “pháo đài nổi” này của Mỹ mà không dùng tới vũ khí hạt nhân gần như bằng không, Loren B.Thomson nhận định.

Để lý giải cho nhận định của mình, lý do đầu tiên ông Loren B.Thomson đưa ra là tàu sân bay Mỹ có tốc độ cao và linh hoạt. Các tàu sân bay lớp Nimitz chiếm ưu thế trong đội tàu hiện đại của Mỹ, giống như các tàu sân bay của lớp Ford, là các tàu lớn nhất trong lịch sử đóng tàu.

Tàu có cấu trúc 25 tầng, cao 250 feet, lượng giãn nước hơn 100.000 tấn. Với hàng trăm khoang kín nước và lớp vỏ thép cực dày, không có ngư lôi hoặc mìn thông thường nào có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho tàu sân bay Mỹ.

Ngoài ra, tàu sân bay lớp Nimitz còn có thể di chuyển với vận tốc lên tới 35 dặm/giờ khiến các tàu ngầm chạy chậm hơn rất khó phát hiện và theo dõi. Trong 30 phút sau khi bị đối phương phát hiện, phạm vi hoạt động của tàu sân bay được tăng lên 700 dặm vuông; sau 90 phút, mở rộng đến 6.000 dặm vuông.

Lý do thứ hai là tàu sân bay Mỹ được bảo vệ một cách hoàn hảo. Hiện nay các tàu sân bay Mỹ được trang bị những hệ thống phòng thủ chủ động và thụ động nhằm đẩy lùi các mối đe dọa có thể xảy ra như tên lửa hành trình tầm thấp và tàu ngầm của đối phương.

Tàu sân bay được trang bị hàng loạt cảm biến hiệu suất cao, tên lửa dẫn đường bằng radar và pháo Gatling 20mm với tốc độ bắn 50 viên/giây.

Tàu có thể mang theo 60 máy bay gồm các máy bay trang bị radar cảnh báo sớm, phát hiện nhanh các mối đe dọa từ khoảng cách xa. Ngoài ra, trên boong tàu còn có trực thăng săn ngầm làm nhiệm vụ tấn công các tàu ngầm, mục tiêu nổi… Tất cả cảm biến và vũ khí phòng thủ của tàu sân bay được kết hợp thông qua một trung tâm chỉ huy trên tàu, cho phép điều phối mọi hành động.

“Rào cản” thứ ba được Loren B.Thomson nêu ra là các tàu sân bay Mỹ có tuyến phòng thủ đáng gờm. Chúng không hoạt động độc lập, thường được triển khai theo đội hình “nhóm tấn công tàu sân bay”, gồm nhiều tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis.

Aegis là hệ thống phòng thủ tên lửa và không gian hiện đại nhất thế giới hiện nay, có khả năng đánh bại mọi mối đe dọa trên không, kể cả tên lửa đạn đạo. Aegis được dùng với các hệ thống phòng thủ khác trên tàu để đánh bại tàu ngầm, tàu nổi, hoặc các loại ngư lôi hay mìn nổi và vô hiệu hóa hệ thống cảm biến dùng dẫn đường cho tên lửa tấn công của đối phương.

Khi kết hợp với không đoàn trên tàu sân bay, đội tàu chiến hộ tống này có thể nhanh chóng loại bỏ các hệ thống dẫn đường tấn công của đối phương. Các cụm tàu sân bay Mỹ cũng thường được biên chế một hoặc nhiều tàu ngầm tấn công tàng hình để tiêu diệt các mối đe dọa dưới lòng biển và trên mặt nước.

Chiến thuật của hải quân giúp tối đa hóa khả năng sống còn của tàu sân bay là nguyên nhân thứ tư khiến tàu sân bay Mỹ không dễ bị đánh chìm. Mặc dù tàu sân bay của Mỹ được bảo vệ bởi lá chắn phòng thủ nhiều tầng, nhưng khi đến gần đối phương tiềm năng cũng có thể gặp rủi ro.

Do vậy, chiến thuật giúp tối đa hóa khả năng sống sót cho tàu sân bay được áp dụng để giảm rủi ro, đồng thời giúp tàu duy trì khả năng tung đòn tấn công theo kế hoạch.

Chẳng hạn, một tàu sân bay thường không thể hoạt động được ở những khu vực có nhiều mìn, trừ khi nó được dọn sạch hoàn toàn.

Điều này có nghĩa, tàu sân bay của Mỹ chỉ ưa những vùng đại dương mở chứ không thể hoạt động trong các vùng nước biển kín, nơi tàu chiến của đối phương có thể lẫn vào các tàu bè thông thường. Trên biển rộng, tàu sân bay sẽ liên tục di chuyển để khiến đối phương khó phát hiện và theo dõi.

Cuối cùng, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu phi lợi nhuận Lexington cho rằng, các công nghệ mới hiện đại cũng là một lý do giúp tàu sân bay Mỹ không bị tấn công. 

Để giảm mối đe dọa đối với tàu sân bay, Hải quân Mỹ đã đầu tư rất nhiều cho công nghệ phòng thủ và tấn công. Bước tiến quan trọng nhất trong những năm gần đây đối với hải quân Mỹ là tích hợp mọi công nghệ hiện đại để hệ thống cảm biến và vũ khí đạt hiệu quả sử dụng tối đa.

Một trong những dự án như vậy là Hệ thống kiểm soát toàn diện hỏa lực và phòng không (Naval Integrated Fire Control-Counter Air program) giúp kết nối tất cả hệ thống chiến đấu có sẵn trong một màn hình phòng thủ phản ứng nhanh mà kẻ thù khó có thể thâm nhập vào hệ thống.

Các tuyến phòng thủ giúp tàu sân bay Mỹ sống sót khiến không nhiều quốc gia có thể gây ra mối đe dọa thực sự đến các chiến hạm đắt giá nhất của Mỹ, trừ khi sử dụng vũ khí hạt nhân.

Với tầm hoạt động không giới hạn và sự linh hoạt nhờ chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu sân bay có thể giúp Mỹ bảo vệ lợi ích ở mọi nơi trên thế giới. Điều này vẫn đúng trong nhiều thập kỷ tới trong bối cảnh hải quân Mỹ hiện đang đầu tư mạnh tay vào các công nghệ quân sự mới, Loren B.Thomson nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới