Friday, January 3, 2025
Trang chủĐàm luậnChiến tranh pháp lý với cái gọi là “Tứ Sa”

Chiến tranh pháp lý với cái gọi là “Tứ Sa”

Suy cho cùng, chúng tôi thiết nghĩ đây vẫn là một thủ đoạn được Trung Quốc tính toán để hợp thức hoá yêu sách đường “lưỡi bò” phi lý.

Theo VOA, trong các buổi họp kín với các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở thành phố Boston hôm 28 và 29/8/2017, ông Mã Tân Dân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tiết lộ rằng:

Thông qua một số tuyên bố pháp lý, Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với “Tứ Sa” – gồm 4 khu vực mà Bắc Kinh gọi là “quần đảo Tây Sa” (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tên quốc tế là Paracel);

Quần đảo Trung Sa (thực tế là bãi cạn Macclesfield), “quần đảo Nam Sa” (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tên quốc tế là Sprathly) và quần đảo Đông Sa (bãi Pratas).

Ông Dân nói khu vực (biển liền kề) này là “lãnh hải mang tính lịch sử” của Trung Quốc và còn là một phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, xác định các khu vực liền kề một lãnh thổ thuộc cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc.

Mã Tân Dân khẳng định cái gọi là “Tứ Sa” là một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc.  

Các quan chức Mỹ tham dự cuộc họp rất ngạc nhiên trước mưu kế mới của Trung Quốc để đòi quyền kiểm soát Biển Đông. Họ cho rằng đây là điều chưa từng được thảo luận trước đó.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins nói rằng Washington không bình luận về các cuộc thảo luận ngoại giao. 

Ông Higgins chỉ nói Hoa Kỳ có chính sách toàn cầu từ xưa đến nay về việc không áp dụng các lập luận tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Biển Đông. 

Hoa Kỳ không thừa nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với các thực thể, cấu trúc địa lý vừa nêu. Ông nhấn mạnh vùng biển nơi qua lại của lượng hàng hóa trị giá ước lượng khoảng 3,37 nghìn tỷ đô la hàng năm, là biển quốc tế. 

Chiến tranh pháp lý “Tứ Sa”

Bình luận về tuyên bố của ông Mã Tân Dân, các học giả Hoa Kỳ cho rằng đây là một chiến thuật mới của Trung Quốc, “chiến thuật pháp lý Tứ Sa”.

Thủ đoạn này hình thành sau phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, bác bỏ tuyên bố “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với các vùng biển trong phạm vi đường 9 đoạn, tháng 7/2016. 

Thậm chí, có học giả Hoa Kỳ còn nhận định rằng đây là một cuộc “chiến tranh pháp lý” (lawfare).

Trung Quốc muốn sử dụng “chiến thuật pháp lý Tứ Sa” để thay thế cho cái gọi là “đường 9 đoạn” của họ đã bị hầu hết dư luận khu vực và quốc tế lên án và bị Tòa Trọng tài phủ nhận. 

Ông Michael Pillsbury, thành viên cao cấp của Viện Hudson, Giám đốc của Trung tâm Chiến lược Trung Quốc, cho biết ý đồ mới nhất của Bắc Kinh, chiến tranh pháp lý, là một trong ba công cụ trong chiến tranh thông tin của Trung Quốc. 

Hai công cụ kia là chiến tranh truyền thông và chiến tranh tâm lý. 

Ông Pillsbury lưu ý rằng, chính phủ Hoa Kỳ không có khả năng về chiến tranh pháp lý, ngay cả khả năng chống lại chiến tranh pháp lý cũng không có:

“Chính phủ Trung Quốc hình như được tổ chức tốt hơn để thiết kế và thực hiện các chiến thuật pháp lý khôn khéo để thách thức các quy tắc được quốc tế chấp nhận, mà không bị chế tài hay trừng phạt.”

Trong quyển sách có tựa đề Chiến Tranh Pháp lý: Luật là vũ khí chiến tranh, tác giả Orde F. Kittrie nói rằng, chiến tranh pháp lý trong bối cảnh lịch sử và ý thức hệ của Trung Quốc, bao gồm cả kế “không đánh mà thắng” của Tôn Tử.

Ông Mã Tân Dân, ảnh: enb.iisd.org.

Triết lý này được xem là “đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh” của người Trung Hoa.

Chúng tôi hết sức quan tâm đến những thông tin nói trên, đặc biệt là những nhận xét, đánh giá, bình luận của các học giả Hoa Kỳ có liên quan đến tuyên bố của ông Mã Tân Dân, một quan chức cấp cao của bộ Ngoại giao Trung Quốc. 

Trước hết, chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự quan tâm của giới học giả Mỹ trước tuyên bố của một quan chức Ngoại giao Trung Quốc về Biển Đông. 

Những nhận xét, đánh giá của họ có thể nói đã cung cấp cho bạn đọc hiểu được phần nào về  chiến thuật mà Trung Quốc đã vận dụng trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông.

Trên mặt trận truyền thông, bao gồm chiến tranh pháp lý, những phân tích trên cho thấy thực ra nó là một trong ba chiến thuật trong chính sách “3 loại chiến tranh” của Trung Quốc.

Đó là chiến tranh tâm lý, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý.

Để góp phần làm sáng tỏ hơn về những nhận xét, đánh giá của các học giả Mỹ, chúng tôi xin được bổ sung thông tin và phân tích các nội dung chủ yếu có liên quan đến tuyên bố nói trên của một quan chức ngoại giao có thẩm quyền của Trung Quốc:

Về lập trường “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với cái gọi là “Tứ Sa”

Theo nghiên cứu của chúng tôi, đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố họ có chủ quyền đối với “Tứ Sa”. 

Họ lập luận rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” đối với 4 cấu trúc / cụm cấu trúc địa lý giữa Biển Đông, bao gồm:

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, phương Tây gọi là quần đảo Paracel, quần đảo Trường Sa của Việt Nam, phương Tây gọi là quần đảo Spraley; bãi Macclesfield Trung Quốc gọi là Trung Sa quần đảo; khu vực bãi Pratas mà Trung Quốc gọi là Đông Sa quần đảo. 

So với cái gọi là “Tam Sa” mà vào năm 2012 Trung Quốc đã lập một đơn vị hành chính mới gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và bãi Macclesfield, thì cái gọi là “Tứ Sa” thêm bãi Pratas.

Bàn về nguyên tắc pháp lý của Công pháp quốc tế có liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ đối với các vùng lãnh thổ đang có sự tranh chấp chủ quyền, chúng tôi đã có những công trình nghiên cứu, sách, báo được xuất bản, đăng trên các phương tiện thông tin trong và ngoài nước. 

Bạn đọc có thể tham khảo trên các trang báo điện tử, đặc biệt là Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, mục Biển Đông / Quốc tế.

Ở đây, chúng tôi xin nhấn mạnh rằng “chủ quyền lịch sử” không được coi là một nguyên tắc có hiệu lực pháp lý trong việc xác định chủ quyền của một quốc gia đối với một vùng lãnh thổ có tranh chấp. 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp lý, nhiều học giả quốc tế, nếu dựa vào lịch sử để chứng minh chủ quyền thì thể giới sẽ trở nên hỗn loạn. 

Nhiều quốc gia sẽ không còn tồn tại như hiện nay bởi cái lý “chủ quyền lịch sử” mơ hồ đó, kể cả Hoa Kỳ và Trung Quốc bây giờ. 

Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Nhưng họ đã sử dụng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa từ trước năm 1974 và một nhóm thực thể phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa năm 1988, khi 2 quần đảo này đã có chủ. 

Đó là Nhà nước Việt Nam, Nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo này, từ khi chúng còn là đất vô chủ (res-nullius), chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. 

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, rõ ràng, liên tục, hòa bình. 

Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử (có giá trị pháp lý) để chứng minh chủ quyền của mình đối với 2 quần đảo này, phù hợp với nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” theo luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện hành.

Về 2 khu vực được Trung Quốc gọi là “Trung Sa quần đảo” và “ Đông Sa quần đảo” 

Cho đến nay, không mấy ai bàn thảo về quyền thụ đắc lãnh thổ đối với 2 khu vực này.

Vì đây là khu vực không có tranh chấp quyền thụ đắc lãnh thổ và là khu vực hoàn toàn không thích hợp cho con người đến định cư, sinh sống thường xuyên, ổn định. 

Nhưng liệu có chuyện người Trung Quốc từ thời cổ đại đã có thể đến đây sinh sống, khai phá, thực thi chủ quyền ở nơi toàn là bãi cạn, bãi ngầm, ám tiêu san hô… này từ thời cổ xưa như tuyên bố của Bắc Kinh không?  

Chúng tôi xin được trích dẫn một số thông tin có liên quan đến 2 khu vực này như sau: 

Theo Wikipedia tiếng Việt và một số tài liệu, hải đồ được các nước phương Tây xuất bản, thì khu vực bãi ngầm Macclesfield là một rạn san hô vòng (rạn vòng) lớn nằm trên cực đông của sườn lục địa phía tây Biển Đông.

Nó có chiều dài tính từ tây-nam lên đông-bắc là 75 hải lý (139 km) và chiều rộng tối đa là 33 hải lý (61 km). 

Phía tây của bãi ngầm là máng biển sâu 2.500 m; phía đông của bãi ngầm dốc hơn 50° xuống đồng bằng đáy biển sâu 4.000 m. 

Vành ám tiêu của Macclesfield rộng trung bình khoảng 4,8 km, trên đó là hàng loạt các bãi cạn có độ sâu dưới 20 m. 

Nơi nông nhất của vành này là tại điểm mút đông bắc của bãi cạn Pigmy với độ sâu 11,9 m. 

Trong khi đó, nơi nông nhất của bãi ngầm là bãi cạn Walker sâu 9,2 m nằm bên trong vụng biển của bãi ngầm. 

Trong các bản đồ chính thức, Trung Quốc chú thích “quần đảo Trung Sa” là bãi Macclesfield. 

Tuy nhiên, Trung Quốc quan niệm rằng “quần đảo Trung Sa” còn bao gồm nhiều bãi cạn và bãi ngầm khác, như bãi cạn Scarborough, bãi cạn St. Esprit, bãi ngầm Dreyer, bãi cạn Helen, núi ngầm Stewart, bãi cạn Truro…

Còn khu vực bãi cạn Pratas nằm ở bắc Biển Đông, cách Đài Bắc 850 km về hướng tây nam, cách cảng Cao Hùng 444 km, cách Hồng Kông 340 km về hướng đông nam, cách đảo Ba Bình ở quần đảo Trường Sa 1.185 km. 

Trung Quốc gọi nó là “quần đảo”, nhưng thực ra là ba ám tiêu san hô vòng.

Trên ám tiêu vòng có một mõm san hô, được cải tạo thành “đảo”, trên đó có xây dựng một sân bay với đường băng dài 1.500 mét. Các bãi ngầm khác hoàn toàn chìm ngập dưới nước, không có đảo nổi lên. 

Pratas vốn không có người và hiện nay vẫn không có dân thường định cư.

Trong Chiến tranh Thái Bình Dương, Hải quân Nhật Bản chiếm đóng Pratas. Sau khi chiến tranh kết thúc, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc thu hồi lại. 

Hiện nay, Pratas do lực lượng Tuần duyên Đài Loan quản lý sau khi nhận bàn giao cơ sở hạ tầng cảng và đường băng từ quân đội vào năm 2002.

Với thực trạng về điều kiện địa lý, cấu tạo địa chất, địa mạo nói trên mà vẫn có người đến được để “sinh cơ lập nghiệp” một cách ổn định, thường xuyên từ lâu đời, thiết nghĩ họ phải là con cháu của Thủy Tề, Hà Bá?

Trung Quốc có từ bỏ hay thay đổi yêu sách đường 9 đoạn không?

Các học giả Mỹ cho rằng, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật, từ chỗ luôn tìm mọi cách hợp thức hóa yêu sách đường 9 đoạn trên Biển Đông đến chỗ, sau Phán quyết Trọng tài 12/7/2016, dường như họ không nhắc tới yêu sách “lưỡi bò” nữa. 

Thay vào đó, họ đã sử dụng đến việc mở rộng các “vùng biển liền kề” tính từ các thực thể địa lý ở “Tứ Sa”, cho dù chúng có là đảo hay không. 

Tại sao có lại có sự thay đổi chiến thuật này? Câu trả lời là: 

Thứ nhất, chúng tôi cho rằng, người Trung Quốc đã quá biết yêu sách đường “lưỡi bò” bị hầu hết các quốc gia và dư luận trong khu vực, thế giới phê phán, bác bỏ vì tính chất phi lý, phản khoa học, bất chấp các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. 

Nếu tiếp tục công khai khẳng định yêu sách này trên các diễn đàn quốc tế thì sẽ tiếp tục bị lên án, phản bác, gây bất lợi cho họ. 

Thứ 2, vấn đề tranh chấp chủ quyền đối các hải đảo trên Biển Đông là vấn đề phức tạp về pháp lý và thực tế quản lý do lịch sử để lại. 

Nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, vì tính toán đến lợi ích của họ trong quan hệ với Trung Quốc, đều muốn đứng trung lập.

Họ không muốn tỏ rõ lập trường của mình về chủ quyền đối với các thực thể địa lý đang có những tranh chấp giữa các quốc gia ở chung quanh Biển Đông.

Trung Quốc biết khai thác tình thế này để né tránh sự chỉ trích của dư luận bằng cách sử dụng lãnh thổ “Tứ Sa”mà Bắc Kinh tuyên bố có “chủ quyền lịch sử” để làm cơ sở mở rộng các vùng biển “liền kề”.

Muốn làm việc này, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Suy cho cùng, chúng tôi thiết nghĩ đây vẫn là một thủ đoạn được Trung Quốc tính toán để hợp thức hoá yêu sách đường “lưỡi bò” phi lý. 

Song song với thủ đoạn pháp lý được các học giả Mỹ gọi đúng tên là “chiến tranh pháp lý”, Trung Quốc còn áp dụng thủ đoạn đe dọa, gây sức ép hay mua chuộc các nước liên quan trong và ngoài khu vực.

Bằng các thủ đoạn này, Bắc Kinh đang tìm cách giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách đường “lưỡi bò” liếm sâu váo các vùng biển và thềm lục địa hợp pháp của các nước xung quanh Biển Đông. 

Như vậy, có thể thấy rằng, Trung Quốc vẫn chưa chịu từ bỏ yêu sách đường “lưỡi bò”.

Thủ đoan “Tứ Sa” chỉ là biến tướng của kế sách “dương Đông kích Tây”, một “món võ cổ truyền” của người Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng đối phương mỗi khi gắp phải trở ngại.

Liệu chúng ta có giành được thắng lợi trong cuộc “chiến tranh pháp lý” mà Trung Quốc phát động không?

Như đã trình bày ở trên, ông Michael Pillsbury từViện Hudson sau khi cảnh báo về ý đồ mới nhất của Trung Quốc trong cuộc “chiến tranh pháp lý” đã lưu ý rằng:

Chính phủ Hoa Kỳ không có khả năng về chiến tranh pháp lý. Ngay cả khả năng chống lại chiến tranh pháp lý Mỹ cũng không có.

Trong khi đó, Trung Quốc hình như được tổ chức tốt hơn trong thiết kế và thực hiện các chiến thuật pháp lý khôn khéo để thách thức các quy tắc được quốc tế chấp nhận, mà không bị chế tài hay trừng phạt.

Phải chăng đây là một nhận xét bi quan nhưng khá sát với thực trạng hiện nay, hay chỉ là một cảnh báo sâu xa của các học giả Mỹ đối với giới cầm quyền của mình trước một “cuộc chiến pháp lý” do Trung Quốc phát động?

Theo quy luật chiến tranh, dù là loại chiến tranh gì đi chăng nữa, thì kết cục cũng sẽ phải phân thắng bại.

Tất nhiên, kẻ chiến thắng trong cuộc chiến không thể là kẻ phi nghĩa, đi ngược lại lợi ích của nhân loại, bất chấp mọi thủ đoạn chà đạp lên chân lý và đạo lý.  

Với tư cách là những chuyên gia pháp lý, tự nhận mình là những chiến binh tuyến đầu của cuộc chiến pháp lý này, chúng tôi cho rằng cuộc “chiến tranh pháp lý” do Trung Quốc phát động là phi nghĩa; 

Bởi vì họ đã cố tình giải thích sai các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 nhằm xâm chiếm lãnh thổ và vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác bằng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. 

Phương tiện chiến tranh mà họ sử dụng trong cuộc chiến pháp lý này là “luật rừng” nằm trong tay kẻ mạnh dùng để áp đặt cho kẻ yếu, là thứ “vũ khí” đã bị cộng đồng quốc tế lên án, ngăn cấm… 

Vì vậy, chúng tôi tin rằng, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc “chiến tranh pháp lý” phi nghĩa này họ sẽ phải trở thành kẻ chiến bại. 

Và trận chiến mở màn cho thắng lợi của chân lý và lẽ phải phải kể đến Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2017. Trung Quốc đã bị thất bại trong trận mở màn này. Từ đó, bài học  được rút ra là : 

Thứ nhất, phải biết sử dụng đúng và có hiệu quả các quy định pháp luật hiện hành, tức là biết phát huy sức mạnh của loại “vũ khí” này trong cuộc “chiến tranh pháp lý” đang và sẽ diễn ra. 

Thứ hai, phải biết tập họp và sử dụng được các chuyên gia pháp lý, các luật sư, luật gia…Họ là nhưng “chiến binh tuyến đầu” trực tiếp cầm “vũ khí” pháp lý để “xông” vào cuộc chiến không kém phần cam go này. 

Nếu không động viên, tập họp được lực lượng này thì chúng ta khó có thể giành được thắng lợi, khó có thể trở thành bên thắng cuộc…

Thứ ba, cần phải xây dựng được “hậu phương” vững mạnh . Đó là sức mạnh đoàn kết, thông nhất ý chí của cả cộng đồng trong nước, cũng như ngoài nước.

Vì vậy, cần phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền giáo dục… để tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng…

RELATED ARTICLES

Tin mới