Trong một chỉ trích nhằm vào các hành động mạnh tay của Trung Quốc hiện nay, Triều Tiên nhắc nhở rằng Bắc Kinh đừng quên Bình Nhưỡng đã ủng hộ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1964.
Vụ thử nghiệm bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc vào ngày 16-10-1964 ở khu tự trị Tân Cương. Ảnh: SCMP
Trong khi cuộc khẩu chiến đầy những lời lẽ hăm dọa giữa Triều Tiên và Mỹ gây sự chú ý đáng kể trong thời gian gần đây, Bình Nhưỡng cũng khuấy động tình hình với những phát ngôn chỉ trích Trung Quốc “chua cay” không hơn không kém.
Theo tờ Nikkei Asian Review ngày 2-10, mục tiêu mà Triều Tiên nhắm tới chính là Nhân dân Nhật Báo và Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc.
Trong một bài xã luận được đăng tải từ hôm 22-9 với tựa đề “Hành động lỗ mãng của truyền thông không biết hổ thẹn”, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, đã thẳng thừng cáo buộc truyền thông Trung Quốc hùa theo Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Bình Nhưỡng mà quên đi sứ mệnh của truyền thông, gây chia rẽ Trung Quốc-Triều Tiên và dân tộc hai bên.
“Điều đó khiến chúng tôi đắn đo suy nghĩ liệu họ có đáng được quyền bước vào đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc hay không khi mà họ tung ra những lời lẽ hèn hạ miêu tả người dân hai nước” – bài xã luận của Rodong Sinmun có đoạn.
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 như Rodong Sinmun đề cập sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 18-10 tới.
Nikkei bình luận những lời lẽ chỉ trích của Triều Tiên nhằm vào Trung Quốc trước thềm sự kiện này cho thấy mối quan hệ đồng minh gắn kết một thời hiện đã xấu đi nghiêm trọng.
Bài xã luận được đăng tải trong thời điểm chính phủ Trung Quốc có những động thái mạnh tay để gây áp lực láng giềng của mình, trong đó có công bố giảm xuất các sản phẩm dầu sang Triều Tiên.
Trong một vài lời lẽ cho thấy không hài lòng với những chỉ trích của Trung Quốc nhằm vào chương trình hạt nhân Triều Tiên, Rodong Sinmun đã lật lại những trang sử từ cách đây gần nửa thế kỷ.
Tờ báo Triều Tiên nhắc nhở khi Trung Quốc tiến hành vụ thử bom nguyên tử đầu tiên vào năm 1964, không chỉ Mỹ và Liên Xô đưa ra các tuyên bố lên án vụ thử mà các thành viên khác của cộng đồng quốc tế cũng không ngừng chỉ trích.
“Chỉ có CHDCND Triều Tiên, người láng giềng tốt, đã tích cực ủng hộ và khích lệ Trung Quốc thông qua các tuyên bố của chính phủ” – bài xã luận nhắc lại.
Thông qua bài viết, có thể thấy Triều Tiên dường như vô cùng giận dữ với Trung Quốc vì đã bắt tay với Mỹ áp đặt các trừng phạt mới lên Bình Nhưỡng thay vì cho thấy sự ủng hộ như Triều Tiên từng dành cho Trung Quốc vào năm 1964.
Sau vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1964, Trung Quốc tiếp tục thử thành công một quả bom H vào năm 1967. Đến năm 1970, Bắc Kinh đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo và đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Những sự kiện này đã giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc hạt nhân. Và xuyên suốt chiều dài lịch sử lúc bấy giờ, Triều Tiên vẫn kiên cố ủng hộ Trung Quốc về mặt ngoại giao.
Sau đó 10 năm, vào năm 1980, Trung Quốc lại thử một quả bom nhiệt hạch khác ở khu tự trị Tân Cương. Đây là vụ thử hạt nhân trong không khí cuối cùng của thế giới.
Tuy nhiên, trong trường hợp Triều Tiên, Trung Quốc gần đây dường như muốn mạnh tay hơn dưới các áp lực của Mỹ. Sau vụ thử hạt nhân lần 6 và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Trung Quốc đã ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua hai nghị quyết trừng phạt gần nhất.
Mới đây, Bắc Kinh còn yêu cầu các công ty hoặc công ty liên doanh của Bình Nhưỡng tại Trung Quốc phải đóng cửa trong vòng 120 ngày.
Trước đó, Trung Quốc đã thông báo sẽ giới hạn nguồn cung các sản phẩm từ lọc dầu cho Triều Tiên từ ngày 1-10, đồng thời sẽ cấm nhập khẩu hàng dệt may từ Triều Tiên, một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng.
Các động thái mạnh tay của Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế Triều Tiên bởi hiện 80% kim ngạch thương mại quốc tế của Triều Tiên được thực hiện với Trung Quốc.
Do đó, những chỉ trích và sự nhắc nhở đầy thâm sâu mà Triều Tiên muốn truyền tải tới Trung Quốc không phải không có căn cứ. Và liệu rằng Bắc Kinh có tiếp tục “lạnh nhạt” với Bình Nhưỡng, khiến quan hệ hai bên sang một ngã rẽ mới hay không vẫn chưa nói trước được.