Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc – ông Ja Song Nam hôm qua (3/10) đã cáo buộc Mỹ áp đặt “phong tỏa kinh tế” lên đất nước ông và triển khai các vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nhằm lật đổ Chủ tịch Kim Jong Un.
Ông Ja Song Nam cho hay Mỹ đã thúc đẩy, gây sức ép để buộc các nước thực hiện cái mà ông này miêu tả là những biện pháp trừng phạt “bất hợp pháp và phi lý” của Liên Hợp Quốc nhằm vào Triều Tiên. Đây là một phần trong “nỗ lực điên cuồng của Mỹ nhằm phong tỏa hoàn toàn nền kinh tế hòa bình vì cuộc sống hàng ngày của dân thường và vì hợp tác nhân đạo của chúng tôi”.
“Mỹ đang bám chặt lấy những lời đe dọa hạt nhân chưa từng có, những biện pháp trừng phạt, phong tỏa về kinh tế để phủ nhận quyền tồn tại và phát triển của chúng tôi. Tuy nhiên, những hành động của họ chỉ khiến chúng tôi mài sắc tinh thần cảnh giác hơn và có thêm dũng khí, lòng dũng cảm”, Đại sứ Ja Song Nam đã phát biểu như vậy tại Ủy ban chuyên về các vấn đề kinh tế và tài chính của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt nhất từ trước đến nay nhằm vào Triều Tiên để đáp trả những vụ phóng tên lửa liên tiếp và vụ thử hạt nhân thứ sáu gần đây của chính quyền Chủ tịch Kim Jong Un. Mục đích của Liên Hợp Quốc được cho là muốn gây áp lực nhằm buộc chính phủ của ông Kim phải quay trở lại bàn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất của Liên Hợp Quốc gồm lệnh cấm nhập khẩu than, quặng sắt và hàng dệt may từ Triều Tiên; hạn chế xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu cho Triều Tiên. Tuy nhiên, biện pháp gây áp lực về kinh tế không để lại ảnh hưởng có thể nhìn thấy đối với chính phủ của Chủ tịch Kim bởi người ta vẫn chứng kiến Bình Nhưỡng thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đạt được mục tiêu mà họ tuyên bố, đó là đưa toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ nằm trọn trong tầm bắn của vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Cách đây một tuần, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho nói với các phóng viên rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump “đã tuyên chiến với đất nước chúng ta” khi lên Twitter viết rằng giới lãnh đạo Triều Tiên “sẽ không còn xuất hiện thêm được lâu nữa”. Vài giờ sau, Nhà Trắng rút lại lời, khẳng định: “Chúng tôi không tuyên chiến với Triều Tiên”.
Chính quyền Chủ tịch Trump nhấn mạnh Mỹ không tìm cách lật đổ chính quyền ở Bình Nhưỡng. Giới chức trong nội các Mỹ, cụ thể là Ngoại trưởng Rex Tillerson, khẳng định chiến dịch gây áp lực về kinh tế và ngoại giao mà Mỹ đang dẫn đầu nhằm vào Triều Tiên tập trung vào việc xóa bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chứ không phải là chính phủ Triều Tiên.
Đại sứ Triều Tiên tuyên bố trước Ủy ban chuyên về các vấn đề kinh tế và tài chính của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng, “người dân của chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi con đường phát triển song song cả nền kinh tế và lực lượng hạt nhân quốc gia”.
Theo ông Ja, Bình Nhưỡng cam kết sẽ thực hiện các mục tiêu của Liên Hợp Quốc trong việc chấm dứt đói nghèo và bảo vệ môi trường đến năm 2030 đồng thời nhấn mạnh tuyên bố của Tổng thống Trump về ý định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris 2015 “cho thấy lập trường tiêu cực của Mỹ đối với các mục tiêu phát triển bền vững”.
Để đạt được những mục tiêu đó, Đại sứ Ja cho hay, “chúng tôi nên ngay lập tức xóa bỏ hoàn toàn các biện pháp hống hách của Mỹ, trong đó có những biện pháp trừng phạt nhằm vào các nước đang phát triển”.