Saturday, December 28, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ tiến gần Guam, bảo Mỹ "tập làm quen"

TQ tiến gần Guam, bảo Mỹ “tập làm quen”

Trong gần 1 tháng hoạt động gần căn cứ quân sự lớn nhất của Washington tại vùng biển châu Á – Thái Bình Dương, tàu nghiên cứu của Trung Quốc thường xuyên bị máy bay do thám Mỹ theo dõi.

Tàu tuần dương Kexue. Ảnh: Xinhua

Tàu tuần dương Kexue, tàu nghiên cứu hiện đại nhất của Trung Quốc, thường xuyên hoạt động “dưới mũi” máy bay do thám P3-Orion của Hải quân Mỹ trong lúc khảo sát ngọn núi ngầm (núi dưới biển) Caroline ở phía Đông Nam căn cứ Guam, trong quãng thời gian từ ngày 5-8 đến 5-9, theo thông tin độc quyền của báo China South Morning Post (SCMP).

Ông Xu Kuidong, nhà khoa học dẫn đầu sứ mệnh khảo sát nêu trên, nói rằng ông và các đồng nghiệp trên tàu Kexue “hiểu rõ” được mức độ nhạy cảm tại khu vực hoạt động.

“Tất cả là do Chuỗi đảo thứ hai” – ông Xu khẳng định, ám chỉ các quần đảo trải dài từ bờ Đông của Nhật Bản đến quần đảo Bonin (Nhật Bản), quần đảo Mariana, Guam và quốc đảo Palau.

Các hòn đảo do Mỹ kiểm soát trước đây được sử dụng như một hệ thống phòng vệ chiến lược trong suốt thời chiến tranh lạnh. Ngày nay, chúng bị xem là một trở ngại lớn đối với tham vọng gia tăng sức mạnh hàng hải và mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.

Theo ông Xu, sứ mệnh khảo sát núi ngầm Caroline nằm trong sứ mệnh lớn hơn liên quan đến Chuỗi đảo thứ hai nêu trên.

Nói về sứ mệnh núi ngầm Caroline, ông Xu khẳng định đã phát hiện nhiều “khám phá thú vị”. Cũng theo ông Xu, những khám phá này sẽ được chia sẻ với quân đội Trung Quốc và những nhóm chính phủ liên quan khác.

Núi ngầm Caroline nằm giữa căn cứ quân sự Guam và Liên bang Micronesia, quốc đảo nằm đối diện Chuỗi đảo thứ hai.

Ông Tom Matelski, đến từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Hawaii), khẳng định Trung Quốc đang tìm cách xây dựng một căn cứ quân sự ở Micronesia. Quốc đảo với dân số khoảng 110.000 người này đã nhận một khoản viện trợ và đầu tư lớn từ Trung Quốc từ năm 2003.

Do không đủ năng lực quốc phòng, Micronesia nhận sự trợ giúp của Mỹ kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Micronesia vào năm 2015 đề xuất một nghị quyết với nội dung chấm dứt quan hệ đối tác độc quyền với Mỹ vào năm 2018.

Nếu quân đội Trung Quốc đặt chân được vào quốc đảo này, “Mỹ có nguy cơ mất đi lợi ích chiến lược” – ông Matelski khẳng định vào tháng 2-2016. 

Ông Xu khẳng định những mối lo của Mỹ là “có thể dự đoán được” nhưng chúng sẽ không ảnh hưởng đến việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động tại khu vực này.

“Họ (Mỹ) nên làm quen với sự hiện diện của Trung Quốc. Vùng lãnh hải này thuộc về thế giới chứ không phải của Mỹ” – ông Xu tuyên bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới