Sunday, January 5, 2025
Trang chủBiển nóngViệt – Trung đàm phán liên quan ‘vùng chồng lấn’ ngoài cửa...

Việt – Trung đàm phán liên quan ‘vùng chồng lấn’ ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

Việt Nam và Trung Quốc vừa kết thúc vòng đàm phán thứ 8 về các vấn đề liên quan đến vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, kết quả vòng đàm phán không được thông báo chi tiết trên truyền thông.

Giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò ở Biển Đông năm 2014, gây căng thẳng quan hệ Việt-Trung. Giàn khoan này được Trung Quốc đưa đến hoạt động ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ vào tháng 6/2017.

Theo tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, việc không tiết lộ thông tin chi tiết về cuộc đàm phán là do có nhiều vấn đề “phức tạp” giữa hai bên.

“Đây là cuộc đàm phán theo cơ chế mà hai bên đã thỏa thuận thiết lập cơ chế đàm phán hàng năm. Chắc chắn lần này kết quả đàm phán thế nào thì người ta cũng chỉ nói chung chung thôi, bởi vì có nhiều vấn đề liên quan đến quan điểm các bên, đường biên giới được hoạch định trong vùng chống lấn ở cửa Vịnh Bắc Bộ”.

Trang tin chính thức của Chính phủ Việt Nam ngày 29/9 cho biết vòng đàm phán 8 của Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ Việt Nam – Trung Quốc diễn ra từ ngày 25/9 – 27/9. Dẫn đầu nhóm Việt Nam là Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia Nguyễn Anh Dũng. Nhóm Trung Quốc do ông Chu Kiện, Đại diện Các vấn đề về Biên giới và Biển, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đứng đầu.

Phía Việt Nam nói cuộc đàm phán đã diễn ra trong không khí “hữu nghị, chân thành và xây dựng”. Hai bên đã “đi sâu trao đổi ý kiến về các công việc liên quan đến vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, trong đó có ‘Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển’” và “việc kiểm soát thỏa đáng các bất đồng trên biển”.

Tuy nhiên, kết quả chi tiết của vòng đàm phán 8 hoàn toàn không được đề cập đến trên tất cả các trang tin chính thức. Theo TS. Trần Công Trục, điều này cho thấy có nhiều khả năng vòng đàm phán thứ 8 chưa đưa đến một kết quả rõ ràng nào, mà chỉ là việc hai bên “trao đổi quan điểm”.

Vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ trên thực tế, theo TS. Trần Công Trục, còn nhiều vấn đề “phức tạp”.

“Vấn đề là phải căn cứ hoàn toàn vào Công ước. Chứ còn nếu người ta không căn cứ vào đó mà căn cứ vào những lập trường, vị trí không đúng thì rõ ràng rất khó để đi đến thống nhất”.

Nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ tin rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 chính là “cơ sở” mà Việt Nam có thể dựa vào để đàm phán đi đến một thỏa thuận công bằng với Trung Quốc.

“Hai bên đều nói là ‘vùng chồng lấn’, nhưng vấn đề là quan điểm về vùng chồng lấn hiện nay là như thế nào thì mới xác định được phạm vi, hoạch định vùng chồng lấn. Vấn đề đó là dựa trên cơ sở nào để xác định vùng chồng lấn. Khi xác định được vùng chồng lấn rồi thì hai bên tiến hành đàm phán để làm sao có được thỏa thuận đi đến một giải pháp công bằng”.

Năm ngoái, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Cục Điều tra địa chất Trung Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát chung nhằm phục vụ công tác phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nhưng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực này trở nên căng thẳng hơn sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 từng gây sóng gió trong quan hệ Việt-Trung đến hoạt động ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ hồi tháng 6. Điều này, theo TS. Trần Công Trục, không những vi phạm thỏa thuận giữa hai bên, mà còn vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông giải thích: “Vùng chồng lấn tức là vùng nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý của mỗi bên, tính từ đường cơ sở của các bên công bố. Vùng đó được hình thành thì trong khi đàm phán, các bên không được tiến hành bất kỳ hoạt động nào trong vùng chồng lấn nếu không có sự thỏa thuận của hai bên”.

Tin cho hay Nhóm công tác của hai nước đã ký Biên bản đàm phán khi kết thúc vòng đàm phán 8 và đồng ý sớm tổ chức đàm phán vòng 9 về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ.

RELATED ARTICLES

Tin mới