Theo hãng tin Sputnik, Ấn Độ đang hoàn tất quá trình hậu cần để đưa các phi cơ chiến đấu Rafale tới hai căn cứ không quân khác nhau, cho phép họ có thể xuất kích tới Trung Quốc và Pakistan chỉ trong vòng 180 giây.
Máy bay tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất.
Lo sợ mối đe dọa từ các quốc gia Trung Quốc và Pakistan, Không quân Ấn Độ đang chuẩn bị các bước cuối cùng để các phi cơ Rafale có thể được đưa vào sử dụng tại hai căn cứ không quân của họ vào năm 2019.
Hai căn cứ này đều được bố trí tương đối gần lãnh thổ Trung Quốc và Pakistan.
Một số nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, phi đội tiêm kích Rafale thứ nhất sẽ được đặt tại căn cứ Ambala, thuộc bang Punjab ở phía Tây Ấn Độ, trong khi phi đội thứ hai sẽ đến căn cứ Hasimara, thuộc bang Tây Bengal ở phía Đông Ấn Độ.
Căn cứ Hasimara chỉ cách Yadong (Trung Quốc) 100km và máy bay của Ấn Độ có thể tiếp cận Nam Tây Tạng từ không phận Bhutan chỉ trong vòng 4 phút.
Mỗi phi đội Rafale dự kiến sẽ có 18 chiếc. Máy bay Rafale được cung cấp cho Ấn Độ theo thỏa thuận giữa chính phủ nước này và hãng sản xuất Dassault Aviation của Pháp được ký kết vào năm ngoái, có giá trị 7,8 tỉ euro.
Các nguồn tin cho biết: “Đại diện của hãng sản xuất và một số quan chức Ấn Độ đã có mặt tại hai căn cứ không quân trên và đang theo dõi quá trình hoàn thiện khoang chứa máy bay. Toàn bộ các trang thiết bị nhằm bảo dưỡng Rafale sẽ được cung cấp vào cuối năm nay”. Hãng Dassault cũng sẽ tiến hành huấn luyện cho các phi công và kỹ sư Ấn Độ trong thời gian tới.
Chính phủ Ấn Độ đã đầu tư xấp xỉ 35 triệu USD cho việc xây dựng khoang chứa máy bay, cơ sở bảo dưỡng cùng các thiết bị khác cho Rafale.
Trước đây, Ấn Độ đã hủy bỏ một thỏa thuận khác với hãng Dassault nhằm cung cấp 126 phi cơ chiến đấu Rafale được lắp ráp tại Ấn Độ. Sau đó, Ấn Độ đưa ra một hợp đồng mới, theo đó 36 máy bay đã được hoàn thiện sẽ được bàn giao cho nước này và đổi lại hãng sản xuất sẽ phải hỗ trợ kỹ thuật cho phi cơ chiến đấu trong vòng 50 năm tới.
Cũng theo hợp đồng mới, hãng Dassault sẽ phải có những thay đổi đối với thiết kế của Rafale theo yêu cầu của Ấn Độ và lắp đặt tên lửa tầm xa không đối không Meteor, tên lửa tầm trung MICA và tên lửa định hướng không đối đất SCALP.
Không quân Ấn Độ đang rất cần thêm máy bay chiến đấu mới trong bối cảnh các phi cơ họ có như MiG-21 và MiG-27 đều đã lỗi thời và khiến lực lượng này gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai. Hiện tại, Ấn Độ chỉ có tổng cộng 33 phi đội (mỗi đội gồm từ 18 đến 20 phi cơ), trong đó hai phần ba số máy bay này đều có xuất xứ từ Nga.