Trong bối cảnh sức mạnh chênh lệch khá rõ ràng ở Châu Á, các quốc gia trong tranh chấp Biển Đông có thể làm gì để đối phó với chiến lược “vùng xám” của “người khổng lồ” Trung Quốc? Hai minh chứng Indonesia và Việt Nam cho thấy dường như chính phủ Trung Quốc đã đánh giá hơi thấp các đối thủ của mình trong tranh chấp Biển Đông, khi cho rằng chiến lược “vùng xám” có thể dễ dàng áp chế và chiến thắng các bên tranh chấp vốn nhỏ và yếu hơn. Sau đây xin giới thiệu bài viết “Con đường nào để đáp trả chiến lược Vùng xám của Trung Quốc trên Biển Đông?” của Koh Swee Lean Collin, Nghiên cứu viên Chương trình An ninh Biển, Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore:
Trung Quốc và những động thái của Ấn Độ nhằm làm giảm căng thẳng cho tình hình bế tắc ở Doklam đã gợi ra nhiều bình luận về cách thức để có thể đáp trả chiến lược áp chế của Bắc Kinh. Một số ý kiến cho rằng rốt cục thì, Ấn Độ có thể được coi là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Trung Quốc xét về quyền lực tương đối, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Cả hai nước đều là những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu buộc phải tham gia vào chiến sự biên giới mới, có lẽ hai nước sẽ phải lưu tâm đối với hành động vũ trang leo thang có thể đẩy các bên vượt quá ngưỡng chiến tranh trực diện và tệ hơn, là vượt quá đến độ không thể quay trở lại và dẫn đến xung đột hạt nhân.
Những bài học của Ấn Độ trong việc đối phó với hành động áp chế của Trung Quốc thực sự rất đáng chú ý. Nhưng còn những đối thủ khác của Bắc Kinh trong bối cảnh sức mạnh chênh lệch rõ ràng? Những đối thủ đến từ Đông Nam Á của Trung Quốc trên Biển Đông lập tức được nhắc đến. Khu vực này bao gồm những quốc gia nhà nước nhỏ, yếu hơn, không có những công cụ thể hiện sức mạnh như Ấn Độ hay những hình thức cân bằng chiến lược khác. Có thể dễ đi tới kết luận rằng những quốc gia Đông Nam Á là miếng mồi béo bở để Bắc Kinh triển khai thành công chiến lược áp chế của mình.
Những đối thủ Đông Nam Á là miếng mồi béo bở đối với Trung Quốc?
Trên thực tế, không lâu sau khi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đưa ra tuyên bố chung về Biển Đông, chẳng khác chi cái tát hờ đối với Bắc Kinh. Ngoài ra, cả hai bên đã chính thức thông qua Khung Bộ quy tắc Ứng xử về quản lý tranh chấp sau những đồn đoán xoay quanh việc một số tàu Trung Quốc xuất hiện gần đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng. Một tàu tuần tra Philippines nghe nói đã bị quấy rối.
Điều này cho thấy phản ứng của Manila khác với thái độ nhanh chóng và quyết đoán của New Delhi trước mưu đồ thay đổi hiện trạng của Trung Quốc tại Doklam. Nhất quán với quan điểm của chính quyền “thân Bắc Kinh” của chính quyền Duterte, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano không xác nhận nhưng cũng không phủ nhận thông tin này. Thay vào đó, ngài Ngoại trưởng đã giảm bớt mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Thay vào đó, ông chỉ nói rằng: “Chỉ sự hiện diện của các tàu này thì không có ý nghĩa gì”.
Vẫn có thể hiểu được với hành động nhượng bộ của Manila trước hành vi xâm phạm mới đây của Trung Quốc ở các vùng biển tranh chấp, bởi nước này cần phải đối mặt với các thách thức an ninh khác như khủng bố hay các trùm ma túy. Ông Duterte đã xa rời Washington, tiến gần với Trung Quốc để nhận được viện trợ và đầu tư, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội bao gồm chương trình cơ sở hạ tầng toàn quốc “Xây dựng Xây dựng Xây dựng” mà ông đã thúc đẩy trong suốt Diễn đàn Vành đai và Con đường do người bạn hào phóng mới Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì.
Nói đơn giản, một cuộc xung đột bùng nổ ở Biển Đông không có lợi cho chính quyền của ông. Ông Duterte và những người thân cận, chẳng hạn như ông Cayetano cũng thân Trung Quốc, không muốn làm đảo lộn tình thế và liều lĩnh để mất “cây cà rốt” mà Bắc đã hứa hẹn với Manila. Có vẻ như không thể tránh khỏi việc Philippines nhượng bộ Trung Quốc, không chỉ riêng việc trì hoãn Phán quyết của Tòa Trọng tài, vốn tạo cho họ thắng lợi pháp lý tuyệt đối trước nước láng giềng phương bắc lớn mạnh hơn rất nhiều, mà còn phải âm thầm chịu đựng điều mà ông Robert Haddick mô tả là chiến lược vùng xám “cắt lát Salami” khi cần. Chiến lược này được Bắc Kinh thực hiện theo thông lệ nhằm làm suy yếu các đối thủ của mình trong vùng biển tranh chấp.
Chiến thuật Vùng xám của Trung Quốc
Ông Duterte không đơn độc. Ông có thể tìm một người bạn tin cậy là Thủ tướng Malaysian Najib Razak. Khi cuộc tổng tuyển cử tới gần, ông Najib Razak cũng phải nhờ cậy vào các khoản hỗ trợ và đầu tư của Bắc Kinh để củng cố vị thế đảng cầm quyền, đồng thời cố gắng lấy lòng Trung Quốc, thông qua “ngoại giao sầu riêng”. Ông Najib đã chặn đứng các chỉ trích trong nước, lo ngại rằng ông sẽ bán rẻ chủ quyền quốc gia vì sự bố thí của Trung Quốc, thậm chí tới mức Thủ tướng đã từng trở nên mâu thuẫn một cách rõ ràng – với danh nghĩa không đối đầu – trước các cuộc xâm nhập thường xuyên của lực lượng hải cảnh Trung Quốc gần các cấu trúc thuộc quyền tài phán của Malaysia.
Liệu đây có phải số phận “đã được an bài” của các nước nhỏ và yếu hơn như Philippines và Malaysia, khuất phục chiến thuật vùng xám của Trung Quốc? Cơ quan Tư vấn An ninh Quốc tế đã định nghĩa các cách tiếp cận vùng xám trong báo cáo gửi Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 1/2017 là “việc sử dụng các thủ thuật để đạt được các mục tiêu quốc gia và làm thất bại các mục tiêu của các đối thủ bằng cách sử dụng các công cụ quyền lực – thường không đối xứng và mơ hồ về bản chất- mà không trực tiếp sử dụng các lực lượng quân sự chính quy được thừa nhận”. Chương trình bồi đắp đảo của Trung Quốc trên Biển Đông được xem như một ví dụ, chưa kể đến ngoại giao tàu chiến, bao gồm việc sử dụng các lực lượng dân quân đánh cá “tai tiếng” của nước này.
Manila và Kuala Lumpur đã “rơi” trúng vào nhóm những đối thủ hiền lành mà Bắc Kinh vô cùng thèm khát – vì hai nước này không muốn các tranh chấp vượt quá “giới hạn đỏ” của một cuộc chiến tranh nóng, và gây tổn hại đến những lợi ích từ phía Trung Quốc. Nhưng trước khi cho rằng cách đáp trả của Malaysia và Philippines đang thiết lập một nguyên tắc ở Đông Nam Á, chúng ta phải xét xem liệu việc đánh đồng giữa mục đích bảo vệ chủ quyền và các quyền của một nước với việc thúc đẩy các quan hệ kinh tế có phải là điều nhất thiết phải xảy ra hay không.
Indonesia và Việt Nam, có những lợi ích rất lớn trên Biển Đông, là hai minh chứng cho thấy rằng không có sự tách bạch sai lầm như vậy. Thoạt nhìn thì việc hai nước thiếu ngân sách và tài nguyên có thể khiến Trung Quốc chiến thắng dễ dàng trong chiến lược vùng xám của mình. Nhưng không phải là như vậy.
Đòn phản công của Indonesia đối với Bắc Kinh
Mối quan hệ Trung Quốc – Indonesia phát triển mạnh trong khoảng một thập kỉ vừa qua. Jakarta không chỉ tìm kiếm các khoản đầu tư từ Bắc Kinh mà còn mua vũ khí của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều đó không phải là một cú hích khi một tai nạn tàu cá bùng nổ vào tháng 3/2016. Năm đó, cảnh sát biển Trung Quốc đã đâm vào tàu cá Kway Fey 10078 trong phạm vi vùng biển thuộc quyền tài phán của Jakarta ngoài quần đảo Natuna, dùng vũ lực để chống lại lực lượng chấp pháp nghề cá của Indonesia. Thay vì xoa dịu tình hình, Tổng thống Joko Widodo đã tiến hành thăm quần đảo Natuna trên tàu chiến, trong khi thuyết Trục biển toàn cầu mà ông đề xướng có nguy cơ không đứng vững nếu Indonesia không kiên quyết chống lại sự lấn chiếm của Bắc Kinh.
Trong một diễn biến thậm chí còn đáng lo ngại hơn mà Jakarta sẽ không khoan nhượng thêm bất cứ sự vô lý nào từ phía Bắc Kinh, Hải quân Indonesia đã tăng cường sự hiện diện của mình tại các hòn đảo. Vào tháng 6 năm 2016, hải quân đã xả súng cảnh cáo các tàu đánh cá Trung quốc bất hợp pháp tại vùng biển Natuna, khiến 1 ngư dân bị thương. Bắc Kinh đã phản đối điều này nhưng Jakarta không hề tỏ ra bối rối. Phát ngôn viên Hải quân Indonesia Adm Edi Sucipto cho biết: “Chúng tôi sẽ không ngần ngại có những hành động kiên quyết với các tàu nước ngoài, bất kể lá cờ và quốc tịch của họ là gì, khi họ vi phạm trên lãnh thổ Indonesia”. Kể từ đó, không thấy có thêm báo cáo nào về hành động xâm lấn của Trung Quốc.
Tuy nhiên không có thêm hậu quả xấu nào xảy ra. Đầu tư của Trung Quốc vào Indonesia không bị ảnh hưởng; trên thực tế, những khoản đầu tư này đã tăng 291% trong giai đoạn tháng 1 – tháng 9/2016, và đã đạt mức 1,6 tỷ đô la vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, Jakarta bắn tín hiệu cho Bắc Kinh thấy rằng không nên đánh giá thấp Indonesia. Vào tháng 10/2016, Jakarta đã tìm kiếm thêm các khoản đầu tư của Nhật Bản và một tháng sau đó, Indonesia tuyên bố ưu tiên của mình dành cho Nhật Bản nhằm ký kết dự án tàu cao tốc. Tháng 1/2017 cả hai nước nhất trí tăng cường hợp tác an ninh biển. Bắc Kinh đã tính toán hết sức sai lầm khi cho rằng có thể dùng chiến lược vùng xám để chèn épIndonesia, giống như những gì nước này đã làm hồi tháng 3/2013 và khi đó, đã đẩy Indonesia vào thế đối đầu với Trung Quốc.
Mối quan hệ song phương dần được hồi phục, với việc Indonesia đã nhận được mối quan tâm nhiều hơn từ phía Trung Quốc nhằm kích thích các khoản đầu tư. Đồng thời, Indonesia không buông lỏng lợi ích của nước này trên Biển Đông, thậm chí còn đổi lại tên một phần Biển Đông thành Biển Bắc Natuna. Ngoài việc chỉ trích động thái này, thì Bắc Kinh cũng thôi không áp dụng chiêu trò trả đũa của họ.
Cuộc đấu tranh của Việt Nam với Trung Quốc
Còn Việt Nam thì sao? Từ xa xưa trong lịch sử, quốc gia Đông Nam Á này vẫn tiếp tục truyền thống kiên trì chống lại Trung Quốc xâm lược. Các vụ đụng độ trên Biển Đông năm 1974 và năm 1988 có thể khiến Hà Nội hiểu rằng sẽ là vô ích nếu chống đối Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, khi Trung Quốc di chuyển giàn khoan nước sâu HD-981 tới vùng biển tranh chấp gần Quần đảo Hoàng Sa vào tháng 5/2014, Hà Nội đã đáp trả lại một cách quyết đoán – ít nhất là ngang bằng với chiêu trò vùng xám của Bắc Kinh. Việt Nam đã thận trọng tránh việc đưa các lực lượng quân sự đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, thay vào đó,Việt Nam triển khai các tàu cảnh sát biển và các tàu chấp pháp nghề cá – kể cả lực lượng tàu cá dân quân.
Sự bế tắc kéo dài cho đến khi “kênh sau” của ngoại giao – chủ yếu giữa hai nước Cộng sản này – đem lại kết quả là hai bên đã xuống thang vào tháng 7. Dù sao, Hà Nội vẫn có thể tự an ủi, dù phải trả giá một chút. Thế bế tắc lâu dài đã buộc Việt Nam phải trì hoãn hoạt động bảo dưỡng định kỳ các tàu cảnh sát biển và tàu chấp pháp, ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ khác. Nếu bế tắc kéo dài, với năng lực chiến đấu đang còn nhiều hạn chế, nước này có thể sẽ phải nhượng bộ trước. Mặc dù vậy, kế hoạch khởi điểm của Hà Nội đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Bắc Kinh giờ đây lại có thêm mối lưu tâm mới về địch thủ vùng Đông Nam Á này.
Việt Nam không bị nhiều hệ lụy từ vụ bế tắc này. Gắn kết kinh tế với Trung Quốc, thể hiện ở chỉ số thâm hụt thương mại, đã không thể ngăn bước Việt Nam đáp trả nước láng giềng quyền lực phía Bắc. Vào tháng 9 và tháng 10/2014, các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Ấn Độ đã trao đổi các chuyến thăm và ký kết nhiều thỏa thuận, bao gồm việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng và an ninh biển. Điều đặc biệt thú vị ở đây là có một hợp đồng cho phép doanh nghiệp nhà nước ONGC Videsh của Ấn Độ “mở rộng sự hiện diện của công ty này tại Việt Nam và tiếp tục củng cố hợp tác hơn nữa trong hoạt động thăm dò và các lĩnh vực khác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng”. Trung Quốc đã triển khai giàn khoan nhằm phản ứng trước lời mời của Việt Nam dành cho công ty Ấn Độ này đối với các lô bổ sung ngoài khơi các vùng biển mà Trung Quốc có yêu sách.
Trong những năm sau đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy nhiên nước này không bị Bắc Kinh áp dụng các biện pháp trả đũa. Trên thực tế, thương mại biên giới song phương tiếp tục phát triển. Đáng chú ý là thương mại với tỉnh Quảng Tây tăng 8.6% so với cùng kỳ năm trước và đạt giá trị xấp xỉ 6,9 tỷ đô la trong nửa đầu năm 2015 – con số cao nhất trong hợp tác với các tỉnh biên giới của Trung Quốc. Đầu năm 2017, Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội; tăng 34.4% so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù đã ngưng hoạt động khoan dầu tại các vùng biển tranh chấp sau khi Bắc Kinh đưa ra đe dọa, Hà Nội vẫn tiếp tục giữ vững lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt trong suốt hội nghị ASEAN gần đây được tổ chức tại Manila.
Hòa bình không tự nhiên mà có trong chính trị quốc tế
Indonesia và Việt Nam cho thấy hoàn toàn có thể có được sự tách bạch giữa hai vấn đề: một là vấn đề quyền và chủ quyền của một quốc gia trên Biển Đông, và hai là vấn đề hoạt động thúc đẩy các hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Các nước nhỏ và yếu hơn có thể chuyển áp lực do căng thẳng leo thang sang cho bên đang dự tính chiến lược vùng xám thông qua việc gia tăng nguy cơ phát sinh xung đột. Dĩ nhiên ý tưởng này khá “gợn”, bởi nó dựa trên những tính toán chính trị cho rằng nguy cơ chiến tranh có thể giảm bớt khi người ta có những bước đi nhằm hạ thấp chính ngưỡng dẫn đến chiến tranh.
Tuy nhiên ý tưởng trên cũng chỉ ra những lầm tưởng về niềm tin rằng hòa bình là điều hiển nhiên trong chính trị thế giới. Đã đến lúc Manila và Kuala Lumpur cần học hỏi từ những nước láng giềng của mình về cách đương đầu với chiến lược vùng xám của Bắc Kinh thông qua việc thể hiện quyết tâm giải quyết vấn đề một cách rõ ràng.
Xin vui lòng đọc nguyên văn bài viết tại đây.