Khi đang thúc đẩy quan hệ hợp tác, Mỹ và Cuba căng thẳng vì sự cố bất ngờ -có thể là do Nga.
Tờ báo Cuba Journal hôm 4/10 cho biết, căng thẳng quan hệ Mỹ-Cuba đang gặp nhiều sóng gió sau những nỗ lực suốt một thời gian dài vừa cho những tín hiệu tốt.
Đầu tuần này, căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã leo thang khi Washington quyết định trục xuất 15 quan chức Đại sứ quán Cuba tại Washington, DC.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, các nhà ngoại giao Cuba có 7 ngày để rời khỏi nước Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố việc trục xuất các nhà ngoại giao Cuba nhằm đảm bảo “cân bằng” về nhân sự giữa hai nước.
Thông báo được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Mỹ cắt giảm 60% số nhân viên ngoại giao của mình tại Cuba liên quan tới các vụ tấn công bí ẩn vào các nhân viên ngoại giao Mỹ được cho là do sóng âm.
21 nhân viên ngoại giao Mỹ phải đi kiểm tra y tế vì mất thính lực, tổn thương não, khó ngủ, chóng mặt… đã tăng lên con số 22 từ đầu tuần này.
Tuy nhiên, không phải quan chức Mỹ nào cũng hài lòng với lệnh trục xuất mới này. Trong đó có Hạ Nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ, ngài Eliot Engel cũng phản đối lệnh trục xuất mới của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ông Eliot Engel cho rằng quan hệ Mỹ-Cuba đang có chiều hướng tích cực qua những nỗ lực từ thời cựu Tổng thống Barack Obama và việc phá vỡ mối quan hệ này dường như xuất phát từ bên thứ ba mà ông cho rằng, có thể là Nga.
“Dường như quan hệ căng thẳng hiện nay đã rơi vào tay một nam diễn viên giấu mặt nào đó – có thể là Nga – đang cố gắng tạo ra một sự khác biệt giữa hai nước và các quốc gia ở khác bán cầu” – ông Engel nhấn mạnh.
Vị Hạ nghị sỹ cũng cho rằng, nước Mỹ nên thông minh để nhận ra màn kịch này để không bị phương hại tới các mối quan hệ song phương.
“Chúng ta cần phải thông minh và chu đáo để đáp lại các cuộc tấn công như vậy. Thật không may, phản ứng của Mỹ hiện nay là vô nghĩa” – ông Eliot Engel nói.
Trong khi đó, phản ứng gần như ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba Bruno Rodriquez Parrilla chỉ trích Mỹ đã hành động hấp tấp, gây ảnh hưởng đến quan hệ song phương vốn vẫn đang trong tiến trình bình thường hóa sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Cuba phủ nhận tham gia vào cuộc tấn công bằng sóng âm trên và cho biết đang hợp tác với cuộc điều tra từ phía Mỹ.
Ngoại trưởng Cuba cũng cáo buộc Washington thiếu hợp tác trong cuộc điều tra.
Trụ sở Đại sứ quán Cuba tại thủ đô Washington D.C của Mỹ |
Tờ Miami Herald dẫn lời một số chuyên gia cho rằng một quốc gia đi đầu về công nghệ cao như Mỹ mà chưa thể xác định thiết bị gây ra vụ “tấn công sóng âm” là điều “đáng ngờ”.
Nhiều tàu cá lâu nay thường dùng thiết bị sóng âm tầm xa để ngăn chặn cướp biển Somalia ở vịnh Aden.
“Thiết bị này tạo ra âm thanh gây đinh tai nhức óc không ai chịu nổi” – một cựu quan chức an ninh Mỹ cho biết.
Cũng có ý kiến nhận định vụ việc là kết quả của một đợt cuồng loạn tập thể (mass hysteria) hay còn gọi là chứng rối loạn phân ly tập thể.
Đây là một dạng rối loạn tâm lý lan truyền, phóng đại trong đám đông với các triệu chứng như ngất xỉu hàng loạt, nôn mửa… Tình trạng này thường xảy ra trong môi trường tập thể như cơ quan ngoại giao, phân xưởng, doanh trại…