Mu Sochua, một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất của Campuchia và là phó chủ tịch của đảng Cứu hộ Quốc gia Campuchia (CNRP), đã phải trốn chạy lưu vong.
Trả lời nhà báo Jonathan Head của BBC tại một địa điểm không được tiết lộ ở Bangkok, bà Mu Sochua nói: “Tôi không còn cảm thấy an toàn. Điều tôi sợ là bị bắt và bị giữ im lặng, bị bỏ tù, và để bị xét xử qua những phiên tòa trá hình kéo dài từ tháng này sang tháng khác.”
Bà vừa trốn chạy khỏi Campuchia sau khi có nguồn thân cận trong chính phủ cho biết họ lên kế hoạch bắt giữ bà vào cuối tuần này.
“Chúng tôi không có nhiều tháng để lãng phí. Các cuộc bầu cử ở Campuchia dự kiến sẽ diễn ra vào 29/7 năm 2018. Vì vậy tôi muốn lên tiếng.”
Tháng trước, lãnh đạo Đảng, nhà vận động nhân quyền kỳ cựu Kem Sokha, đã bị bắt giữ tại gia bởi 200 cảnh sát và bị cáo buộc tội phản quốc. Tuần trước, Thủ tướng Hun Sen nói những người khác cũng sẽ bị bắt với cùng tội danh.
Chính phủ Campuchia vừa thông qua một đạo luật mới nới rộng quyền hạn để giải thể các đảng phái chính trị nếu lãnh đạo của các đảng này đối mặt với cáo buộc hình sự, vốn rất có thể xảy ra đối với CNRP.
Bà lập luận rằng cần phải có các biện pháp chế tài nhắm vào Hun Sen và nhóm thân cận của ông ngay lập tức, và từ chối cấp thị thực vào các nước phương Tây để họ không thể tự do thăm nom gia tài bất động sản họ sở hữu và để con và cháu của họ được giáo dục ở đó.
Bản quyền hình ảnh AFP/GETTY IMAGES Image caption Tháng trước, 200 cảnh sát đã bắt giữ nhà lãnh đạo Đảng CNRP, Kem Sokha (áo trắng)
Khi đối mặt với những cáo buộc về việc đàn áp dân chủ, Thủ tướng Hun Sen gạt đi và nói rằng đó là những âm mưu của thế lực bên ngoài. Tháng trước, chính phủ Campuchia cáo buộc Hoa Kỳ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này sau khi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc bắt giữ Kem Sokha – một cáo buộc mà Mỹ cho là vô lý.
Trung Quốc có thể cho ông ta số tiền mà ông ta cần, nhưng Trung Quốc không thể cho ông ta tính chính danh mà ông ta nhận được từ các chính phủ dân chủ.Mu Sochua, Phó chủ tịch Đảng Cứu hộ Quốc gia Campuchia
Tuy nhiên, Bắc Kinh nói ủng hộ Phnom Penh trong nỗ lực “bảo vệ an ninh và ổn định quốc gia.”
“Cộng đồng quốc tế đã đầu tư hàng tỷ đô la vào việc phát triển Campuchia và biến nó thành một quốc gia dân chủ, nếu họ tiếp tục đổ đôla vào Campuchia, thì sẽ chỉ giúp Hun Sen hưởng thụ thêm 10 năm nữa. Đó không phải là viện trợ chất lượng,” bà Mu Sochua nói.
“Trung Quốc có thể cho ông ta số tiền mà ông ta cần”, bà nói, ám chỉ đến ảnh hưởng của Trung Quốc khi Bắc Kinh là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Campuchia, “nhưng Trung Quốc không thể cho ông ta tính chính danh mà ông ta nhận được từ các chính phủ dân chủ.”
Việc sách nhiễu các nhân vật đối lập không phải là điều mới mẻ ở Campuchia. Kể từ khi đất nước thoát khỏi hàng thập kỷ chiến tranh và trải qua một cuộc cách mạng lớn vào đầu thập niên 90 và mới thiết lập một nền dân chủ mới, các tổ chức nhân quyền đã liệt kệ được hàng loạt các vụ tấn công vào các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền.
Bản quyền hình ảnh Reuters Image caption Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã lãnh đạo Campuchia từ năm 1985
Một số đã bị xét xử ở các phiên tòa trá hình, tham nhũng khét tiếng của Campuchia, một số khác thì đã bị tấn công bạo lực.
Một cuộc thăm dò gần đây do CPP tiến hành, nhưng kết quả bị rò rỉ với phe đối lập, dự đoán rằng CPP sẽ thất bại trước CNRP trong cuộc bầu cử năm sau.
Vào tháng Tám, chính phủ đã cho ngừng một số đài phát thanh do Mỹ tài trợ như Đài Á Châu Tự do (RFA) và Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Sau đó, ép buộc tờ Campuchia Daily, một tờ báo độc lập bằng tiếng Anh, phải trả một hóa đơn thuế trị giá 6,3 triệu đôla hoặc phải đóng cửa.
Mọi nghi ngờ gần như đều đổ dồn về Hun Sen – vị lãnh đạo đanh thép đã cai trị đất nước này từ năm 1985 – hoặc những kẻ thân cận ông ta.
Chưa có một ai đứng ra chịu trách nhiệm về các vụ giết người mang yếu tố chính trị. Vụ việc gần đây nhất là Kem Ley, một nhà phê bình gay gắt về Hun Sen đã bị bắn chết hồi tháng Bảy năm ngoái.
Tuy nhiên, một hệ thống dân chủ thô sơ nhưng vẫn hoạt động cùng với một nền báo chí tương đối tự do đã tồn tại được 25 năm qua với các cuộc bầu cử địa phương và quốc gia 5 năm một lần.
Vẫn có đủ không gian cho các quan điểm chỉ trích để ghi nhận sự phẫn nộ của công chúng về tình trạng tham nhũng, tàn phá môi trường và khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa. Nhưng điều này có thể không còn tồn tại lâu nữa.
Trong cuộc tổng tuyển cử cuối cùng vào năm 2013, Đảng CNRP, khi đó là một phong trào mới được kết hợp bởi hai đảng đối lập cũ, gần như lật đổ Đảng Nhân dân Campuchia của Hun Sen (CPP).
Phe đối lập cáo buộc chính phủ gian lận và bắt đầu một loạt các cuộc diễu hành đường phố ở thủ đô Phnom Penh, nhưng sau bốn tháng thì bị các lực lượng an ninh đàn áp.
Dân số cũng thay đổi đã tạo ra một số lượng cử tri trẻ hơn và có trình độ học vấn cao, và hiểu biết hơn nhờ mạng xã hội, không còn lo sợ trước những lời đe dọa của Hun Sen nếu đảng của ông ta bị lật đổ.
Image caption Phe đối lập đã rất gần với việc lật đổ đảng Nhân dân của Hun Sen hồi 2013
Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thập kỷ qua đã biến đổi Phnom Penh nhưng lại lãng quên những phần còn lại của đất nước, và làm cho Hun Sen và người thân cận của ông ta giàu có một cách lố bịch.
Mu Sochua thừa nhận rằng các biện pháp trừng phạt không phải là điều mà hầu hết các quốc gia muốn nghe, nhưng bà cho rằng hành động đó hiện nay là cần thiết để bảo vệ những gì còn sót lại của nền dân chủ Campuchia.
“Chúng tôi chỉ còn ít hơn 10 tháng nữa. Cộng đồng quốc tế có thể gây áp lực với Hun Sen. Cộng đồng quốc tế cần phải nói rõ rằng chính phủ kế nhiệm, nếu nó không được hình thành từ cuộc bầu cử tự do và công bằng, thì sẽ không được công nhận,” bà Mu Sochua nói.
“Trốn chạy khỏi đất nước chưa bao giờ là một phần trong kế hoạch của tôi,” Mu Sochua nói.
“Đó là một sự lựa chọn mà tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ phải làm. Đây là một sự lựa chọn rất đau đớn.”