Truyền thông Mỹ gần đây đăng tải nhiều báo cáo về hoạt động phản gián của chính phủ Trung Quốc chống lại các điệp viên của Mỹ.
Lễ kéo cờ ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Mỹ im tiếng về các vụ điệp viên bị lộ
Hồi năm 2016, một nhân viên lãnh sự quán Mỹ bị bắt đi trên phố bởi các sĩ quan an ninh mặc thường phục ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Nhân viên Mỹ bị thẩm vấn suốt đêm và bị buộc thừa nhận dính líu đến mưu đồ chính trị – tờ Politico của Mỹ đưa tin.
Đây chỉ là một trong hàng loạt báo cáo tương tự xuất hiện thời gian qua trên truyền thông Mỹ.
Theo Politico, cơ quan an ninh Trung Quốc tin rằng nhân viên ngoại giao kể trên là một đặc vụ của Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA). Tờ báo dẫn lời các quan chức an ninh quốc gia (ẩn danh) của Mỹ, cho rằng nhân viên của Mỹ cần được “giải cứu” và đưa khỏi Trung Quốc ngay.
Hồi tháng 5, tờ New York Times đăng bài điều tra nói rằng chính phủ Trung Quốc bắt giữ và giết gần 20 điệp viên Mỹ hoạt động ở Trung Quốc trong giai đoạn 2010-2012. Truyền thông nhà nước Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, nhưng tờ Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố nếu báo cáo của NYT là đúng thì đó là “một thắng lợi ” trong hoạt động phản gián.
Theo sau NYT, tạp chí Newsweek đã tìm hiểu chi tiết về tình hình từ một thập kỷ trước, khi các đặc vụ ngầm Trung Quốc bắt đầu nhằm vào công nhân Mỹ tham gia xây dựng đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, bằng cách dùng gái mại dâm để “dụ dỗ” họ.
Ngày nay, theo Newsweek, nhân viên CIA trong sứ quán “lo ngại ngay cả khi thì thầm trong chính các văn phòng đã được cách ly công nghệ của họ, bởi sợ bị gài máy nghe lén”.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, các báo cáo từ Mỹ phần nào hé lộ những nỗ lực ngày càng quyết liệt của chính phủ Trung Quốc để mua chuộc, đe dọa và thu thập tình báo về người Mỹ. Chính phủ Mỹ đã giữ bí mật về vấn đề này vì nhiều lý do, bao gồm chiến lược của Washington đối với Triều Tiên, và do lo ngại phản ứng của công chúng nếu thông tin vỡ lở sẽ làm tổn hại đến hạt động của điệp viên Mỹ tại Trung Quốc.
Giới quan chức an ninh Mỹ chắc chắn không thảo luận với đồng cấp phía Trung Quốc bất kỳ chi tiết nào liên quan đến các vụ bắt bớ, như trường hợp tờ Politico nêu ở trên, hay một số vụ “mất tích” bí mật hoặc công khai của các gián điệp Mỹ tại Bắc Kinh.
“Ngay cả khi các nước cài gián điệp theo dõi nhau thì các bên vẫn hợp tác với nhau. Nếu điệp viên hoạt động lộ liễu thì quan hệ hợp tác giữa hai nước khó triển khai,” Robert Delaney, nhà báo người Mỹ, bình luận trên SCMP.
“Trong trường hợp với Trung Quốc, nếu nhà chức trách Mỹ hé lộ điều gì đó với báo chí [về các điệp viên tại Trung Quốc], thì việc hợp tác giữa Mỹ-Trung về vấn đề Triều Tiên sẽ khó khăn hơn.”
Delaney từng là nhân viên Bộ ngoại giao Mỹ ở Bắc Kinh, giám đốc Viện Kissinger về vấn đề Mỹ-Trung Quốc thuộc trung tâm Wilson, trụ sở tại Washington, Mỹ.
Triều Tiên hiện nay nổi lên là rắc rối lớn nhất trong chính sách đối ngoại và là mối đe dọa về quân sự với chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump. Vấn đề hạt nhân bán đảo nhiều khả năng sẽ đứng đầu danh sách nghị sự khi ông Trump gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở tuần lễ cấp cao APEC, tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 6/11 tới.
Trong năm nay, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley đã làm việc với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Kết Nhất để thông qua 2 gói cấm vận mới chống lại Triều Tiên ở Hội đồng bảo an.
Trung Quốc gia tăng hoạt động gián điệp
Theo ông Delaney, gián điệp, xâm nhập và tác động “là những hoạt động khác nhau, nhưng đều nằm trong nhiệm vụ mà Trung Quốc gọi là sức mạnh quốc gia toàn diện, nhằm tạo dựng môi trường quốc tế phù hợp hơn với các mục tiêu [của chính phủ Trung Quốc]”.
“Trong bối cảnh đó, cùng với nguồn tài chính dồi dào mà Trung Quốc đang có, không có gì bất ngờ khi họ mạnh tay hơn trong lĩnh vực gián điệp quốc tế.”
Politico và nhiều hãng truyền thông khác cho rằng các gián điệp Trung Quốc chống lại Mỹ đang hoạt động dễ dàng hơn sau khi có vụ tấn công tin tặc nhằm vào Văn phòng Nhân sự Chính phủ Mỹ (OPM) năm 2015.
Các thông tin bị đánh cắp và nguy cơ rò rỉ bao gồm số An sinh xã hội, ngày sinh cho đến thông tin về quan hệ cá nhân của các công chức Mỹ.
“Chúng ta có nhiều lỗ hổng đáng kể, trong khi người Trung Quốc rất giỏi khai thác,” ông Delaney nói. “Chúng ta luôn gặp vấn đề lớn do thiếu các nguồn lực và sự hợp tác nghèo nàn giữa CIA với FBI.”
Một lý do khác khiến Mỹ không muốn “đào xới” câu chuyện gián điệp, bởi chính Washington cũng xây dựng chương trình gián điệp và phản gián để chống lại Trung Quốc. Và “nhờ” chính sách kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt tại Trung Quốc, những thông tin về điệp viên Mỹ không bao giờ xuất hiện trên mặt báo.
Mặc dù báo chí Mỹ thời gian qua đưa nhiều thông tin hơn về các mật vụ Trung Quốc, nhưng đây không phải hiện tượng mới.
SCMP cho biết, hai nước đã theo dõi nhau từ khi nước CHND Trung Hoa thành lập năm 1949, và sau khi hai nước lập quan hệ ngoại giao trong thập niên 1970.
Larry Wu-tai Chin, phiên dịch viên cho quân đội Mỹ tại Trung Quốc trong Thế chiến II, sau đó vào làm tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thượng Hải sau chiến tranh, đã thu thập được thông tin về các tù nhân Trung Quốc hợp tác với chính phủ Mỹ.
Ông này bị cáo buộc “tuồn” tài liệu mật của Mỹ cho Bắc Kinh trong thời gian từ 1952 đến 1985, bao gồm thông tin nhạy cảm liên quan đến kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc của tổng thống Richard Nixon, 2 năm trước chuyến thăm lịch sử của ông đến Bắc Kinh năm 1972.