Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiÔng Tập có thể trở thành "tượng đài" cải cách kinh tế...

Ông Tập có thể trở thành “tượng đài” cải cách kinh tế như Đặng Tiểu Bình nhờ nhân tố Mỹ

Vị thế của ông Tập Cận Bình có thể “cạnh tranh” với Mao, Đặng hay không sẽ phụ thuộc vào cách ông giải quyết rủi ro kinh tế và giảm các căng thẳng thương mại với Mỹ.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự hội nghị BRICS 2015. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Nga

Tác giả Yukon Huang cho rằng vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình so với những nhà lãnh đạo lớn của Trung Quốc như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình sẽ phụ thuộc vào cách chính quyền mới của Bắc Kinh sau Đại hội đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 giải quyết các rủi ro kinh tế và giảm các căng thẳng thương mại với Mỹ.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) nhận định, những chỉ số kinh tế gần đây của Trung Quốc cho thấy sự tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định nên bộ máy lãnh đạo mới có thể cảm thấy ít áp lực để thông báo thay đổi chính sách hơn.

Tuy nhiên, theo tờ này, những rủi ro vẫn còn tồn tại, như việc Standard&Poor’s hạ xếp hạng tín nhiệm Trung Quốc hay trong tương lai tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này có khả năng chậm lại.

Sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc một phần phản ánh thực tế của một nền kinh tế chín muồi. Nhưng sự chững lại cũng đến từ sự suy giảm thương mại toàn cầu và giảm tốc độ xây dựng tại Trung Quốc.

Nhiều nhà quan sát đã chỉ ra rằng sự tăng trưởng của Trung Quốc bị mất cân bằng quá nhiều, được thể hiện qua tỉ lệ chi tiêu cá nhân thấp so với GDP và tỷ trọng đầu tư cao. Điều này đã dẫn đến những kêu gọi chính quyền Trung Quốc tái cân bằng hỗ trợ cho chi tiêu cá nhân nhiều hơn để kích thích tăng trưởng.

Theo SCMP, yêu cầu tăng trưởng chi tiêu cá nhân ở Trung Quốc là không thực tế, vì nó vốn đã phát triển nhanh hơn ở bất kỳ nước nào khác trong những thập kỷ vừa rồi. Biện pháp để tăng tiêu dùng có thể chính là tăng các khoản chi tiêu chính phủ cho dịch vụ xã hội và môi trường, vì Trung Quốc chi tiêu tương đối ít so với các quốc gia tương tự khác trong lĩnh vực này.

Tiếp theo là giải quyết vấn đề nợ. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thị trường đã gắn liền với tỷ lệ nợ GDP tăng lên và tình trạng bong bóng bất động sản hiện nay tại Trung Quốc.

Một vấn đề khác cần giải quyết là những căng thẳng trong thương mại và đầu tư nước ngoài. Căng thẳng thương mại Trung – Mỹ chủ yếu bắt nguồn từ quan điểm của Washington cho rằng những thâm hụt thương mại khổng lồ của họ có liên quan chặt chẽ với thặng dư thương mại của Trung Quốc, SCMP viết.

Một cách nhìn nhận khác của Washington là Trung Quốc đã nhận quá nhiều nguồn đầu tư từ Mỹ, dẫn đến sự thất nghiệp và giảm tính cạnh tranh.

“Mặc dù Mỹ và Trung Quốc là những nền kinh tế lớn trên toàn cầu nhưng chỉ có 1-2% đầu tư của Mỹ trực tiếp vào Trung Quốc trong thập kỷ vừa qua.

Nhìn vào EU, với quy mô nền kinh tế tương đương Mỹ, các dòng đầu từ nước ngoài của EU đến Trung Quốc và từ nước này đi ra đã gấp khoảng hai đến ba lần so với Mỹ trong thập kỷ qua, mặc dù EU và Mỹ ở cùng mức độ vào đầu giai đoạn này”, SCMP bình luận.

Sự khác biệt là do sức mạnh sản xuất của EU phù hợp với nhu cầu thị trường của Trung Quốc hơn các thế mạnh của Mỹ vồn nằm ở các dịch vụ có giá trị cao.

“Việc thúc đẩy luồng vốn đầu tư từ cả hai bên sẽ có lợi cho cả hai nước. Thay vì tập trung vào các biện pháp thương mại bảo hộ, chính quyền Tổng thống Donald Trump cần ưu tiên cho thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc đã được đàm phán trong nhiều năm”, SCMP nhấn mạnh.

Theo đó, cải cách kinh tế mạnh mẽ sẽ giúp ông Tập được đánh giá như một nhà lãnh đạo cải cách với vị thế sánh ngang cùng Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình không chỉ trong việc thiết lập quyền lực mà còn ở khía cạnh đưa Trung Quốc trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới