Thursday, November 14, 2024
Trang chủĐàm luận“Quân đội tuân lệnh Tập Cận Bình”

“Quân đội tuân lệnh Tập Cận Bình”

Sẽ có 2.300 đại biểu tham dự Đại hội 19, trong đó khoảng 300 đại biểu quân đội.

5 tướng “con ông cháu cha” không dự Đại hội 19, đó là Thiếu tướng Mao Tân Vũ, cháu nội Mao Trạch Đông; Thượng tướng Lưu Nguyên, con trai cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ; Đô đốc Lưu Hiểu Giang, con rể cố Tổng bí thư Hồ Diệu Bang; Thượng tướng Trương Hải Dương, con trai Trương Chấn – cố Phó Chủ tịch quân ủy trung ương và Thượng tướng Lưu Á Châu – con rể cố Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm. Từ năm 2009, ông Tập Cận Bình đã được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới. Và kể từ khi lên nắm quyền, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình đã tìm cách xây dựng học thuyết quân sự mang dấu ấn cá nhân. Trong đó nhấn mạnh tới việc “quân đội phải biết nghe đảng chỉ huy”. Tiếp đến là xây dựng một đội quân “biết đánh và đánh thắng”. Ông Tập Cận Bình đã cơ bản nắm được quân đội và an ninh; bộ máy nhân sự được điều chỉnh, thân tín được trọng dụng. Ông Tập Cận Bình đã ký sắc lệnh và quy định này có hiệu lực từ ngày 8-5 với mục đích xác định các nguyên tắc nhằm thiết lập các luật quân sự và quy định đối với quân đội. Theo đó, chuẩn hóa hệ thống các luật và quy định của quân đội nhằm nâng cao hệ thống quản lý văn kiện.

Từ Đại hội 18 đến nay, Trung Quốc đã phong hàm Thượng tướng cho 23 người (hiện có 42 Thượng tướng). Riêng năm 2016, đã phong 2 Thượng tướng, 16 Trung tướng, 60 Thiếu tướng. Ngày 28-7, ông Tập Cận Bình đã trao quyết định thăng quân hàm Thượng tướng cho Tư lệnh Chiến khu miền Trung (bổ nhiệm tháng 2-2016) Hàn Vệ Quốc, Chính ủy Lục quân Lưu Lôi, Chính ủy Không quân Vu Trung Phúc, Chính ủy quân chủng Tên lửa Vương Gia Thắng và Tư lệnh Bộ đội Chi viện Chiến lược Cao Tân. Tuy không phải là nhân vật nổi tiếng, nhưng việc được thăng chức 3 lần kể từ năm 2015 khiến dư luận quan tâm khi ông Hàn Vệ Quốc được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lục quân, thay thế ông Lý Tác Thành (thay ông Phòng Phong Huy) mới nhậm chức Tổng tham mưu trưởng quân đội hôm 26-8. Ông Hàn Vệ Quốc là người chỉ huy cuộc diễu binh tại khu tự trị Nội Mông (được thăng hàm Trung tướng chỉ 2 ngày trước khi diễn ra cuộc duyệt binh tại Nội Mông) dưới sự chủ trì của ông Tập Cận Bình nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc.

Theo tờ South China Morning Post, ông Lý Tác Thành, người từng tham gia xâm lược Việt Nam năm 1979 sẽ được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương tại Đại hội 19. Bởi trong Bộ Chính trị hiện có 2 người xuất thân từ quân đội là Phạm Trường Long (sinh năm 1947) và Hứa Kỳ Lượng (sinh năm 1950) – đều là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Và ông Hàn Vệ Quốc sẽ thay thế vị trí hiện nay của ông Phạm Trường Long. Ngày 10-9, Quân ủy Trung ương thông báo, đã hoàn tất công tác giám sát kéo dài 8 tháng đối với quá trình cải tổ quân đội của nước này. Theo đó, Quân ủy Trung ương đã thăm gần 1.000 đơn vị từ cấp trung đoàn trở lên, điều tra hơn 50.000 sỹ quan và xử lý hơn 1.400 đơn kiến nghị và báo cáo vi phạm.

Từ tháng 9-2015, Trung Quốc tiến hành cải cách quân đội liên quan đến cấu trúc lực lượng, tổ chức bộ máy và hệ thống chỉ huy của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) – giảm quy mô, số lượng, nâng cao chất lượng, khả năng tác chiến và tính chuyên nghiệp của PLA. Nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc “Đảng chỉ huy quân đội”. Cơ cấu của PLA hầu như thay đổi hoàn toàn – thay 4 Tổng cục (Tổng cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang thiết bị) bằng 15 cơ quan giúp việc thuộc Quân ủy Trung ương. 7 quân khu được thay bằng 5 chiến khu. Lập Bộ chỉ huy liên hợp do Tập Cận Bình chỉ huy. Tờ Business Standard từng bình luận, việc ông Tập Cận Bình kêu gọi thiết lập học thuyết quân sự mới được đặt trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ tại Biển Đông, và hoạt động leo thang thực hiện yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh gặp phải sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế.

Box: Hiện có 5 nhóm nằm dưới sự kiểm soát của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Thứ nhất, nhóm quân đội. Thứ hai, nhóm Thiểm Tây – Lật Chiến Thư, Triệu Lạc Tế, Mã Khải, Phòng Phong Huy, Vương Đông Phong, Thị trưởng Thiên Tân. Thứ ba, nhóm Triết Giang-Thượng Hải – Bí thư Giang Tô Lý Cường, Bí thư Quý Châu Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư Vân Nam Trần Hào, Bí thư Hồ Nam Đỗ Gia Hào, Tỉnh trưởng Giang Tây Lưu Kỳ, Tỉnh trưởng Sơn Tây Lầu Dương Sinh, Bộ trưởng Giám sát Dương Hiểu Độ. Thứ tư, nhóm Phúc Kiến – Thị trưởng Bắc Kinh Thái Kỳ, Tỉnh trưởng Hải Nam Lưu Tứ Quý. Thứ năm, nhóm bạn học và đồng nghiệp cũ. Ông Tập Trọng Huân, cha đẻ ông Tập Cận Bình được coi là một trong bát đại nguyên lão thời kỳ Đặng Tiểu Bình nắm quyền, là người từng dìu dắt cựu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Và đó cũng là một “bảo bối” cho ông Tập Cận Bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới