Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSiêu cường nuôi khủng bố, gậy ông đập lưng ông

Siêu cường nuôi khủng bố, gậy ông đập lưng ông

Chủ nghĩa khủng bố là “con đẻ” của sự tranh giành ảnh hưởng giữa các siêu cường tại khu vực Trung Đông.



Cuộc chiến chống khủng bố ở Syria đang tạo nên những mầm mống cho một cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành quyền lực đẫm máu không hồi kết.

Nỗi thống khổ của người dân Syria

Cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố – nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và những biến thể của nó ở Syria đã kéo dài hơn 6 năm.

Kể từ ngày 18/8/2011, thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố “Assad phải ra đi”, cuộc chiến đã gây ra những hệ quả vô cùng nghiêm trọng.

Nó biến Syria thành một thảm họa nhân đạo và cũng là điểm nóng địa chính trị nguy hiểm nhất thế giới. 

Người dân Syria bị tàn sát đẫm máu, với hơn 400.000 người thiệt mạng, hơn 10 triệu người bị mất nhà cửa và hàng trăm ngàn người phải tị nạn.

Những nhóm thánh chiến Hồi giáo hung hãn được những thế lực bên ngoài hậu thuẫn đang phá hoại đất nước Syria một cách tàn nhẫn.

Chúng tấn công, cướp bóc, bắn giết dân thường một cách tàn bạo. 

Tất cả các bên trong cuộc xung đột này phải chịu trách nhiệm về những hệ quả trên, bao gồm: 

Chế độ của Tổng thống Syria Bashar al Assad cùng đồng minh do Nga dẫn đầu; Các lực lượng chống đối Assad do Mỹ cùng đồng minh hậu thuẫn; Và tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Sáu năm tiến hành cuộc chiến chống khủng bố trên đất nước Syria là sáu năm người dân Syria chìm trong đau khổ.

Nhưng đến nay cuộc chiến vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhà nước Hồi giáo IS tuy đã bị suy yếu nhưng vẫn còn đủ sức kháng cự để kéo dài cuộc chiến thêm nhiều tháng, nhiều năm nữa; 

Chưa kể, chúng vẫn còn hàng ngàn chiến binh lẩn khuất khắp mọi nơi trên thế giới, luôn sẵn sàng “tử vì đạo” bằng những vụ xả súng, đánh bom liều chết kinh hoàng. 

Bên cạnh đó, những phe phái đối lập nhau ngày càng muốn tăng cường ảnh hưởng của mình, đang tạo nên những mầm mống cho một cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh giành quyền lực đẫm máu mà không có hồi kết.

Tất cả những điều đó cho thấy rằng, chiến tranh không phải là giải pháp cho cuộc chiến chống khủng bố.

Nó càng không phải là giải pháp cho các cuộc tranh giành quyền lực, giải quyết xung đột sắc tộc, tôn giáo ở Syria cũng như ở Trung Đông.

Đã đến lúc cần phải tìm ra một giải pháp mới. 

Nhưng giải pháp như vậy cần phải dựa trên thực tế của việc đánh giá một cách khách quan, chính xác về những nguyên nhân đã tạo ra chủ nghĩa khủng bố dẫn đến cuộc khủng hoảng ở Trung Đông hiện nay.

Nguồn gốc sinh ra chủ nghĩa khủng bố

Bất cứ một tổ chức, một lực lượng chính trị nào được hình thành, tồn tại và phát triển đều có gốc rễ của nó. Chủ nghĩa khủng bố cũng không phải ngoại lệ. 

Syria và Trung Đông đã trở thành nơi thử các loại vũ khí của các siêu cường, hình minh họa: Press Telegram.

Nhưng cái mà tạo chủ nghĩa khủng bố rất phức tạp và được che giấu dưới nhiều hình thức, thủ đoạn chính trị tinh vi mà ngay cả những nước đã tạo ra chúng – bằng cách vô tình hay cố ý, cũng không lường hết được.

Tuy nhiên, có thể chỉ ra ba yếu tố cơ bản tạo nên chủ nghĩa khủng bố:

Một là, chủ nghĩa khủng bố là “con đẻ” của sự tranh giành ảnh hưởng giữa các siêu cường tại khu vực Trung Đông.

Từ các tổ chức khủng bố trước đây, như nhóm Mujahideen – tiền thân của Al Qaeda, tổ chức khủng bố Taliban và nhà nước Hồi giáo IS sau này, cũng như các biến thể khác của chúng đều là hệ quả của những xung đột địa chính trị.

Chúng hình thành do những toan tính chính trị của các nước lớn gây ra ở khu vực Trung Đông nhiều dầu mỏ này.

Trong Chiến tranh Afghanistan những năm 1980, sự đối đầu giữa một bên là Liên Xô với một bên là Mỹ và các nước phương Tây, đã tạo ra một cuộc khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng. 

Các bên ra sức tranh giành ảnh hưởng nhằm tạo ra lợi thế trong cuộc đối đầu nên đã dẫn đến sự phân hóa trong nội bộ dân tộc Afghanistan, hình thành nên các tổ chức vũ trang thánh chiến như Mujahideen và Taliban. 

Chính tư tưởng thánh chiến để bảo vệ “vùng đất thiêng” Dar al-islam của người Hồi giáo mà các nước lớn đã “nhồi sọ” cho các chiến binh này trong quá trình huấn luyện đã trở thành con dao hai lưỡi.

Sau này, chính những người tạo ra chúng lại phạm vào vùng đất thiêng của người Hồi giáo bằng việc can dự vào chính trị của các nước trong khu vực Trung Đông.

Bắt đầu là cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1990, từ đó đến nay sự can thiệp này khiến cho chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy để bảo vệ vùng đất thiêng của họ.

Nhà nước Hồi giáo IS cũng được hình thành và phát triển từ cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Syria/Trung Đông và sự can dự chính trị của các nước lớn vào khu vực này.

Bởi vậy, khi nào còn sự cạnh tranh của các nước lớn ở Trung Đông, khi đó chủ nghĩa khủng bố còn tồn tại.

Hai là, chủ nghĩa khủng bố còn được tạo nên bởi những mâu thuẫn tôn giáo và sự “hợp tác” vụ lợi giữa quyền lực chính trị và tôn giáo.

Những mâu thuẫn tôn giáo giữa Hồi giáo dòng Sunni và Hồi giáo dòng Shia là một trong những nguyên nhân tạo ra nhà nước Hồi giáo IS tàn bạo. 

Ban đầu IS (dòng Sunni) hình thành nhằm chống lại chính phủ Iraq (dòng Shia).

Sau đó lực lượng này đổi hướng sang chống chính quyền Assad (dòng Shia) ở Syria, với mục đích lật đổ sự cầm quyền của Hồi giáo dòng Shia và thống nhất cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni dưới một thể chế chung là chính quyền kết hợp với tôn giáo.

Bên cạnh đó, sự “hợp tác” vụ lợi giữa quyền lực chính trị và tôn giáo trong cuộc đối đầu này cũng là một nguyên nhân giúp cho nhà nước Hồi giáo IS lớn mạnh. 

Đó là, IS – cũng giống như Taliban trước đây, có trong tay những giếng dầu như không bao giờ biết cạn, đã bán tới hơn 30.000 thùng mỗi ngày, với giá chỉ từ 25-65 USD/thùng.

Mức giá này rẻ hơn nhiều so với giá thị trường thế giới, người mua là các lái buôn trung gian hoặc các tay lái súng xuyên biên giới, thậm chí là chính quyền Assad ở Syria.

Đổi lại, IS trở thành một tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới, chúng có nhiều tiền để nuôi dưỡng, huấn luyện chiến binh và có nhiều vũ khí để thực hiện tham vọng chính trị của chúng.

Chính quyền Syria nhận dầu của IS và bán lại vũ khí cho chúng, dù biết rằng mục đích của IS nhằm đánh đổ chính quyền dòng Shia của chính ông Assad. 

Đây là một nghịch lý, nhưng nó lại không hề lạ lẫm trong những màn trình diễn chính trị và xung đột ở Syria/Trung Đông cũng như trên thế giới hiện nay.

Đó chính là kiểu làm kinh tế trong chiến tranh – một tay dí súng vào đầu nhau, tay kia lại móc ngoặc với nhau trong các thương vụ làm ăn kiểu hai bên cùng có lợi.

Điều đó, không chỉ khiến chủ nghĩa khủng bố sinh ra, mà còn giúp cho chúng phát triển và lớn mạnh.

Ba là, sự chênh lệch mức sống và bất bình đẳng trong xã hội cũng là nguyên nhân sinh ra chủ nghĩa khủng bố.

Vấn đề này không chỉ đang diễn ra rất nghiêm trọng ở Syria/Trung Đông mà còn ở khắp nơi trên thế giới. 

Ngay cả ở Mỹ và các nước châu Âu, với nền kinh tế phát triển cao nhưng khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch mức sống vẫn khá trầm trọng. 

Điều đó khiến cho một bộ phận người dân, nhất là những thanh niên trẻ tuổi cảm thấy chán nản, bế tắc trong cuộc sống.

Họ cảm thấy như mình bị gạt ra bên lề xã hội, khiến cho họ bị tổn thương và luôn tìm cách để thoát khỏi tình trạng này. 

Do đó, rất nhiều thanh niên trong số họ đã tìm đến và ra nhập các tổ chức khủng bố để nhằm phản kháng lại sự bất bình đẳng xã hội mà họ là những nạn nhân, đồng thời tìm kiếm cơ hội để được trở nên giàu có và được tôn trọng hơn.

Đây là nguyên nhân cho thấy có rất nhiều chiến binh khủng bố đến từ các nước châu Âu giàu có.

Những vấn đề cần chung tay giải quyết

Để thủ tiêu được hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố, trước hết phải tiêu diệt được tổ chức nhà nước Hồi giáo IS – cuộc chiến mà Nga, Mỹ đang dẫn đầu các liên minh của mình tiến hành.

Đồng thời, các nước lớn cần phải cùng nhìn về một hướng, cùng ngồi lại với nhau để hợp tác giải quyết những vấn đề sau:

Thứ nhất, các nước lớn, đặc biệt là các siêu cường, cần phải hướng đến quan điểm vì sự ổn định và phát triển chung của cộng đồng thế giới.

Theo đó, các nước lớn không được đơn phương can thiệp vào công việc chính trị nội bộ của các nước khác;

Không vì những toan tính lợi ích kinh tế, chính trị của mình mà khiến các nước, các khu vực trên thế giới bị xáo động, bất ổn và xung đột.

Bởi chính những bất ổn, xung đột này là nguyên nhân chính tạo ra chủ nghĩa khủng bố.

Việc tạo ra sự ổn định và phát triển chung trong cộng đồng thế giới không chỉ tạo ra cơ hội chấm dứt khủng hoảng ở Syria/Trung Đông và một số nơi hiện nay;

Mà nó còn tạo ra hòa bình, ổn định ở chính trong các nước lớn – mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố muốn phá hoại và đang nhắm đến.

Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài để tiến tới thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa khủng bố.

Thứ hai, Mỹ, Nga và các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần chấm dứt ngay những bất đồng nội bộ để tiến tới thiết lập một khuôn khổ cho hòa bình tại Syria. 

Một khuôn khổ cho hòa bình ở Syria của Liên Hợp Quốc cần bao gồm việc chấm dứt ngay lập tức các cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Assad mà Mỹ và phương Tây cũng như Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi bấy lâu nay; 

Triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Syria; 

Thực hiện tiến trình quá độ chính trị ở Syria trên cơ sở đồng thuận của các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc;

Xây dựng lòng tin giữa tất cả các bên, nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc chính trị phi bạo lực để thành lập một liên minh chính trị ở nước này.

Thứ ba, cần phải hối thúc một cuộc đàm phán trực tiếp giữa các quốc gia vùng Vịnh, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong một khuôn khổ khu vực để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài ở Syria/Trung Đông. 

Người Ả-rập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran dù là Hồi giáo dòng Shia, Hồi giáo dòng Sunni hay người Kurd, thì họ cũng đã trải qua nhiều thiên niên kỷ sống chung với nhau.

Bởi vậy, chính họ chứ không phải các thế lực bên ngoài, mới là những người phải đi tiên phong trên chặng đường hướng tới một trật tự ổn định trong khu vực.

Thứ tư, Liên Hợp Quốc cần phải có chính sách hỗ trợ về tài chính từ các nước trong khu vực và toàn cầu cho Syria nhằm giúp nước này khôi phục và phát triển kinh tế;

Tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân; Khắc phục tình trạng sa mạc hóa, thiếu nước ngọt; Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế – giáo dục; Xây dựng cơ sở hạ tầng, tái tạo năng lượng… 

Chỉ có như vậy mới giúp được những người dân nơi đây xích lại gần nhau hơn, không còn đau khổ, bế tắc trong cuộc sống.

Và cũng chỉ có như vậy mới tạo ra một tương lai bền vững cho Syria, Trung Đông và cả thế giới. 

Đó là chìa khóa thực sự để ngăn ngừa sự phát sinh, phát triển của chủ nghĩa khủng bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới