Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaVăn hóa sử dụng súng ở Mỹ: Tự hào và bị kịch

Văn hóa sử dụng súng ở Mỹ: Tự hào và bị kịch

Nước Mỹ đang đứng đầu thế giới về tai họa do súng gây ra: trung bình hàng năm có khoảng 100.000 người bị chết và bị thương bởi súng.

Nước Mỹ đang đứng đầu thế giới về tai họa do súng gây ra: trung bình hàng năm có khoảng 100.000 người bị chết và bị thương bởi súng, trong đó bị chết khoảng 30.000 người.

Những vụ xả súng kinh hoàng

Vụ xả súng tại lễ hội âm nhạc ở Las Vegas hôm 1/10 khiến ít nhất 58 người thiệt mạng, hơn 400 người bị thương, đã qua hơn 10 ngày.

Người dân Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng, bởi đây được coi là vụ việc chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên nước Mỹ phải gánh chịu hậu quả bởi văn hóa sử dụng súng của nước này.

Nhìn lại 10 năm trở lại đây, đã có 5 vụ xả súng ở nơi đông người khiến hàng trăm người bị chết và bị thương, mà nguyên nhân chỉ do những mâu thuẫn cá nhân, hoang tưởng hoặc không rõ nguyên nhân.

Năm 2007, một sinh viên Trường Đại học Công nghệ Virginia đã vô cớ dùng súng bắn chết 32 người, rồi tự tử.

Năm 2012, người Mỹ từng hãi hùng khi nghe tin vụ thảm sát xảy ra ở rạp chiếu phim Century ở thị trấn Aurora bang Colorado làm 12 người chết và 59 người bị thương.

Nguyên nhân là do hung thủ hoang tưởng mình là anh hề Joker trong phim “Người Dơi” – nhân vật đã xả súng vào khán giả xem phim.

Năm 2015, một kẻ đồng nghiệp đã nổ súng giết hại hai nhà báo Alison Parker và Adam Ward ngay tại một cuộc phỏng vấn được truyền hình trực tiếp trong chương trình chào buổi sáng của đài WDBJ vào ngày 28/8, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân.

Năm 2016, một vụ xả súng kinh hoàng tại hộp đêm Pulse, Orlando, bang Florida làm 49 người bị chết và hàng trăm người khác bị thương, hung thủ sau đó cũng tự sát mà không rõ nguyên nhân.

Đó là chưa kể đến rất nhiều các vụ việc đã dùng súng để giải quyết những mâu thuẫn cá nhân hoặc tự sát.

Theo thống kê hiện nay, nước Mỹ đang đứng đầu thế giới về tai họa do súng gây ra: trung bình hàng năm có khoảng 100.000 người bị chết và bị thương bởi súng, trong đó bị chết khoảng 30.000 người.

Một cửa hàng bán súng ở Mỹ (Ảnh: CNN)

Tổng số người Mỹ chết vì tại nạn súng trong nước nhiều hơn tổng số lính Mỹ chết trong tất cả các cuộc chiến tranh ở nước ngoài.

Cựu Tổng thống Barack Obama từng thừa nhận, cứ 36 giờ thì có 12 người Mỹ trẻ bị chết vì tội phạm bạo lực có liên quan đến súng. [2]

Tự tử bằng súng cũng là một vấn nạn lớn ở Mỹ, mỗi ngày cướp đi sinh mạng của hàng chục người.

Có thể nhận thấy, tần suất các vụ xả súng và chết người có liên quan đến súng ở Mỹ đang ngày càng có dấu hiệu tăng lên, khiến người dân Mỹ không khỏi lo ngại. Tuy nhiên, đây lại là hệ quả của văn hóa súng ở nước này.

Văn hóa súng – niềm tự hào của người Mỹ

Việc người dân Mỹ sở hữu súng được coi là hợp pháp, bởi trong Hiến pháp Mỹ thông qua năm 1789, có Tu chính án số 2 với tiêu đề Quyền giữ và mang vũ khí, đã cho phép các công dân Mỹ có quyền sở hữu và mang súng.

Bên cạnh đó, việc người dân Mỹ được quyền sử dụng súng còn như là một niềm tự hào đối với họ, bởi lịch sử nước Mỹ gắn liền với súng đạn.

Từ những tốp người châu Âu đầu tiên đến nước Mỹ khai phá đất hoang đều phải dùng súng để tự vệ, chống thú dữ, đánh đuổi người bản xứ để chiếm đất, xây dựng nên các vùng đất thuộc địa dưới sự thống trị của thực dân Anh.

Một thanh niên Mỹ đang tập bắn súng (Ảnh: CNN)

Tiếp đến người Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh đòi độc lập chống lại thực dân Anh từ năm 1775 – 1781 và giành thắng lợi.

Từ đó, người Mỹ không ngừng tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược để mở mang bờ cõi.

Chỉ tính 100 năm sau ngày nước Mỹ tuyên bố độc lập (1776), diện tích nước Mỹ đã mở rộng gấp 10 lần, mà đều là kết quả của “ngoại giao súng ống”.

Điều đó cho thấy, việc sử dụng súng ở Mỹ đã trở thành nét văn hóa của nước này – đó là thứ văn hóa bạo lực.

Người Mỹ từ xưa đã ưa phiêu lưu mạo hiểm, chuộng những mẫu người dũng cảm, tài trí vượt trội, trong đó có tài bắn giết.

Các siêu nhân như vậy đã trở thành mẫu người lý tưởng của giới trẻ nước này.

Bộ máy văn hóa khổng lồ của nước Mỹ, từ giới nhà văn cho tới giới điện ảnh, truyền thông hầu như tất cả đều cổ xúy cho “típ” người như thế.

Nói như vậy không có nghĩa là người Mỹ ưa bạo lực và thích cổ xúy cho bạo lực, nhưng việc được tự do sử dụng súng và luôn tự hào về điều đó, đôi khi khiến họ lại phải gánh chịu những hậu quả từ súng bởi những kẻ tội phạm và yếu tâm lý gây ra.

Người Mỹ có từ bỏ văn hóa sử dụng súng?

Hiện nay, dân số nước Mỹ có khoảng 314 triệu người, thì có tới 270 triệu khẩu súng các loại đã thuộc quyền sở hữu của người dân. Một con số mà ai nhìn vào cũng phải rùng mình.

Không ở đâu và không nước nào người dân lại sở hữu súng nhiều như ở Mỹ, mặc dù những thảm họa về súng ở nước này nhiều không kể xiết.

Sau hàng loạt các thảm họa về súng, Viện Gallup đã tiến hành một cuộc điều tra để xem số người ủng hộ quyền sở hữu súng như thế nào.

Kết quả thật khó tin: điều tra năm 1990 chỉ có 20% số người ủng hộ quyền sở hữu súng, đến năm 2010 con số này đã lên tới 54%.

Khảo sát của Viện Pew Research vào năm 2017 cho thấy, có trên 40% người Mỹ xác nhận rằng họ đang sở hữu súng hoặc sống trong căn hộ có sở hữu súng.

Đây là một điều khó hiểu, tuy nhiên, người Mỹ giải thích rằng, sở hữu súng là cách tốt nhất để tự vệ khi phải đối mặt với kẻ giết người, nếu không có súng thì không thể ngăn chặn được tội ác.

Người Mỹ không thích đề cập đến việc từ bỏ văn hóa sử dụng súng của họ, bởi nét văn hóa này đã gắn liền với chính trị.

Ngay cả các vị tổng thống cũng luôn né tránh đề cập đến việc có hay không việc tiếp tục cho người dân quyền sở hữu súng ở nước này.

Tuy vậy, người Mỹ cũng rất sợ các thảm họa về súng. Sau mỗi vụ xả súng xảy ra, họ luôn yêu cầu các nhà chức trách phải kiểm soát súng chặt chẽ hơn để súng không lọt vào tay những kẻ tâm thần và bọn tội phạm.

Nói như vậy để thấy được, sở hữu súng đã trở thành bản sắc văn hóa và nó cũng đã thấm sâu vào cả nền chính trị của nước này. Mà những gì đã trở thành văn hóa thì sẽ rất bền vững và khó thay đổi.

Bởi vậy, cho dù các thảm họa về súng có tiếp tục xảy ra, thì nước Mỹ cũng sẽ không ban hành lệnh cấm súng.

Đây chính là bi kịch văn hóa sử dụng súng của nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới