Báo Anh cho rằng, ông Trump có thể nói “Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới”, nếu như đó không phải là hành động tự sát về chính trị đối với một Tổng thống Mỹ.
Ảnh AP
The Economist (Anh) cho rằng, các Tổng thống Mỹ thường có thói quen miêu tả những nhà lãnh đạo Trung Quốc bằng những cụm từ thể hiện sự “kính sợ”.
Cựu Tổng thống Richard Nixon ca ngợi Mao Trạch Đông, nói rằng những di sản của Mao đã “thay đổi cả thế giới”. Với Jimmy Carter, Đặng Tiểu Bình là tổng hòa của những mỹ từ khoa trương: “thông minh, cứng rắn, thẳng thắn, can đảm, lịch sự, tự tin, thân thiện”.
Bill Clinton thì miêu tả Giang Trạch Dân là một “người có tầm nhìn” và “có trí tuệ phi thường”.
Donald Trump cũng không có gì khác so với các lãnh đạo tiền nhiệm. Washington Post trích dẫn lời Trump từng nhận xét về nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc Tập Cận Bình: “Có lẽ là lãnh đạo quyền lực nhất” tại Trung Quốc trong một thế kỷ qua.
Economist khẳng định, ông Trump có thể đã nói đúng và thậm chí Trump có thể nói rằng: “”Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới”, nếu như đó không phải là hành động tự sát về chính trị đối với một tổng thống Mỹ.
“Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang đứng thứ hai về quy mô so với Mỹ và lực lượng quân đội của nước này, mặc dù đã phát triển rất nhanh nhưng khoảng cách với Mỹ vẫn rất lớn. Nhưng sức mạnh cứng về kinh tế và quân sự không phải là tất cả”, báo Anh bình luận.
Tờ này nhấn mạnh, Mỹ vẫn là quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng sức mạnh của người lãnh đạo trở nên yếu hơn trong nội địa nước Mỹ và kém hiệu quả hơn ở bên ngoài so với những người tiền nhiệm trước đây, đặc biệt là khi Trump coi thường các giá trị và liên minh vốn là cơ sở thiết lập tầm ảnh hưởng của Mỹ.
Trong khi đó, người đứng đầu quốc gia đông dân nhất lại đang tự tin bước ra ngoài khu vực và thế giới. Và quyền lực mà ông Tập thiết lập trong nội địa cũng vững chắc hơn bất cứ người tiền nhiệm nào từ thời Mao Trạch Đông.
“Trung Quốc ngày nay dưới thời Tập Cận Bình là một cường quốc có ảnh hưởng toàn cầu. Quyền lực và tầm ảnh hưởng của ông sẽ sớm được thể hiện một cách đầy đủ. Ngày 18/10, Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 sẽ diễn ra tại Bắc Kinh.
Nó sẽ là kỳ Đại hội đầu tiên mà ông Tập – là người đứng đầu. 2.300 đại biểu tham gia đại hội sẽ được ca tụng lên tận mây xanh”, Economist bình luận.
Cả thế giới, hãy chú ý
Tờ này cho hay, trong những chuyến công du nước ngoài, ông Tập luôn tự nói rằng mình là một sứ giả của hòa bình và hữu nghị, một người có thể giải quyết vấn đề công bằng giữa thế giới đầy bất ổn này. Những thất bại của Trump càng nâng cao vai trò của Tập Cận Bình.
Vào tháng 1, tại Davos, ông Tập đã hứa với giới tinh hoa toàn cầu rằng ông sẽ đi đầu trong quá trình toàn cầu hoá, thương mại tự do và hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Những khán giả tại sự kiện đó rất hoan nghênh điều này.
Họ nghĩ rằng, ít nhất, đã có một cường quốc thế giới khác sẵn sàng đứng lên vì những điều đúng đắn, dù cho ông Trump (lúc đó là tổng thống đắc cử) không muốn nhận trách nhiệm này. Ông Trump luôn nhấn mạnh khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”.
Economist đánh giá, những tuyên bố của Tập Cận Bình gây được ảnh hưởng một phần vì Trung Quốc sở hữu kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới để có thể hỗ trợ các nước.
Sáng kiến ”Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh có thể có tên gọi khó hiểu nhưng thông điệp của nó rất rõ ràng – hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc sẽ được đầu tư cho các nước, vào các dự án đường sắt, bến cảng, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác để giúp những phần khác của thế giới “thịnh vượng hơn”.
Đó là một phong cách lãnh đạo mà Mỹ đã không còn duy trì nữa kể từ sau Kế hoạch Marshall (Kế hoạch phục hưng châu Âu) ở Tây Âu thời hậu chiến (với quy mô nhỏ hơn đáng kể so với chiến dịch Trung Quốc hiện đang theo đuổi).
Ông Tập cũng dự kiến đưa Trung Quốc thành một cường quốc quân sự chưa từng thấy tại nước ngoài. Năm nay, ông đã thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của nước này ở Djibouti. Ông cũng đã đưa lực lượng hải quân Trung Quốc diễn tập ở xa, bao gồm tham gia cùng với hạm đội Nga tới gần cửa ngõ của NATO ở Biển Baltic vào tháng 7 vừa qua.
Trung Quốc nói rằng sẽ không xâm chiếm các nước khác để áp đặt các mục đích của mình và quốc gia này cũng nói việc xây dựng các căn cứ quân sự là để hỗ trợ gìn giữ hòa bình, chống cướp biển và thực hiện các mục đích nhân đạo.
Trong khi đó, với những hòn đảo nhân tạo với đường băng quân sự được xây dựng (trái phép) ở Biển Đông, Trung Quốc bao biện là “hành động phòng thủ”.
Báo Anh cho hay, một số hành động quân sự của Trung Quốc hiện đang gây lo ngại cho các quốc gia láng giềng, không chỉ các nước Đông Nam Á mà còn Ấn Độ và Nhật Bản.
“Đặc biệt đáng lo ngại hơn khi Tống thống Mỹ Donald Trump đang rút về và tạo ra một khoảng trống quyền lực”, Economist nhận định, thế giới không muốn một nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập và nhường sân chơi cho Trung Quốc.