Friday, November 15, 2024
Trang chủĐàm luậnThời tàn của Đoàn Thanh niên Cộng sản TQ

Thời tàn của Đoàn Thanh niên Cộng sản TQ

Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, nhân vật đứng đầu Đoàn Thanh niên Đảng Cộng sản Trung Quốc – từng được coi là bệ phóng cho sự nghiệp của các quan chức cấp cao trong chính phủ – có khả năng sẽ bị giáng chức.

Biểu tượng Đoàn thanh niên Đảng cộng sản Trung Quốc

Nếu đòn đoán này trở thành sự thật, thì sự ra đi của Tần Nghi Trí – Bí thư Thứ nhất của đoàn thể này – có thể giáng thêm một đòn nữa vào những mâu thuẫn đang gặm nhấm tổ chức vốn là nền tảng quyền lực của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Đoàn Thanh niên là cái nôi sản sinh ra nhiều thế hệ các quan chức cấp cao kể từ những năm 1980 khi tổ chức này được giám sát bởi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản có tư tưởng cái cách Hồ Diệu Bang. Tuy nhiên, sau khi một cựu thành viên khác của đoàn thể này là ông Lệnh Kế Hoạch, từng làm cố vấn cấp cao của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, bị “ngã ngựa” vào năm 2014 vì các bê bối tham nhũng, nhánh Đoàn Thanh niên đã bị chỉ trích nặng nề bởi các thanh sát viên của đảng, những người đã cáo buộc tổ chức trên có tư tưởng tư lợi, với một số cán bộ tự coi mình là “những quý tộc chính trị”.

Nhiều ngôi sao đang lên có quan hệ với phái Đoàn Thanh niên, bị “bỏ quên” không được đưa vào danh sách 2.300 đại biểu tham dự Đại hội Đảng Cộng sản vào mùa Thu này. Giới chuyên gia cho biết những “thiếu sót” này là khá hi hữu, bởi các ngôi sao chính trị như Tần Nghi Trí vốn đã là những ủy viên dự khuyết của Ủy ban Trung ương, là nhân tố tạo thành nhóm 400 nhân vật ưu tú của đảng. Vì vậy, theo giới phân tích, sự loại trừ này cho thấy ông Tần Nghi Trí và các nhân vật khác có thể sẽ bị loại khỏi ủy ban.

Trên thực tế, triển vọng sự nghiệp của nhiều ngôi sao chính trị trẻ tuổi có quan hệ với phái Đoàn Thanh niên đã chấm dứt khoảng 2 năm trở lại đây. Dương Nhạc, 49 tuổi, được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Giang Tô năm 2016. Giới phân tích từng cho rằng ông sẽ được thăng làm chủ tịch tỉnh này, song Ngô Chính Long mới là người được bổ nhiệm chức vụ cao nhất tại đây. Lứa tuổi tương đối trẻ của các quan chức trong đoàn thanh niên thường là một trong những lợi thế quan trọng của họ, song điều này có vẻ không còn là một sự chiếu cố cho việc thăng tiến của các quan chức cấp cao kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.

Giáo sư Steve Tsang, Giám đốc Học viện Nghiên cứu Phương Đông và châu phi (SOAS), Đại học London (Anh), nhận đinh: “Trong kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình, có rất nhiều cán bộ cao tuổi đã bị ‘quá hạn sử dụng’ để có thể duy trì quyền lực và phản đối cải cách, do chủ trương ưu tiên việc nâng cấp cho các quan chức trẻ tuổi hơn”. Theo ông Tsang, phái Đoàn Thanh niên, về nguyên tắc luôn được kỳ vọng là cái nôi của các lãnh đạo Đảng Cộng sản trong tương lai, đó cũng chính là lý do mà tổ chức này được thành lập. Tuy nhiên, việc đoàn thể này trở thành một bước đệm để thăng tiến lên cấp cao đã trở thành xu thế không còn được áp dụng dưới thời Tập Cận Bình. Ông Tsang nói: “Tập Cận Bình không có mối quan hệ mật thiết với tổ chức này và ông ấy là một lãnh đạo có xu hướng sử dụng nhân sự trong chính mạng lưới làm việc của mình”.

Kerry Brown, giảng viên về Nghiên cứu Trung Quốc tại trường Đại học Hoàng gia London, cho biết việc từ bỏ sự phân biệt tuổi tác và tập trung hơn vào những quan chức xứng đáng, có kinh nghiệm, là một biện pháp tích cực trong việc thăng chức cho các cán bộ ở Trung Quốc. Ông nhận định: “Nếu họ là những lãnh đạo có năng lực và tài giỏi, thì kỹ năng của họ sẽ vẫn rất cần thiết. Vậy thì tại sao lại phải lấy nền tảng là xuất thân từ đoàn thanh niên để cho rằng ai đó có tài năng về chính trị và hành chính, những phẩm chất cần thiết để xử lý những thách thức mà Trung Quốc đang đối diện hiện nay?”.

RELATED ARTICLES

Tin mới