Đảng Cộng sản Trung Quốc ra đời năm 1921. Gần 100 năm qua đã từng có một số luận thuyết cầm quyền, từ tư tưởng Mao đến lý luận Đặng Tiểu Bình. Đại hội 19 lần này Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đưa ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ vào Điều lệ, sự kiện từng xảy ra khi Lâm Bưu được ghi là ‘người kế tục duy nhất’ của Mao.
Trước khi thắng Tưởng Giới Thạch trong Nội chiến Trung Quốc năm 1949, lãnh tụ Mao Trạch Đông nêu ra một số suy nghĩ, sau được gom lại và gọi là tư tưởng. Qua những gì ông nói, ‘tư tưởng Mao’ trước 1949 gồm mấy vấn đề lớn:
Một là, Cách mạng vô sản kiểu Trung Quốc: cuộc kháng chiến chống Nhật và Quốc dân Đảng được Mao gọi là “cách mạng chống chủ nghĩa đế quốc, phong kiến và tư sản-quý tộc”. Quần chúng nhân dân Trung Quốc làm cuộc cách mạng này qua liên minh công-nông dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.
Đảng Cộng sản làm cách mạng bằng lực lượng vũ trang xuất thân nông dân vì phần lớn dân sống ở nông thôn, nhưng được cải tạo thành “quân đội vô sản”.
Hai là, chiến tranh du kích kéo dài (Cửu Trì Chiến): Đây là cuộc chiến của nhân dân, trên thực tế là nông dân, nhằm bao vây thành thị, địa bàn của bọn đế quốc, tư sản phản động, tiêu hao lực lượng của chúng để tiến tới tổng phản công.
Ba là, dân chủ nhân dân: Sau năm 1949, Mao chủ trương nền ‘dân chủ nhân dân’ trong điều kiện các mâu thuẫn giai cấp trong xã hội vẫn còn tồn tại.
Để giải quyết mâu thuẫn này, cần có Cải cách Thổ địa để tiêu diệt kẻ thù giai cấp.
Các đợt cải tạo chống tư sản ở đô thị và tẩy não trí thức ‘bị nhiễm’ lối nghĩ cũ, cũng được tiến hành tàn khốc.
Có thể coi Mao Trạch Đông là ‘ông tổ’ của cách mạng vô sản nông dân thông qua ‘công tác tư tưởng’. Đảng thực hiện các cuộc vận động để ‘biến đổi tư tưởng’ đảng viên, bất kể xuất thân, qua sinh hoạt nội bộ, ‘phê và tự phê’.
Kế tục Mao, sang thời Tập Cận Bình, phê và tự phê là chưa đủ. Các ‘phán quan’ của Đảng trong hệ thống ‘song quy’ trực tiếp bắt và lấy cung quan chức mắc vào lưới trời chống tham nhũng. Từ đó đã có cả triệu lượt cán bộ bị kỷ luật, không ít bị tù.
Về lý luận Marxist, Mao cho rằng tính biện chứng của cộng sản Trung Quốc đến từ ba nguyên tắc: 1-Chân lý đến từ thực tiễn: Mao coi đây là thuyết ‘duy vật biện chứng’; 2- Đảng gắn bó với quần chúng. Cán bộ ‘ba cùng’ vào nhà máy, về nông thôn; 3- Trung Quốc độc lập nhưng không cô lập: Không bế quan tỏa cảngmà còn phổ biến cách mạng sang các nước Thế giới thứ ba và Bắc Kinh ngày càng xa quỹ đạo Moscow.
Sau Mao Trạch Đông, chỉ có Đặng Tiểu Bình được ghi nhận có “lý luận”. Về sau Trung Quốc cũng đề cao “thuyết ba đại diện” của Giang Trạch Dân chủ yếu để công nhận vai trò ‘cũng yêu nước’ của doanh nhân.
Đến thời Tập Cận Bình, giới đại gia bị truy bắt, tịch thu tài sản, cấm thành đại tập đoàn vì Đảng sợ hình thành tầng lớp ‘oligarch’ như ở Nga, dẫn tới sụp đổ chế độ.
Về lý luận, hai tên tuổi Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân ngày càng ít được nói đến để nhường chỗ cho “tư tưởng Tập Chủ tịch”.
Khác biệt cơ bản giữu Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình thể hiện ở chỗ, ông Đặng chủ trương “ẩn mình chờ thời”, còn ông Tập lại muốn phô trương, thể hiện sức mạnh Trung Quốc. Tư tưởng vĩ đại phục hưng Trung Hoa (Trung Quốc Mộng), nêu rằng Tập Cận Bình tạo ra thời đại thứ ba từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949.
Đã lờ mờ nhận thấy sự đánh giá khái quát mang tầm chiến lược này: Mao là vị khai quốc, Đặng Tiểu Bình là nhà cải cách, còn Tập Cận Bình là người phục hưng nước Trung Hoa, đem lại vị thế xứng đáng cho nước này trên thế giới.
Về nội bộ, tư tưởng Tập Cận Bình “dùng Đảng trị quốc”, và Đảng Cộng sản là tất cả, với ông Tập là “hạt nhân”. Trung Quốc được vận hành khác thời Cải cách Khai phóng khi Đặng Tiểu Bình, Trần Vân chủ trương “Đảng tách khỏi chính quyền”, và “Đảng ở dưới Hiến pháp”.
Tăng sự tập quyền vào tay một người khiến Trung Quốc nay có phần giống thời Mao hơn thời Đặng, khi ý thức hệ nhường chỗ cho hiệu quả kinh tế – “Mèo trắng hay mèo đen đều tốt miễn là bắt được chuột”.
Với nước ngoài, có lẽ điều được quan tâm hơn là ‘Giấc mộng Trung Hoa’ được diễn giải thế nào. Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì đã có bài gần đây trên Tân Hoa Xã diễn giải “tư tưởng đồng chí Tập Cận Bình” trong ngoại giao Trung Quốc. Bài viết này khá dài, tạm cô đọng lại trong 9 điểm sau:
Thứ nhất, ngoại giao là một phần tối quan trọng trong công tác Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, ngành ngoại giao phải đặt ra các mục tiêu chiến lược, các sứ mệnh trọng yếu cho công tác đối ngoại Trung Quốc ở kỷ nguyên mới.
Thứ ba, tăng sự tin tưởng vào Trung Quốc với tư cách nước xã hội chủ nghĩa lớn với đặc trưng Trung Hoa.
Thứ tư, đề ra viễn kiến vĩ đại xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai cho nhân loại.
Thứ năm, thực hiện chính sách ngoại giao toàn diện để thiết lập một mạng lưới đối tác toàn cầu.
Thứ sáu, thực thi đợt mở cửa lần tiếp theo vì Sáng kiến Con đường và Vành đai.
Thứ bảy, chứng tỏ quyết tâm của Trung Quốc đề cao chủ quyền và quyền lợi an ninh.
Thứ tám, tìm hiểu cách tiếp cận mới và thực tiễn mới về quản trị toàn cầu.
Thứ chín, thực hiện sự lãnh đạo toàn diện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác đối ngoại.
Có thể coi đây là sự liệt kê các nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao hay là biểu hiện của tư tưởng mang tên Chủ tịch Tập Cận Bình cho nước Trung Quốc trong thế kỷ 21, một quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đã có 1,4 tỷ dân.