Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 17/10/17

Bản tin Biển Đông ngày 17/10/17

Bản tin Biển Đông ngày 17/10/2017.

Thách thức đối với ASEAN ở tuổi 50

Ngày 16/10, trang Asia Maritime đăng bài viết của Giáo sư Mie Oba, Đại học Khoa học Tokyo nhân 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Giáo sư Oba nhận định, từ khi thành lập đến nay, khối ASEAN đã tiến xa nhưng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng trong những năm tới. Một trong những thách thức đó là vấn đề Biển Đông.

Theo GS. Oba, ASEAN đã thể hiện lập trường thống nhất dựa trên một đường hướng nhất định, đã kiên trì bày tỏ lo ngại về những diễn biến tại các vùng biển tranh chấp, đề nghị tìm ra một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ, kêu gọi xây dựng một bộ quy tắc ứng xử, đặt các khác biệt nội bộ sang một bên. Tuy nhiên, Hiệp hội không thể ngăn cản việc Trung Quốc bồi đắp và xây dựng các cấu trúc ở Biển Đông. Thực tế này đã tạo ra hệ quả đáng kể, làm giảm khả năng của ASEAN trong việc đóng góp cho hòa bình ở Đông Nam Á và Đông Á.

Đại hội Đảng Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đưa ra chính sách biển trong 5 năm tới

Ngày 16/10, tác giả Ralph Jennings có bài viết trên trang VOA dự đoán khả năng Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tới sẽ đưa ra những dấu hiệu về lập trường cứng rắn hay mềm mỏng liên quan đến Biển Đông. Tác giả cho rằng, với quyền lực trong tay, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc sẽ chỉ đạo việc giải quyết các tranh chấp biển trong vòng 5 năm tới, có thể là tuân thủ luật pháp quốc tế mà không phải từ bỏ chủ quyền; những cũng có thể là đi theo cách tiếp cận cứng rắn hơn hoặc vẫn giữ theo chủ trương hiện nay – mở rộng và mời chào các gói viện trợ cho các nước tranh chấp khác. Fabrizio Bozzato, chuyên gia nghiên cứu thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan, cho rằng khả năng lớn là Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách Biển Đông hiện có, nhưng theo mức độ cứng rắn hơn.

Bài viết dẫn nhận định của Oh Ei Sun, Đại học Nanyang Singapore, cho rằng trong năm vừa qua, Trung Quốc đã làm dịu đi lập trường của mình để giảm căng thẳng, bằng chứng là không có vùng đất mới bồi đắp thành các đảo nhân tạo. Có thể Trung Quốc sẽ vẫn giữa lập trường này nếu Đại hội sắp tới tiếp tục bầu Tập Cận Bình làm Bí thư trong nhiệm kỳ 5 năm nữa. Sự thay đổi mà các học giả dự đoán liên quan đến việc này là khả năng ông Tập sẽ có thêm quyền và sự tự tin để triển khai các chính sách của mình. Đặc biệt, nếu Mỹ có động thái phản đối, Trung Quốc sẽ càng lấn tới trong việc xây dựng đảo hoặc triển khai quân sự.

Australia không chắc chắn được Trung Quốc sẽ hành động gây hấn đến mức nào

Ngày 16/10, tờ The Guardian đưa tin: trong một bài phát biểu cam kết bảo vệ chủ quyền của Australia, bà Penny Wong, Ngoại trưởng đối lập của Australia, đã khẳng định Canberra không “hoàn toàn hiểu” Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh của mình thế nào. Bà Wong cho rằng Australia cần phải “hiểu Trung Quốc, động cơ và tư duy của họ” bởi Trung Quốc đang ngày càng hung hăng và “không những chỉ yêu cầu chọn trước chỗ ngồi tại bàn họp mà còn đòi hỏi loại bàn nào và thiết kế ra sao”. Các mục tiêu chiến lược và tầm nhìn dài hạn về vị thế của Trung Quốc trên thế giới hiện đang xung đột với trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực, mà vấn đề Biển Đông là một ví dụ rõ ràng. Ngoại trưởng Julie Bishop cũng từng cảnh báo trật tự dựa trên luật pháp quốc tế phải chịu áp lực, thậm chí phai mờ khi một số quốc gia tìm cách bẻ cong hoặc phá vỡ luật lệ chỉ vì mục tiêu ngắn hạn.

Bài viết nhắc lại Phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, trong đó khẳng định Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. Chính quyền của Thủ tướng Australia Turnbull nhấn mạnh Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết của Tòa và chủ quyền của các quốc gia nhỏ hơn. Đồng thời, theo bà Penny Wong, Australia cần phải trao đổi với Trung Quốc để khuyến khích nước này đóng vai trò tích cực nhằm ủng hộ và thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới