Một nhóm tác giả từ những chuyên gia ở độ tuổi 30 đến các học giả tuổi 80 được tập hợp lại để soạn thảo các ấn phẩm liên quan đến Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh Reuters
Mười học giả trong khoảng thời gian hai năm với nhiệm vụ chính là xác định những tư tưởng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho các đảng viên.
Nhiệm vụ được đề ra vào năm 2015. Ông Hà Nghị Đình, Phó Chủ tịch phụ trách công tác đào tạo các cán bộ cấp cao của đảng cộng sản Trung Quốc đã được giao nhiệm vụ này. Và ông đã hoàn thành trong hai năm tiếp theo.
Từng phục vụ trong suốt ba đời lãnh đạo tại Trung Quốc, ông là một chuyên gia kỳ cựu về tư tưởng và tuyên truyền, đồng thời cũng hoàn toàn đủ năng lực tiếp nhận nhiệm vụ trên.
Ông Hà có 24 năm làm việc tại Văn phòng Nghiên cứu chính sách trung ương như một cố vấn chính sách quốc gia và là người viết diễn văn cho các cấp lãnh đạo. Ông này được nhiều người coi là một phụ tá đáng tin cậy của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Nhiệm vụ mới của ông là nghiên cứu và xác định phương pháp điều hành đất nước của ông Tập và trình bày nó theo cách để 90 triệu đảng viên bình thường có thể hiểu và áp dụng, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) cho biết.
Trong hai năm thực hiện nhiệm vụ này, ông được chín chuyên gia khác từ Trường Đảng trung ương Trung Quốc cùng nhóm những người chuyên viết về các chiến dịch tuyên truyền hỗ trợ nhằm thu phục mọi người dân và đảng viên học tập theo đường lối tư tưởng của ông Tập.
Tân Hoa Xã mới đây cho biết, nhóm chuyên gia này có những nỗ lực đặc biệt để đưa giai đoạn tuổi trẻ của ông Tập nổi bật trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Văn hóa trước đây.
Chi tiết của dự án kéo dài hai năm này sẽ dần được tiết lộ trong những cuộc họp tuần tới chuẩn bị cho kỳ Đại hội đảng được diễn ra 5 năm một lần, nhằm đảm bảo tên tuổi và những tư tưởng chính trị của ông Tập sẽ được đưa vào Điều lệ đảng, một hành động có thể giúp đưa vị trí của ông sánh ngang hàng với những nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Ngay khi nhiệm vụ này được giao cho Trường đảng trung ương, nó trở thành mối quan tâm chính của toàn trường, SCMP bình luận.
“Nhà trường coi nó là nhiệm vụ chính trị chính, và ngay lập tức lập ra một danh sách gồm 10 học giả hàng đầu”, Tân Hoa Xã viết.
Bản danh sách các học gia chuyên viết về chính trị đến từ những thế hệ khác nhau, từ những chuyên gia ở độ tuổi 30 đến các học giả tuổi 80. Bản danh sách cũng là một phần của dự án lớn hơn có tên gọi “Nghiên cứu và xây dựng lý thuyết Mác”, để xây dựng một bảng danh mục các thuật ngữ đảng.
Tào Chinh Hải, một trong những cố vấn của dự án và cũng là chuyên gia truyền thông, đã qua đời năm nay, hưởng thọ 58 tuổi trước khi dự án hoàn thành.
Nhóm các chuyên gia này nhanh chóng xuất bản các ấn phẩm.
Khi vị thế của ông Tập được coi như “quan trọng bậc nhất” trong đảng tại một cuộc họp cấp cao vào mùa thu năm ngoái, nhóm các chuyên gia trên đã nhanh chóng xuất bản một ấn phẩm để giải thích tại sao ông Tập lại được nâng lên ngang với Mao, Đặng – những người tiền nhiệm của ông.
Nhóm các chuyên gia cũng đứng đằng sau một cuốn sách được quảng bá rộng rãi với nội dung kể chi tiết về 7 năm lao động của ông Tập trong Cách mạng Văn hoá.
Ông Tập được đưa đến một ngôi làng vùng sâu vùng xa tỉnh Thiểm Tây từ năm 1969 đến năm 1975 và cuốn sách Bảy năm của Tập Cận Bình –Tuổi trẻ gian khổ (tạm dịch), được xuất bản khuyết danh vào đầu năm nay, là một tập hợp các cuộc phỏng vấn với những người từng sống và làm việc với ông Tập thời gian đó.
Cuốn sách cũng miêu tả chi tiết ông Tập và những thanh thiếu niên từ Bắc Kinh đã bị sốc bởi sự nghèo đói, phải thích nghi với mọi thứ từ côn trùng đến sự thiếu thốn ăn uống như thế nào.