Sunday, December 22, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiÝ nghĩa của việc Tổng thống Trump dự APEC Việt Nam

Ý nghĩa của việc Tổng thống Trump dự APEC Việt Nam

Các nghị sĩ và quan chức Mỹ khẳng định APEC đóng vai trò rất quan trọng đối với chính sách ngoại giao của Mỹ tại khu vực, đặc biệt là sau khi Mỹ rút khỏi TPP. Việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố tham dự Hội nghị cấp cao APEC một lần nữa thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và APEC.

Ảnh: BNG

Ngày 12/10, tại Washington, Hoa Kỳ, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ năm về Cấu trúc khu vực châu Á.

Bộ Ngoại giao cho biết, trong phiên bàn về chủ đề APEC 2017, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính.

Về APEC 2017, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động phối hợp với các đối tác thành viên và cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy đà hợp tác để tiếp tục phát huy vai trò là một diễn đàn kinh tế hàng đầu, góp phần tăng cường hợp tác vì tăng trưởng, mở rộng đầu tư, thương mại, hội nhập và phát triển bền vững ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đại sứ khẳng định, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế thành viên, bao gồm chuyến thăm Việt Nam và tham dự hội nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì thành công của tuần lễ cấp cao và đóng góp vào hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng của toàn khu vực.

Phát biểu dẫn đề, Hạ Nghị sỹ Mỹ Rick Larsen nhấn mạnh APEC đóng vai trò rất quan trọng đối với chính sách ngoại giao của Mỹ tại khu vực, đặc biệt là sau khi Mỹ đã rút khỏi TPP.

Mới đây, 22 nghị sỹ đến từ hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đã thành lập một Nhóm Nghị sỹ ủng hộ APEC tại Hạ viện, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về gắn kết của Mỹ với khu vực.

Hạ Nghị sĩ Larsen cho rằng Mỹ cần tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại khu vực, giúp xây dựng và duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, khuyến khích mở cửa thị trường, thúc đẩy các quyền con người.

Ông Larsen kêu gọi 11 quốc gia thành viên TPP tiếp tục hướng về phía trước, triển khai hiệp định và tin rằng Mỹ nên quay trở lại với TPP trong tương lai.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Matt Matthews khẳng định việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố tham dự Hội nghị cấp cao APEC một lần nữa thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và APEC, mong muốn cùng khu vực APEC tiếp tục thúc đẩy hợp tác các mặt, trong đó có thương mại số, loại bỏ các rào cản thương mại, cải thiện năng lực khoa học – kỹ thuật, tăng cường vai trò của phụ nữ trong kinh tế. Cùng với APEC, ASEAN là đối tác quan trọng của Mỹ tại khu vực, mong muốn hai bên tiếp tục triển khai Sáng kiến Kết nối Mỹ – ASEAN, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Các diễn giả đều cho rằng cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, ảnh hưởng đến sự hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực, kể cả sự bất ổn ở một số nơi, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, cạnh tranh giữa các cường quốc, các vấn đề Triều Tiên, Biển Đông, khủng bố, biến đổi khí hậu…

Do đó, khu vực cần phải tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các mặt, trong đó có về kinh tế, thương mại, đầu tư, hội nhập trong khuôn khổ APEC. Các diễn giả cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh hơn nữa xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, luật pháp quốc tế, ủng hộ APEC và vai trò trung tâm của ASEAN, vì hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển, trong đó có an ninh, an toàn, tự do hàng hải và chống khủng bố.

CSIS, thành lập năm 1962, là trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu tại Mỹ, chuyên cung cấp các nghiên cứu và tư vấn chiến lược trong các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh trên toàn thế giới.

Theo bảng xếp hạng năm 2013 của Đại học Pennsylvania, CSIS là trung tâm nghiên cứu số một thế giới về quốc phòng và an ninh quốc gia và đứng thứ tư trong các trung tâm hàng đầu thế giới về đề xuất ý tưởng, sáng kiến.

RELATED ARTICLES

Tin mới