Tuesday, December 24, 2024
Trang chủĐiểm tinMỹ dùng kịch bản Triều Tiên để “khống chế”

Mỹ dùng kịch bản Triều Tiên để “khống chế”

Giới quan sát nhận định, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lợi dụng Triều Tiên để xây dựng thế cờ “khóa tay” Trung Quốc.

Mỹ đang dùng vấn đề Triều Tiên để “khóa tay” Trung Quốc?

Cuộc tập trận “chọc giận” Triều Tiên

Hồi đầu tuần, lực lượng hải quân Mỹ và Hàn Quốc đã khởi động một cuộc tập trận chung quy mô lớn ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực đang dâng cao.

Cuộc tập trận mang tên Chiến dịch ứng phó đặc biệt trên biển (MCSOFEX), diễn ra tại khu vực biển phía Đông và biển Hoàng Hải, theo lịch trình kết thúc vào ngày 20/10. Theo tờ Sputnik, cuộc tập trận hải quân này nhằm chuẩn bị khả năng ứng phó với các địa điểm quân sự chủ chốt của Bình Nhưỡng trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Hạm đội 7 (Mỹ) tuyên bố cuộc tập trận chung nhằm tăng cường khả năng liên lạc, hợp tác và tương tác trong khu vực hoạt động của hạm đội.

MCSOFEX có sự tham gia của tàu sân bay USS Ronald Reagan và hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke là USS Stethem và USS Mustin thuộc Hạm đội 7 của Mỹ.

Ngoài ra, truyền thông cho hay, hai tàu ngầm của Mỹ là USS Tucson và USS Michigan cũng đang được triển khai ở các khu vực cảng biển của Hàn Quốc.

Trong nội dung tập trận, tàu khu trục Sejong the Great và máy bay chống ngầm P-3 Orion của Hàn Quốc sẽ cùng tập dượt với nhóm tàu sân bay của Mỹ tại vùng biển phía Đông. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn triển khai những chiến đấu cơ F-15K, FA-18 hay A-10, cùng trực thăng Lynx, AH-64E Apache và AW-159 Wild Cat… tham gia tập trận.

Cuộc tập trận được cho là có cả các bài tập bắn đạn thật trong các nội dung được thực hiện bởi chiến hạm, chiến đấu cơ và trong các bài tập chống tàu ngầm, nhưng quân đội Hàn Quốc không công bố bất kỳ hình ảnh hay video nào liên quan.

Ngay trước khi cuộc tập trận diễn ra, Bình Nhưỡng lên tiếng cảnh báo nước này có thể sẽ đưa ra những phản ứng quân sự, ví dụ như một vụ phóng tên lửa vào vùng biển ở gần đảo Guam, một phần lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin giấu tên từ quân đội Hàn Quốc cho hay, Bình Nhưỡng sẵn sàng bắn tên lửa “bất kỳ lúc nào”.

“Điều gì cũng có khả năng xảy ra, đặc biệt là trước khi diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 18/10 và thời gian sau cuộc tập trận và chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới khu vực”, Giáo sư Shin Beom Chul từ viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc bình luận trên tờ Straits Times.

“Cũng có khả năng Triều Tiên sẽ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn hơn mà trong quá khứ không dẫn tới lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc”, ông nói thêm.

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Trump sẽ có chuyến công du tới châu Á trong khoảng thời gian từ ngày 3 đến 14/11, theo dự kiến ông sẽ tới Hàn Quốc và có thể ghé qua khu vực phi quân sự (DMZ) giữa hai miền Triều Tiên.

Vở diễn trên sân khấu địa chính trị?

Khủng hoảng Triều Tiên đã kéo dài trong nhiều tháng qua, với mâu thuẫn giữa các bên ngày càng trượt đi xa theo những chiều hướng xấu.

Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định những nỗ lực ngoại giao của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề với Bình Nhưỡng thì Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục khẩu chiến với báo chí và giới lãnh đạo Triều Tiên.

Còn theo nhận xét của nhà nghiên cứu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ông Vladimir Terekhov, Washington không hứng thú với việc giải quyết khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ đang lợi dụng các vấn đề với Bình Nhưỡng nhằm “khóa tay” Bắc Kinh.

Theo chuyên gia, Mỹ đang muốn đẩy trách nhiệm đối phó với khủng hoảng sang cho Trung Quốc. Cuộc tập trận kéo dài 5 ngày giữa Seoul và Washington ngay từ đầu đã có ý định hướng tới Bắc Kinh, bởi họ là đồng minh gần gũi nhất của Bình Nhưỡng.

“Cuộc tập trận hải quân mang bản chất quân sự và quan trọng hơn là cả bản chất chính trị. Mục tiêu chính của cuộc tập trận không phải Triều Tiên. Họ chỉ là cái cớ cho cuộc chơi toàn cầu giữa hai “cầu thủ chính” là Mỹ và Trung Quốc”, Terekhov nói.

Theo chuyên gia này, Mỹ muốn Bắc Kinh gây áp lực buộc chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ông Terekhov nhấn mạnh, tìm kiếm giải pháp cuối cùng cho vấn đề Triều Tiên không nằm trong sự quan tâm của Washington.

“Mỹ muốn duy trì vị trí số một trong khi kiềm chế Trung Quốc, bởi vậy Washington cần hâm nóng những căng thẳng trong khu vực. Hiện tại, căng thẳng đang ở mức tương đối cao nên Mỹ cần bàn tay của Trung Quốc hạ nhiệt. Tuy nhiên, họ vẫn cần sự cứng rắn”, chuyên gia Nga phân tích.

“Tôi tin thời điểm này sẽ không có gì nghiêm trọng xảy đến trong khu vực. Khi cuộc tập trận kết thúc, khả năng Triều Tiên sẽ tìm cách phản ứng, có thể tiến hành một vụ phóng tên lửa khác”, chuyên gia nói.

Sở dĩ Mỹ cần phải giữ độ nóng cho những căng thẳng trong khu vực bởi toàn bộ chương trình nghị sự của nước này ở Thái Bình Dương được xây dựng dựa trên mối quan hệ xấu xí với Triều Tiên.

Nếu không có Bình Nhưỡng và bất ổn, Washington chẳng có việc gì để làm tại đây. Khi đó, sự hiện diện của Mỹ tại Thái Bình Dương không có ý nghĩa rõ ràng và dễ bị lên án, đặc biệt là bởi Trung Quốc.

Kịch bản Triều Tiên đang được áp dụng cho sân khấu địa chính trị của Mỹ. Nhưng các chuyên gia an ninh lo ngại rằng hành động của Mỹ và Tổng thống Trump đang mang lại nhiều nguy cơ và tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực mà chính Lầu Năm Góc cũng không thể lường trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới