Saturday, November 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao Trung – Nhật 'lục đục' mà không thể "chia tay"?

Vì sao Trung – Nhật ‘lục đục’ mà không thể “chia tay”?

Dù quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản không ngừng rơi vào sóng gió, rạn nứt nhưng hai nước vẫn là những đối tác kinh tế lớn của nhau.

Theo Straits Times, nhiều dấu hiệu cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đều đang phớt lờ ý định hàn gắn quan hệ ngoại giao vốn bị rạn nứt lâu nay. Song trên thực tế, Trung – Nhật vẫn là những đối tác kinh tế lớn của nhau. 

Trong khi đó, các cuộc thăm dò trước cuộc tổng tuyển cử tại Nhật Bản vào ngày 22/10 tới cho thấy, ưu thế đang nghiêng về phía Thủ tướng Shinzo Abe của đảng Dân chủ Tự do (LDP). Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, ông Abe sẽ trở thành nhà lãnh đạo có nhiệm kỳ dài nhất ở Nhật Bản.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng cũng sẽ bước sang nhiệm kỳ thứ hai sau Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, vừa mới được khai mạc hôm 18/10. 

Khi ông Abe và ông Tập cùng nhậm chức nắm quyền vào năm 2012, mối quan hệ Trung – Nhật đã ở điểm thấp nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao vào đầu thập niên 70.

Nguy cơ đụng độ quân sự cũng gia tăng khi lực lượng tàu chiến và máy bay Trung – Nhật nhiều lần bám sát nhau ở quần đảo tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Làn sóng phản đối Nhật bản tại Trung Quốc cũng đã gây ảnh hưởng tới hoạt động thương mại và đầu tư hai bên.

Đáng nói, kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo Trung – Nhật, ông Tập và ông Abe mới chỉ gặp mặt song phương vài lần. Ngoài ra, việc hai nước vẫn đang ở thế xung đột lợi ích, nhiều khả năng trong 5 năm tới, quan hệ hai bên vẫn chưa thể cải thiện.  

Sự đối lập giữa ông Abe và ông Tập được thể hiện rõ nét qua cách tiếp cận với vấn đề Triều Tiên trong thời gian gần đây. Cụ thể, ông Tập kêu gọi tiến hành đàm phán còn ông Abe lại muốn gia tăng thêm sức ép với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Bên cạnh đó, ông Tập đang đẩy mạnh tầm ảnh hưởng cả về mặt quân sự và kinh tế ở châu Á, còn ông Abe muốn Nhật Bản sở hữu năng lực quốc phòng hùng mạnh hơn cùng với các mối liên minh bền vững. 

“Mong muốn cải thiện sức mạnh quân sự cho Nhật Bản của Thủ tướng Abe khiến Trung Quốc cảm thấy bất an trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng có những hành động ngang nhiên xâm lấn chủ quyền không chỉ ở khu vực trong và xung quanh Nhật Bản mà còn ở khu vực Đông Á”, Straits Times dẫn nhận định của Tiến sĩ Giulio Pugliese, giảng viên tại trường King’s College London.

Thực tế, sự nghi ngờ giữa hai nước đang ngày càng trở nên sâu sắc. Trong cuộc khảo sát được Genron NPO công bố hồi tháng 9/2016, hơn 90% người Nhật tham gia khảo sát cho biết họ không ưa gì Trung Quốc và gần 77% người Trung Quốc có cái nhìn tiêu cực với Nhật Bản.

Tuy nhiên, dù bất hòa về mặt ngoại giao, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế. Trong đó, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Nhật Bản là nền kinh tế hợp tác lớn thứ hai của Trung Quốc. Trong năm nay, Nhật Bản đã đón khoảng 5 triệu du khách Trung Quốc tới thăm và con số này vẫn tiếp tục tăng.

Đáng nói, Nhật Bản có nguy cơ bị tụt lại phía sau Trung Quốc trong tiến trình khẳng định vị thế kinh tế và thiết lập trật tự an ninh toàn cầu. Cụ thể, nền kinh tế Nhật Bản bị ảnh hưởng sau khi Tổng thống Donald Trump rút tên Mỹ ra khỏi Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong khi Trung Quốc lại thu hút được gần 70 quốc gia tham gia sáng kiến “Một vành đai, một con đường”. 

Nhiều khả năng trong tương lai, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ còn thuyết phục Nhật Bản tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc đứng đầu.

Còn trong bài phát biểu ở Tokyo hồi tháng trước, đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Cheng Yonghua nhấn mạnh Nhật Bản và Trung Quốc đã tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư và tài chính sau khi Thủ tướng Abe nhận ra tầm quan trọng của sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do nhà lãnh đạo Tập Cận Bình khởi xướng. 

Giáo sư Noriyuki Kawamura tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Nagoya lại cho rằng, việc chính quyền của Thủ tướng Abe công khai chỉ trích hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như điều động tàu quân sự tới vùng biển này, đã tiếp tục đẩy quan hệ Bắc Kinh – Tokyo rơi xuống vực thẳm.

Một số nhà nghiên cứu nhận định, Nhật Bản cần hòa hợp với Trung Quốc để cùng đi tới một giải pháp hòa bình cho các vấn đề trong khu vực như căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Cụ thể, theo nhà nghiên cứu Bonji Ohara tại Tổ chức Hòa bình Sasakawa ở Tokyo, một khi mối quan hệ được cải thiện, Nhật Bản có thể gia tăng tầm ảnh hưởng với Trung Quốc cũng như tăng vị trí của Tokyo trong tiến trình thiết lập trật tự thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới