Trước thềm chuyến thăm Ấn Độ vào tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tiết lộ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn “làm sâu sắc hơn rất nhiều nữa” mối quan hệ hợp tác với New Delhi bởi Mỹ coi Ấn Độ là một đối tác then chốt trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Châu Á.
Trong những phát biểu được đưa ra ngày hôm qua (18/10) – chưa đầy một tháng trước khi Tổng thống Trump dự kiến có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Trung Quốc, Ngoại trưởng Tillerson không ngần ngại cho biết, Mỹ đã bắt đầu thảo luận về kế hoạch thiết lập một cơ chế thay thế cho hoạt động cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước Châu Á của Trung Quốc.
Ông Tillerson không giải thích rõ ông này có ý gì khi đưa ra thông tin về việc Mỹ đang tìm cách thiết lập một cơ chế thay thế cho hoạt động cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ở Châu Á của Trung Quốc hiện nay. Ngoại trưởng Mỹ chỉ cho biết, chính quyền của ông Trump đã lặng lẽ bàn bạc với một số quốc gia đang nổi ở khu vực Đông Á về dự án của họ trong một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 8 vừa rồi.
Ngoại trưởng Tillerson cho rằng, hoạt động cấp tài chính của Trung Quốc đang khiến nhiều nước phải gánh những gánh nợ “to lớn” mà không giúp tạo công ăn việc làm.
“Chúng tôi cho rằng, sẽ rất quan trọng để bắt đầu phát triển một cơ chế, phương tiện đối phó với thực trạng này bằng cách tạo ra những biện pháp cấp tài chính thay thế. Chúng tôi sẽ không thể cạnh tranh với Trung Quốc theo khía cạnh cấp vốn kiểu đó nhưng các nước phải tự quyết định xem họ sẵn sàng trả giá như thế nào để bảo vệ chủ quyền và khả năng kiểm soát nền kinh tế của chính mình trong tương lai. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận như vậy với họ ”, ông Tillerson nhấn mạnh.
Trong một phát biểu khác có thể khiến Bắc Kinh nổi giận, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho hay, Washington đã nhìn thấy khả năng mời các nước khác, trong đó có Australia, tham gia vào cơ chế hợp tác an ninh ba bên hiện nay gồm Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản. Đây vốn được xem là một liên minh đối trọng với Bắc Kinh. Trung Quốc lâu nay luôn phản đối kịch liệt mối quan hệ an ninh Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản, coi đó là một nỗ lực của các nước nhằm kiềm chế, bao vây họ.
“Mỹ tìm kiếm mối quan hệ mang tính xây dựng với Trung Quốc nhưng chúng tôi sẽ không lùi bước trước thách thức từ Trung Quốc đối với trật tự dựa trên pháp quyền của thế giới cũng như không lùi bước ở những nơi Trung Quốc đang làm phương hại đến chủ quyền của các nước láng giềng và gây bất lợi cho Mỹ cũng như các bạn bè của chúng tôi”, ông Tillerson tuyên bố như vậy trước tổ chức tư vấn mang tên Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược.
“Ấn Độ và Mỹ nên bắt tay trang bị cho các nước khác khả năng bảo vệ chủ quyền của họ, xây dựng sự kết nối lớn hơn và có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong một cấu trúc khu vực mà ở đó thúc đẩy được lợi ích của họ và giúp họ phát triển nền kinh tế”, ông Tillerson cho biết.
Những phát biểu trên được đưa ra đúng thời điểm Trung Quốc vừa khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19.
Trong những năm gần đây, Mỹ và Ấn Độ đang ra sức thắt chặt quan hệ hợp tác song phương trên một loạt mặt trận, từ chính trị, kinh tế, thương mại đến quân sự… Điều đáng nói là hai nước này không ngần ngại công khai cho biết, một trong những mục tiêu hàng đầu của họ trong việc phát triển, thúc đẩy quan hệ song phương là tạo ra một liên minh đáng gớm để đối trọng với sự nổi lên ngày một đáng lo ngại của Trung Quốc.