Bản tin Biển Đông ngày 23/10/2017.
Indonesia và Singapore nên khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp Biển Đông
Ngày 22/10, tờ Antara News đưa tin cho biết ngày 21/10 đã diễn ra buổi thảo luận “Tranh chấp Biển Đông: Liệu ASEAN và Trung Quốc có tìm được điểm tương đồng?” được tổ chức bên lề Hội thảo Chính sách Đối ngoại Indonesia lần thứ 3. Tại buổi thảo luận, nhà ngoại giao kỳ cựu của Indonesia Hasjim Djalal phát biểu cho rằng Indonesia và Singapore có thể đảm nhận vai trò tiên phong trong việc đưa các nước tranh chấp đến bàn đàm phán để giải quyết vấn đề Biển Đông. Ông Djalal cho rằng cần có sáng kiến ngoại giao từ những nước thành viên ASEAN không có yêu sách ở Biển Đông như Indonesia và Singapore để khuyến khích các nước thành viên có tranh chấp còn lại cùng ngồi lại với Trung Quốc để tìm ra giải pháp hợp lý.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ sẽ phát biểu về quan điểm Ấn Độ liên quan đến vấn đề Biển Đông
Theo tin từ tờ The Economic Times ngày 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) từ ngày 23-24/10 tại Philippines. Hội nghị dự kiến sẽ trao đổi sâu về một số vấn đề tại khu vực, trong đó có việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Nguồn tin cho biết, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, tại Hội nghị ADMM+, bà Sitharaman sẽ khẳng định lại lập trường của Ấn Độ về những vấn đề liên quan. Đối với tranh chấp Biển Đông, quan điểm của Ấn Độ là ủng hộ tự do hàng hải, tiếp cận các nguồn tài nguyên tại Biển Đông phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982.
Chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình
Ngày 21/10, tờ The Straits Times trích đăng bài viết của các nhà bình luận thuộc Mạng lưới Báo chí Châu Á phân tích về bài phát biểu của Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng lần thứ 19 và những hệ lụy đối với khu vực và thế giới trong vòng 5 năm tới.
Theo tác giả Wang Yiwei của tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc, bài phát biểu của Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh đang nhằm mục tiêu thúc đẩy một loại hình quan hệ quốc tế mới và xây dựng một cộng đồng cùng chia sẻ tương lai cho nhân loại, nhấn mạnh Trung Quốc không bao giờ vì lợi ích phát triển của riêng mình mà bắt các nước khác phải trả giá hay làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của các nước đó. Bên cạnh việc ca ngợi Trung Quốc là người bảo hộ trật tự thế giới, bài viết thừa nhận Bắc Kinh đang ngày càng tham vọng, nhưng lại biện hộ rằng đó là mục đích các bên cùng có lợi, chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc đang bị hiểu nhầm. Để xác định các nước trong khu vực và thế giới có hiểu nhầm Trung Quốc hay không, cần đối chiếu cả lời nói và hành động của Trung Quốc trong những năm qua, ít nhất là dưới thời Tập Cận Bình. Thực tế cho thấy, Trung Quốc tỏ ra ngày càng hung hăng, hiếu chiến đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông. Với việc Trung Quốc phủ nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, liên tục bồi đắp, xây dựng các công trình quân sự trên các đảo nhân tạo, đưa các tàu thuyền xâm phạm vùng biển các nước, tiến hành đâm va, gây hấn, ngăn cản hoạt động đánh bắt cá bình thường của ngư dân các nước trong khu vực, không ai có thể đồng ý với kết luận rằng Trung Quốc là người bảo hộ cho trật tự thế giới. Trung Quốc đang phá hoại trật tự thế giới dựa trên luật pháp để thay bằng một trật tự mới do nước này tạo ra và cầm đầu.
Bài viết của biên tập viên tờ Japan News cũng nhận định với tư tưởng bành trướng, Trung Quốc đang nhằm mục tiêu xây dựng tiềm lực quân sự và trở thành bá chủ thế giới, sử dụng sức mạnh cơ bắp thay vì tôn trọng các giá trị toàn cầu về luật pháp. Theo tác giả, Bắc Kinh không được phép sử dụng danh nghĩa xây dựng “sức mạnh biển” để đẩy mạnh các hoạt động đe dọa các nguyên tắc của tự do hàng hải.
Trong khi đó, tờ The Nation của Thái Lan cho rằng trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua của Tập Cận Bình, Trung Quốc thể hiện rõ là một kẻ khổng lồ kiêu ngạo và chuyên bắt nạt nước khác. Trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã áp dụng cách tiếp cận chia để trị đối với các nước ASEAN bằng cách đưa ra những miếng mồi béo bở cũng như đi đôi với dằn mặt cả về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, không vì thế mà các nước có liên quan nhụt chí. Để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình, các nước trong và ngoài khu vực vẫn tích cực bày tỏ tiếng nói ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.