Lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông trong một số động thái mà nước này tiến hành thời gian qua ở vùng biển có tranh chấp này ‘không phải nhắm vào Việt Nam’ mà chính là ‘nhắm vào ngư dân Trung Quốc’, một học giả từ Đại học Hạ Môn, Trung Quốc nói với BBC Tiếng Việt tại Oxford cuối tuần này.
Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành tập trận, huấn luyện quân sự, trong đó có diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông, theo giới quan sát.
Việt Nam nên ‘cùng ngồi xuống’ để ‘đàm phán song phương’ với Trung Quốc về các bất đồng, thay vì đưa ra các ‘phản đối’, vẫn học giả này nêu ý kiến và ‘kêu gọi’ Việt Nam.
Trao đổi bên lề một Hội thảo về giải pháp cho xung đột trên Biển Đông tổ chức ở một đại học tại Oxford, hôm 20/10/2017, Giáo sư Phó Côn Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa, thuộc Đại học Hạ Môn, nói:
“Có ý kiến của nhà nghiên cứu từ Việt Nam cho rằng lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc thực thi trên Nam Trung Hoa [hay Biển Đông, theo cách gọi của Việt Nam] thời gian qua là vô lối. Không, lệnh cấm đánh cá không phải chống ngư dân Việt Nam mà về cơ bản nó được hướng vào việc kiểm soát chặt chẽ ngư dân Trung Quốc.
“Và bản thân lệnh cấm đánh cá là tốt cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản ở trên Biển Đông. Chính quyền Việt Nam nên ủng hộ lệnh cấm đánh cá, thay vì phản đối nó. Điều có thể làm duy nhất chỉ có thể là thông qua đàm phán song phương.
“Hai chính phủ và các chuyên gia từ hai nước này cần ngồi xuống và nói về một cách thức hợp lý hơn để thực thi lệnh cấm đánh cá, thay vì phản đối nó trên Biển Hoa Nam. Hãy tư duy thế này có nhiều điều chúng ta có thể làm được, những việc này không dễ, nhưng đáng làm điều đó ,” học giả Trung Quốc, người cho hay ông có ‘gốc gác’ từ Đài Loan, nói.
Hồi tháng 5/2017, Việt Nam đã có phản ứng phản đối một lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đưa ra tại Biển Đông và cho rằng lệnh cấm ‘đơn phương’ này là ‘trái’ với luật pháp quốc tế và vi phạm chủ quyền, lãnh hải của Việt Nam và các quyền chủ quyền và tài phán liên quan của Việt Nam trên vùng biển.
“Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 30/4 bắt đầu đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở khu vực bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một phần vịnh Bắc Bộ,” báo mạng VnExpress của Việt Nam hôm 04/5 cho hay. Lệnh cấm kéo dài khoảng hơn ba tháng, bắt đầu từ 1/5 đến 16/8, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough.
“Trung Quốc áp dụng quyết định với cả ngư dân nước này và ngư dân nước khác. Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng tàu chấp pháp để “giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm”. Đây là lệnh cấm dài nhất kể từ khi Trung Quốc thực thi lệnh này.
“Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan. Quyết định này cũng đi ngược lại với tinh thần và lời văn của DOC, không phù hợp với xu thế phát triển quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực.
“Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình,” vẫn theo VnExpress.
‘Hãy cho thấy bằng chứng’
Cũng hôm 20/10, học giả đến từ Đại học Hạ Môn của Trung Quốc cũng có một ‘thông điệp’ nữa cho Việt Nam, khi ông cho rằng Việt Nam cần phải đưa ra các ‘bằng chứng’ lịch sử chủ quyền cho nhân dân Trung Quốc và thế giới biết, thay vì các bằng chứng được đưa ra tại các ‘triển lãm’ được cho là đóng cửa với phía Trung Quốc.
“Quí vị biết cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực tế là Trung Quốc đã ‘giành lại’ toàn bộ khu vực Hoàng Sa và trên Trường Sa, người Việt Nam chiếm nhiều hơn các đảo và đá,” học giả Phó Côn Thành nói.
“Nhưng với tôi, mọi việc cần phải trở lại với luật pháp quốc tế, chúng ta không thể xem những gì đã xảy ra đầu thập niên 1970 và sau đó, chúng ta phải xét xem ai phát hiện những quần đảo này trước, ai quản lý những đảo đó trước và ai thực sự đã duy trì và kiểm soát những quần đảo đó trước.
“Trong luật pháp quốc tế, người ta gọi đây là nguyên tắc thủ đắc, với thủ đắc sớm, quản lý sớm và kiểm soát sớm một vùng đất, khi đó một quốc gia sẽ tuyên bố chủ quyền trên đó.
“Tôi biết rằng một số bạn bè Việt Nam của chúng tôi nói rằng họ có những bằng chứng từ sớm.
“Rất tốt thôi! Hãy đưa cho nhân dân Trung Quốc và thế giới xem những bằng chứng đó…”
Theo học giả này, người mà đồng thời cũng là Giáo sư tại Trường Luật Đại học Hạ Môn, các học giả Trung Quốc đã có các ‘bằng chứng’ từ rất sớm tới ‘hàng ngàn năm’ về việc phát hiện các quần đảo và các chình quyền Trung Quốc trong nhiều năm đã tiến hành việc ‘kiểm soát’, ‘quản lý’, đưa ra một thông điệp với Việt Nam, ông Phó Côn Thành nói tiếp:
“Vậy đối với chính phủ và người Việt Nam, các quí vị phải đưa các bằng chứng cho người Trung Quốc và thế giới, nếu triển lãm là sự kiện đóng cửa, ở Việt Nam, tôi được cho biết là chính quyền địa phương đã có một số triển lãm đưa ra bằng chứng về chủ quyền với các quần đảo, họ gọi đó là Trường Sa và Hoàng Sa.
“Nhưng những triển lãm này không mở cửa với người Trung Quốc… “Điều này tạo ra… [tranh cãi]… các vị biết là phải thuyết phục người Trung Quốc của chúng tôi, nhưng nếu triển lãm của quí vị lại đóng cửa với người Trung Quốc, thì làm sao người ta có thể được thuyết phục? “Do đó tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam cần phải đối diện với luật pháp quốc tế, cùng với những bằng chứng lịch sử của họ.”
Hiện chưa rõ liệu một số triển lãm về lịch sử chủ quyền với hai quần đảo nói trên của Việt Nam trong thời gian qua như được thông tin công khai trên báo chí, truyền thông nhà nước của Việt Nam có hạn chế cụ thể nào hay không về đối tượng được tiếp cận, tham dự các sự kiện triển lãm, trưng bày đã được loan báo.
Đối diện với lịch sử và tòa án
Học giả từ đại học của Trung Quốc hôm thứ Sáu cũng đưa ra thêm bình luận trên quan điểm riêng của ông với BBC Tiếng Việt về phương cách giải quyết ‘tranh chấp’ chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà theo ông hai bên tranh chấp cần đối diện với ‘bằng chứng’ lịch sử và trước luật pháp quốc tế, ông Phó Côn Thành nói:
“Một điều nữa tôi phải nhấn mạnh là để giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhân dân của cả hai nước này phải biết rằng chúng ta đều được hưởng một số quyền lịch sử trên Biển Nam Trung Hoa.
“Một số đồng nghiệp [học giả] Việt Nam tin rằng chỉ có người Trung Quốc tuyên bố và hưởng các quyền lịch sử trên Biển Nam Trung Hoa. Điều đó không đúng!
“Trung Quốc có thể đã hưởng từ sớm hơn và nhiều hơn một số bằng chứng lịch sử về việc ‘phát hiện đầu tiên’, ‘thủ đắc đầu tiên’ và ‘quản lý đầu tiên’ những đảo này, nhưng cũng có những bằng chứng lịch sử khác chỉ ra rằng người Việt Nam cũng có thể được hưởng một số quyền lịch sử,
“Do vậy, nếu chúng ta có thể đối diện với lịch sử một cách trung thực, khi đó chúng ta có thể đối diện tiếp và ngay lập tức với luật pháp quốc tế, và khi đó, tất cả những tranh chấp sẽ có thể được giải quyết,” Giáo sư Phó Côn Thành nêu quan điểm.
Trong một tuyên bố gần đây của Việt Nam trong sự kiện có liên quan tới việc Trung Quốc tuyên bố và tiến hành ‘huấn luyện quân sự bắn đạn thật’ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, đầu tháng trước, người phát ngôn của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng được truyền thông Việt Nam hôm 05/9/2017 dẫn lời nói:
“Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động này của Trung Quốc, nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không lặp lại các hành động tương tự, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và Biển Đông.
“Việt Nam một lần nữa khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, bà Hằng được báo mạng VnExpress dẫn lời nhấn mạnh.
Còn trong một số thảo luân bàn tròn với BBC Việt ngữ thời gian gần đây, một số học giả từ Việt Nam và hải ngoại cũng nêu quan điểm về xung đột, tranh chấp Trung – Việt trên Biển Đông, trong đó, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam cho rằng ‘mưu đồ của Trung Quốc thôn tính, độc chiếm, hoàn toàn Biển Đông là rõ ràng và không bao giờ thay đổi’.
Ý kến khác từ nhà phân tích chính trị TS. Hà Hoàng Hợp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thì cho rằng ‘Việt Nam sẽ không bao giờ thỏa hiệp về chủ quyền biển đảo ở Biển Đông với Trung Quốc’.
Trong khi đó, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam nên nhấn mạnh với thế giới về nhu cầu ‘bảo vệ’ các nguyên tắc và luật pháp quốc tế về tôn trọng và đảm bảo các ‘quyền tự do hàng hải’, ‘giải thích’ cho thế giới biết về những thiệt hại, thương vong cụ thể mà Trung Quốc gây ra với mình trên Biển Đông thay vì đưa ra những ‘tuyên bố xuông’ và luận điểm ‘đòi chủ quyền’ mà quốc tế đã quen nghe và có thể cho rằng đây chỉ là vấn đề riêng giữa hai nước có tranh chấp.
Mời quí vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi ý kiến của Giáo sư Ngô Vĩnh Long và một Bàn tròn về việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông mới đây và phân tích, bình luận của giới quan sát.