Tuesday, October 1, 2024
Trang chủĐàm luậnCuộc dượt đuổi giữa hai cường quốc Mỹ-Trung

Cuộc dượt đuổi giữa hai cường quốc Mỹ-Trung

Từ tháng 6/2010 đến nay hải quân Mỹ đã liên tục thực hiện  4 cuộc tuần tra ở Biển Đông. Phải chăng đây vẫn là màn cũ “mèo vờn chuột”. Nó chẳng đáng coi là một sự kiện nổi bật, mà đơn giản chỉ là việc hải quân Mỹ buộc phải thể hiện sự hiện diện trong khu vực, duy trì cam kết bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông?

Hành động tổ chức các cuộc tuần tra dày đặc của Mỹ theo cách nói của nhà cầm quyền Bắc Kinh là “lố bịch”. Nó chứng tỏ cho thấy, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thực sự thách thức những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Mới được khôi phục từ tháng 5/2017, sau 7 tháng gián đoạn, tuần trước, Mỹ đã tiến hành hoạt động tuần tra “nhằm mục đích đảm bảo tự do hàng hải” (FONOP) ở Biển Đông lần thứ tư. Với tần suất dày đặc, trong vòng 5 tháng, Mỹ đã thực hiện tới 4 cuộc tuần tra, chủ yếu bám sát các khu vực đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.

Hôm 10/10, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ mang tên USS Chafee đã hoạt động gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa. Giới chức Mỹ cho Hãng Reuters hay, tàu USS Chafee đã “thực hiện hoạt động tuần tra thông thường” nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền đơn phương và trái pháp luật ở Biển Đông.

Tuy không nói toạc ra tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông do nước nào công bố, nhưng khả năng giới chức Mỹ muốn nhắm tới Trung Quốc. Bởi ai cũng rõ như ban ngày  những hành động trái phép mở rộng chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh như xây dựng đảo nhân tạo và nhiều công trình kiên cố ở vùng biển  này.

Phản ứng trước cuộc tuần tra mới nhất của Mỹ ở Biển Đông,trả lời phỏng vấn giới báo chí  trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, ông Yao Wen, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch chính sách khu vực châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc  một mực cho rằng, Trung Quốc không tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông. Sự thực không thể chối cãi là,  Bắc Kinh đã trái phép xây dựng hàng loạt công trình quân sự ngay trên các khu vực đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở nơi đây.

Trước câu hỏi của báo giới nước ngoài, rằng liệu Trung Quốc có thể đưa ra một tuyên bố rõ ràng sẽ không sử dụng sức mạnh quân sự để khẳng định các tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông, ông Yao Wen vẫn lớn tiếng: Những cấu trúc được Trung Quốc xây dựng trái phép tại các quần đảo và bãi đá đã được quốc gia khác tuyên bố chủ quyền trước sau đều “nằm trong lãnh thổ quốc gia này”.

Và rằng: “Thực tế, chúng tôi đã tiến hành xây dựng một số công trình. Một số dự án là các công trình công cộng như các ngọn hải đăng và bệnh viện. Chúng tôi tin các nước láng giềng sẽ nhận được lợi ích từ những công trình này trong tương lai”. 

Nhà ngoại giao này còn bày tỏ mối quan ngại về sự xuất hiện của các tàu chiến và máy bay quân sự gần khu vực xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là “vô cùng nguy hiểm” và có thể dẫn tới những hành động sai lầm. 

Còn phản ứng của Quân đội Trung Quốc?  Hai máy bay chiến đấu  cùng một trực thăng và các tàu chiến mặt nước “bám đuôi” tàu khu trục USS Chafee đồng thời yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

“Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ có hành động sửa chữa sai lầm”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh và cảnh báo Trung Quốc sẽ cải thiện năng lực bảo vệ an ninh cũng như khả năng chống hạm trong khu vực.

Một ngày sau khi hải quân Mỹ  tuần tra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiếp tục có những biện pháp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải. Trung Quốc hối thúc Mỹ thật lòng tôn trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, thật lòng tôn trọng những nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ nền hòa bình và ổn định ở Biển Đông đồng thời chấm dứt những hành động sai lầm”.

Việc tăng cường các cuộc tuần tra cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang tăng tuần suất tuần tra ở vùng biển chiến lược này. Thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, tuy  khởi xướng chương trình FONOP vào tháng 10/2015 để thách thức tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc,  nhưng hải quân Mỹ mới chỉ tiến hành có 3 cuộc tuần tra trong năm 2016.

Dư luận thế giới đặt vấn đề: Liệu việc chính quyền của Tổng thống Trump đẩy mạnh FONOP trong năm nay có  thể làm thay đổi nền tảng chính sách của Mỹ ở Biển Đông? Hay Mỹ chỉ tuần tra làm phép, còn họ luôn  “mập mờ” về việc công nhận các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ trước sau chỉ chú trọng tuần tra để đảm bảo tự do hàng hải, hàng không, cũng như duy trì các quy định và luật pháp quốc tế ở vùng biển này.

Sự băn khoăn này không phải không có lý. Xin nhớ lại sự kiện tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Dewey của hải quân Mỹ tiến hành FONOP trên Biển Đông hồi tháng 5 quanh bãi Vành Khăn. Một con tàu khu trục lớn xuất hiện nhưng  không hề thu hút sự chú ý từ giới báo chí, dù đây là cuộc tuần tra ở Biển Đông lần đầu  dưới thời Tổng thống Trump.

Có điều việc hải quân Mỹ tăng cường tần suất tuần tra Biển Đông  gây   không ít quan ngại cho mối quan hệ ngoại giao Trung – Mỹ.  Nhiều khả năng, sau chuyến thăm đầu tiên tới một số nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, của Tổng thống Trump vào tháng 11 tới, hải quân Mỹ sẽ lại tiếp tục tiến hành FONOP ở Biển Đông. Và mèo lại tiếp tục vờn chuột. Cuộc rượt đuổi giữa haicường quốc sẽ sang màn mới sau Đại hội Đảng của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới