Những gì xảy ra sau Đại hội 19 sẽ có những tác động đáng kể đối với thế giới bên ngoài, đặc biệt là tới cục diện khu vực Đông Á.
Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, khai mạc tại thủ đô Bắc Kinh ngày 18/10, sẽ quyết định trọng tâm chính sách của Trung Quốc trong 5 năm tới.
Dự báo về kinh tế, đại hội sẽ nhắc lại mục tiêu xây dựng “xã hội khá giả toàn diện”, trước năm 2020 sẽ tăng gấp đôi GDP của năm 2010; trong khi về đối ngoại, đội ngũ lãnh đạo mới sẽ có sự điều chỉnh lớn trong chính sách ngoại giao.
Lấy kinh tế làm đòn bẩy cho “giấc mộng Trung Hoa”
Đại hội đảng toàn quốc đã trở thành yếu tố quyết định trong việc quản lý ở Trung Quốc gần 70 năm qua. Sự kiện này ngày càng quan trọng hơn khi quy mô và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế và các vấn đề của thế giới ngày một lớn mạnh.
Những thay đổi trong lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc – công cuộc tái cơ cấu các cơ quan điều hành tài chính trong năm nay, cũng như hoạt động chỉnh đốn một số biểu hiện sa đà trong cách xử lý vấn đề tài chính – đã làm dấy lên đồn đoán rằng sau khi thâu tóm được sức mạnh và vị thế kiểm soát của mình, ông Tập Cận Bình sẽ triển khai các chính sách cải cách.
Nhiệm vụ của ông Tập Cận Bình là làm thế nào để xử lý tình trạng “giảm tốc” kinh tế gần đây trong bối cảnh thay đổi cơ cấu nhanh chóng và tái cân bằng kinh tế vĩ mô. Về điểm này, trong khi truyền thông quốc tế gắn nhãn cho mức tăng trưởng thấp hiện nay của Trung Quốc là một “sự thụt lùi lớn”, ông Tập cho rằng mức tăng trưởng thấp này là “tiêu chuẩn mới”, điều mà ông mô tả là “thực sự không hề đáng sợ”.
Trên thực tế, ông Tập đã đề ra các biện pháp cải cách cơ cấu, theo đó giảm thuế để khuyến khích sản xuất và đầu tư trong khi giảm nợ. Bằng cách này, ông Tập đã ổn định thành công xu hướng giảm tốc của nền kinh tế. Mặc dù tăng trưởng sẽ tiếp tục là nhiệm vụ hàng đầu, song giới phân tích cho rằng trong nhiệm kỳ thứ hai của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện việc cân đối chính sách, đồng thời đẩy nhanh cải cách.
Trong 5 năm tới, Ban lãnh đạo Trung Quốc hy vọng đưa đất nước trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao. Các nhà phân tích dự báo trọng tâm chính sách sẽ dần chuyển từ các biện pháp ngắn hạn sang dài hạn, tập trung nhiều hơn vào chất lượng và tính bền vững của phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các biện pháp chống tham nhũng và tăng cường quản lý sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Phòng ngừa và kiểm soát các rủi ro tài chính mang tính hệ thống vẫn sẽ nằm trong trọng tâm chính sách, các lĩnh vực đặc biệt quan trọng bao gồm các hoạt động tài chính phi ngân hàng, thị trường bất động sản, sức mạnh tạo động lực của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân…
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập đã tìm cách để Trung Quốc làm đối trọng với trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, dù chỉ thành công vừa phải. Ông đề xuất Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) làm lựa chọn thay thế cho Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng thế giới (WB) đặt tại Washington.
Thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” 1.000 tỷ USD, ông đã giới thiệu một gói thương mại và viện trợ lấy Trung Quốc làm trung tâm cho các nước đang phát triển.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy nghị trình “Nước Mỹ trên hết” gồm một hỗn hợp các chính sách thương mại bảo hộ và ý tưởng chính sách đối ngoại biệt lập, Trung Quốc dường như đã tìm thấy một khoảng trống quyền lực để lấp đầy. Nếu chiến thắng, Tập Cận Bình có thể sẽ giám sát một kỷ nguyên mới cho Trung Quốc, hiện thực hóa lý tưởng của ông về “Giấc mộng Trung Hoa”, khôi phục địa vị cường quốc thế giới của Trung Quốc.
Thực thi ngoại giao nước lớn
Có một thực tế là chính sách thương mại toàn cầu của ông Tập là nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo khu vực của Bắc Kinh đối với quá trình gắn kết và củng cố nền kinh tế toàn cầu dưới “gậy chỉ huy” của Trung Quốc. Do đó, chính sách ngoại giao và những lợi ích chiến lược của Trung Quốc sẽ nhắm đến mục tiêu cuối cùng là biến vai trò lãnh đạo này thành vị thế thống trị an ninh khu vực, tiến tới là vai trò chủ đạo trong nền chính trị khu vực cũng như toàn cầu, trong bối cảnh khu vực Đông Á chiếm phần lớn tăng trưởng kinh tế thế giới.
Các dự án cơ sở hạ tầng, các khoản đầu tư và cả hỗ trợ nhân đạo đang “tiếp thêm năng lượng” cho chính sách ngoại giao nước lớn mang đặc sắc Trung Quốc của ông Tập, với kết quả ban đầu là việc các nước châu Á đang ngày càng lệ thuộc vào chính sách chiến lược và kinh tế của Bắc Kinh. Quá trình liên kết và tái cân bằng châu Á vì lợi ích của Trung Quốc, dù diễn ra ở tốc độ nào, sẽ dẫn đến một trật tự thế giới khó đoán định.
Trong phạm vi khu vực châu Á và thế giới, thời gian gần đây ông Tập Cận Bình được hưởng lợi thế địa chính trị đặc biệt với việc Tổng thống Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), thái độ lạnh lùng của ông Trump với các đồng minh khu vực và sự phụ thuộc của ông vào Bắc Kinh trong cách đối phó với vấn đề Triều Tiên. Ít nhất vào lúc này, những tuyên bố hùng hồn của ông Trump về một cuộc chiến thương mại và sự trừng phạt Bắc Kinh đang trở nên lu mờ.
Những gì xảy ra sau Đại hội 19 sẽ có những tác động đáng kể đối với thế giới bên ngoài, đặc biệt là tới cục diện khu vực Đông Á, trong bối cảnh những diễn biến phức tạp, đặc biệt là nguy cơ hạt nhân Triều Tiên, đang đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của khu vực này. Một loạt các vấn đề như Mỹ bố trí Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THADD) gây bất bình cho các nước Trung-Nga; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố bầu cử trước thời hạn đồng thời tích cực chuẩn bị điều chỉnh Hiến pháp để nâng cao vai trò của Lực lượng phòng vệ nước này… đều có thể sẽ khiến cho tình hình an ninh khu vực trở lên căng thẳng hơn.
Chính sách của Mỹ đối với khu vực sau khi ông Trump lên nắm quyền trở nên mơ hồ hơn. Thêm vào đó sự điều chỉnh và thay đổi liên tục về công tác nhân sự của đội ngũ quan chức và nhân viên Nhà Trắng cũng khiến cho chiến lược của Mỹ gia tăng nhiều biến số. Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan sau khi bà Thái Anh Văn nắm quyền ngày càng xấu đi, cục diện an ninh eo biển báo động tình trạng căng thẳng…
Trong tất cả những chủ đề “nóng” về an ninh tại Đông Á hiện nay, khó nhất vẫn là vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Chính sách của Trung Quốc đối với Triều Tiên ngày càng cứng rắn hơn trong những năm vừa qua và quan hệ hai nước cũng có sự thay đổi mang tính căn bản. Ông Tập Cận Bình từ khi lên làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc đến nay chưa sang thăm Triều Tiên, khác hẳn những người tiền nhiệm.
Trong khi đó, Kim Jong-un cũng không giống như cha và ông mình, chưa một lần đặt chân sang Trung Quốc. Điều này cho thấy quan hệ hai nước Trung – Triều đã có sự thay đổi rõ rệt.
Sau Đại hội 19, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục gia tăng cấm vận Triều Tiên, khiến cho quan hệ hai nước tiềm ẩn nhiều biến số khó lường. Nếu quan hệ hai bên bị phá vỡ sẽ trở thành sự kiện mang tính chuyển ngoặt trong lịch sử ngoại giao Trung Quốc, đồng thời có thể sẽ đưa khu vực Đông Á trở lại cục diện của thời Chiến tranh Lạnh.
Trong bối cảnh này, chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang phụ thuộc vào phương hướng chỉ đạo sẽ được đưa ra tại Đại hội 19. Sau Đại hội này, CPC sẽ “thay máu” đội ngũ cán bộ cũng như tiến hành sự điều chỉnh lớn trong chính sách ngoại giao, dự báo sẽ khiến các vấn đề địa chính trị kể trên có bước phát triển hoặc thay đổi lớn