Trong báo cáo, ông Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc sẽ kiên trì con đường phát triển hòa bình, vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng.
Ông Tập Cận Bình trong lễ khai mạc Đại hội 19 ĐCS TQ. Ảnh: AP/ NYT
Những ngày qua, dư luận quốc tế phân tích bàn luận sôi nổi về bản Báo cáo chính trị Đại hội 19 do ông Tập Cận Bình trình bày trước đại hội sáng 18/10. Trong đó lưu ý nhiều nhất đến một số nội dung nổi bật sau:
Về đường lối, phương châm, chính sách đối ngoại, báo cáo chính trị do ông Tập Cận Bình đọc, nêu một số nội dung chính. Nổi bật là, Trung Quốc theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập tự chủ, phản đối can thiệp công việc nội bộ nước khác. Đồng thời Trung Quốc quyết không lấy hy sinh lợi ích của quốc gia khác làm cái giá để phát triển bản thân, cũng quyết không từ bỏ lợi ích chính đáng của mình. Bất cứ ai cũng đừng nuôi ảo tưởng bắt Trung Quốc phải nuốt trái đắng gây tổn hại bản thân. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, quyết không dung thứ tái diễn bi kịch lịch sử chia cắt quốc gia. Mọi hoạt động chia rẽ tổ quốc đều sẽ bị toàn thể nhân dân Trung Quốc kiên quyết phản đối. Quyết không cho phép bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào, bất cứ chính đảng nào, vào bất cứ lúc nào, sử dụng bất cứ hình thức gì để chia cắt bất cứ một phần lãnh thổ nào ra khỏi Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng khẳng định, Trung Quốc tôn trọng quyền tự lựa chọn con đường phát triển của nhân dân các nước, bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế, phản đối áp đặt ý chí của bản thân lên người khác, phản đối ỷ mạnh hiếp yếu.
Trước những luận điểm về “mối đe dọa của Trung Quốc” trên quốc tế lâu nay, ông Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng ngự; sự phát triển của Trung Quốc không gây thành mối đe dọa đối với bất cứ quốc gia nào. Trung Quốc dù phát triển đến trình độ (cao) như thế nào cũng vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng”. Thế giới đang ở vào cục diện không ổn định, loài người đứng trước nhiều thách thức chung; các nước cần đồng lòng xây dựng cộng đồng vận mệnh; cần tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng hiệp thương, theo đuổi tư duy mới đối thoại không đối đầu, kết bạn không kết bè phái. Cần kiên trì dùng đối thoại giải quyết tranh chấp, dùng hiệp thương giải quyết bất đồng, cùng nhau ứng phó các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, chống mọi hình thức khủng bố.
Trung Quốc kiên trì quốc sách cơ bản mở cửa đối ngoại, tích cực thúc đẩy sự hợp tác quốc tế “một vành đai, một con đường”…tạo lập diễn đàn hợp tác mới. Đẩy mạnh viện trợ cho các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước chậm phát triển nhất, thúc đẩy thu hẹp sự chênh lệch phát triển Bắc-Nam. Trung Quốc ủng hộ thể chế mậu dịch đa phương, thúc đẩy xây dựng khu mậu dịch tự do, thúc đẩy xây dựng kinh tế thế giới kiểu mở.
Bình luận của tờ “Liên hiệp Buổi sáng” (Singapore) ngày 19/10 viết: “Báo cáo của ông Tập Cận Bình khiến cộng đồng quốc tế thở phào nhẹ nhõm vì trước đó họ lo ngại ông Tập Cận Bình liệu có đưa Trung Quốc quay lại con đường chính trị quyền uy và quản lý theo kế hoạch thời Mao Trạch Đông?”.
Báo này cho rằng: Tổng thể bản Báo cáo chính trị đã thể hiện thái độ ôn hòa và cải cách, Cụ thể có 4 đặc điểm rõ rệt: 1.Nhấn mạnh cải cách mở cửa, nhấn mạnh cải cách thị trường; 2.Báo cáo tuy không nói nhiều về cải cách chính trị, nhưng vẫn bộc lộ tín hiệu tích cực cải cách chính trị được trông chờ; 3.Báo cáo của ông Tập Cận Bình thể hiện thái độ ôn hòa với thế giới. Mấy năm qua thế giới cảm thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã thay đổi, từ “ẩn mình chờ thời” thời Đặng Tiểu Bình trở nên cứng rắn, có xu hướng bành trướng mạnh mẽ. Nhưng trong báo cáo, ông Tập Cận Bình đã cam kết Trung Quốc sẽ kiên trì con đường phát triển hòa bình, vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng.
Những cam kết đó thể hiện tầng lớp quyết sách của Trung Quốc đã phát đi tín hiệu ôn hòa, thân thiện với toàn thế giới; cũng có nghĩa là
Trung Quốc tập trung vào phát triển xây dựng, dùng năng lực thực tế tham gia công việc quốc tế và tái cấu trúc thế giới.