Vấn đề kiểm soát vũ khí ở Mỹ lại tiếp tục trở thành vấn đề nóng, sau vụ xả súng tại Las Vegas hồi đầu tháng khiến 58 người chết và hơn 500 người bị thương.
Văn hóa súng đạn được coi như một phần thiết yếu của bản sắc Mỹ – Ảnh minh họa. (Nguồn: Huffington Post)
Việc mua và tập trung vũ khí dễ dàng đã tạo điều kiện cho kẻ thủ ác Stephen Paddock dễ dàng thực hiện âm mưu của mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng người Mỹ đã sẵn sàng từ bỏ quyền sở hữu vũ khí của mình.
Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), 30% người lớn sở hữu súng, 11% sống với người có trang bị vũ khí và có tới 72% người Mỹ đã bắn súng ít nhất một lần trong đời. Trong số những người tự trang bị vũ khí, 37% nói rằng có từ 2 – 4 khẩu súng khác nhau, 29% có từ 5 khẩu trở lên và có 62% sở hữu ít nhất một khẩu súng trường.
Khi được hỏi lý do sở hữu súng, 67% nói rằng để bảo vệ, 38% để săn bắn, 30% để tập bắn giải trí, 13% coi là một bộ sưu tập và 8% cho rằng vì công việc. Số liệu đáng báo động là 57% những người được hỏi thừa nhận có trang bị vũ khí khi ra đường, 11% nói họ luôn mang theo súng, 15% hầu như luôn mang theo và 31% đôi khi mang theo vũ khí.
Có thể nói, nét văn hóa súng đạn đã ăn sâu vào xã hội Mỹ và trở thành một quyền bất khả xâm phạm ở quốc gia này. David Yamane, giáo sư Khoa Xã hội thuộc Đại học Wake Forest cho biết: “Đối với phần lớn dân chúng, súng chính là một phần cuộc sống hàng ngày của họ. Hầu hết người dân Mỹ đang hoặc đã sống trong ngôi nhà có vũ khí”.
Nền văn hóa thuốc súng
Ông Kevin H. Wozniak, giáo sư Khoa Xã hội thuộc Đại học Massachusetts ở Boston, chia sẻ: “Có một yếu tố văn hoá rất mạnh về quyền sở hữu súng ở Mỹ, nơi phần lớn các chủ trang trại sống ở phía Nam và phía Tây, với một số nhỏ sống ở các bang phía Đông Bắc. Những người này sống ở nông thôn và được kế thừa vũ khí qua các thế hệ gia đình. Trong khi đó, những người sống ở các thành phố lại ít sử dụng vũ khí. Còn đối với các công dân của các nước khác, văn hóa sử dụng súng là một thứ gì đó vô cùng xa lạ”.
Đáng chú ý, có tới 74% số người có vũ khí cho rằng súng là điều cần thiết để được tự do. Theo cách nhìn thực tế của nhiều người Mỹ, liên kết chặt chẽ với vũ khí đã giúp đất nước giành được độc lập thế kỷ XVIII, còn Tu Chính án thứ Hai cho phép mọi người có quyền được trang bị vũ khí và quyền này đã được đưa vào Hiến pháp của 44 trong số 50 bang.
Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng văn hoá vũ khí được toàn thể dân chúng chấp nhận. Điều này được thấy rõ giữa quyền sở hữu súng và mối tương quan đảng phái chính trị. Có tới 40% đảng viên Cộng hòa có ít nhất một khẩu súng trong khi chỉ 16% đảng viên Dân chủ có trang bị vũ khí. Trong khi 56% đảng viên Cộng hòa cho rằng nhiều người Mỹ có vũ trang sẽ giảm mức độ tội phạm thì ngược lại, chỉ 15% đảng viên Dân chủ có quan điểm này, còn 51% cho rằng tội phạm sẽ tăng lên nếu nhiều người Mỹ có vũ khí.
GS. Wozniak cho biết: “Những người bảo thủ tại Mỹ thường tỏ ra thất vọng với Chính phủ. Vì vậy, họ coi các hạn chế là mối đe dọa đối với quyền tự do cá nhân. Được nuôi dưỡng bởi nền văn hoá từ thời kỳ giành độc lập và mở rộng lãnh thổ, họ lập luận rằng sự tự chủ và tự tin là giá trị của người Mỹ “chân chính”.
Biệt tính trên được củng cố theo thời gian bởi các yếu tố kinh tế, chính trị và văn hóa khác. Bên cạnh đó, người Mỹ rất yêu thích những thứ liên quan đến súng đạn, từ các cuốn tiểu thuyết về những tay súng cự phách trong thế kỷ XIX, đến những bộ phim cao bồi hiện đại như Dirty Harry. Điều này đã tạo ra một hình mẫu về “những người hùng có súng”.
Ngoài ra, Mỹ là một cường quốc lớn trong việc cung cấp vũ khí và có ngành công nghiệp rất mạnh được hỗ trợ bởi các tổ chức như Hiệp hội súng trường quốc gia (NRA).
Chia rẽ trong kiểm soát vũ khí
Việc tiến hành cải cách nhằm hạn chế tiếp cận vũ khí có rất nhiều khó khăn, khi có chênh lệch giữa người ủng hộ siết luật kiểm soát súng đạn và người phản đối là không nhiều. Với nhiều người, việc kiểm soát mua bán vũ khí gây ra mối đe dọa đối với các quyền hiến định và tự do của họ. Dù vậy, sau khi xảy ra một vụ xả súng nghiêm trọng, các đề nghị cấm toàn bộ vũ khí lại xuất hiện. Các ví dụ ở Anh, Nhật Bản và Australia thường được phe ủng hộ việc kiểm soát vũ khí sử dụng.
Chỉ 29% chủ sở hữu súng cho rằng kiểm soát vũ khí sẽ giúp giảm các vụ thảm sát như Las Vegas, so với 56% những người không phải là chủ sở hữu. Ông Mauser cho rằng: “Luật pháp nghiêm ngặt ở châu Âu đã không ngăn chặn được các vụ giết người hàng loạt dù là vũ khí hay bom mìn, hay những kẻ khủng bố đã mua AK-47 bất hợp pháp và giết chết hơn 130 người ở Paris. Nó cũng chẳng ngăn cản được vụ tấn công bằng xe tải Nice tấn công và giết hơn 80 người”.
Ngoài ra, 75% đảng viên Dân chủ và chỉ 24% đảng viên Cộng hòa cho rằng các quy chế kiểm soát súng đạn phải chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, 46% số người ủng hộ đảng cầm quyền cho rằng nên giữ nguyên quy định hiện nay. Khoảng cách này được rút ngắn hay mở rộng tùy theo từng loại hình kiểm soát. Ví dụ, gần như tất cả các thành viên của cả hai đảng đều đồng ý rằng người bị bệnh tâm thần không được mua vũ khí. Ngược lại, 30% đảng viên Cộng hòa và 12% đảng viên Dân chủ chống lại việc kiểm tra hồ sơ hình sự của người mua trước khi bán vũ khí.
Khoảng cách càng mở rộng khi thảo luận về việc tạo ra một cơ sở dữ liệu để theo dõi việc mua bán vũ khí, với sự ủng hộ của 73% đảng viên Dân chủ và 43% đảng viên Cộng hòa. Điều tương tự xảy ra đối với việc cấm bán súng trường và đạn công suất cao. Ngược lại, hơn 80% đảng viên Cộng hòa tin rằng nên cho phép mang vũ khí trong người ở những nơi khác nhau và giáo viên tiểu học có thể vũ trang đến lớp.
Khó khăn trong việc mang lại thay đổi pháp lý về kiểm soát súng đạn cũng phần nào đến từ việc đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế trong Quốc hội. Hơn nữa, nhiều nghị sĩ được bầu có tư tưởng khác biệt so với dư luận công chúng. Điều này phần nào lý giải tại sao Quốc hội không thể thông qua những kiến nghị kiểm soát vũ khí mới trong 5 năm qua, bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía dân chúng.
Ngoài ra, phải kể đến sự vận động ngoài hành lang của Hiệp hội Súng trường Mỹ khi có thể huy động nhiều cử tri từ các quận bảo thủ để gây áp lực đối với các nhà lập pháp có quan điểm trung dung. Tuy nhiên, hiện tượng này không diễn ra thường xuyên.
Ở thời điểm hiện tại, người Mỹ đang tỏ ra chia rẽ về vấn đề kiểm soát súng đạn hơn trước mà nhiều khả năng trong tương lại, sự khác biệt này sẽ càng ngày càng lớn. Tuy nhiên, khó có thể biết được rằng liệu chênh lệch này có thể đem đến những thay đổi bước ngoặt trong kiểm soát vũ khí tại Mỹ hay không.