‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc từ Đại hội 19 có gì mới mẻ, hay chỉ cách để ông Tập Cận Bình nhắm tới nhiệm kỳ ba, sau 2022?
Ảnh chụp ông Tập Cận Bình thời đi thực tế lao động tại nông thôn
Theo BBC News, việc đề cao “Tư tưởng Tập Cận Bình” trong điều lệ Đảng có nghĩa là nếu bất cứ ai thách thức nhà lãnh đạo quyền lực cao nhất của Trung Quốc sẽ bị coi là vi phạm quy định Đảng.
Đồng hóa mình với Đảng khiến ông Tập có vị trí không ai có thể đặt câu hỏi.
Tuy thế, đây có thể là dấu hiệu Trung Quốc chậm cải tổ và ít dám mạo hiểm trong những năm tới.
Vì mọi trách nhiệm, đúng sai sẽ dồn vào cá nhân ông Tập.
Có năm gương mặt mới trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan chính trị gồm bảy thành viên quyền lực nhất Trung Quốc.
Trong số này, không có ai là người rõ ràng sẽ kế vị ông Tập, và đây là chỉ dấu cho thấy ông Tập đang củng cố quyền lực thay vì chuẩn bị cho một cuộc chuyển giao trong trật tự.
Vậy Trung Quốc đang bước vào một ‘kỷ nguyên mới” hay lại quay về cách bố trí quyền lực cũ, tập trung vào một người như thời Mao?
Ba vòng đai quyền lực
Báo Guardian ở Anh nhận định với cách sắp xếp được nêu ra, hệ thống chính trị của Trung Quốc có thể coi như một khối ba lớp vành đai (three concentric rings):
Vòng trong cùng là cá nhân Tập Cận Bình, chính thức đóng vai trò “hạt nhân”.
Vòng thứ hai là Ban Lãnh đạo Đảng Cộng sản, hoàn toàn làm chủ quốc gia, bộ máy điều hành, quản trị (governance), và cả quân đội, các lực lượng vũ trang.
Vòng thứ ba là Trung Quốc và thế giới.
Nhưng khác với chờ đợi từ trước, ông Tập Cận Bình trong chỉ định ra “người kế vị”.
Ông Tập đã phá thông lệ từ thời Đặng Tiểu Bình là Tổng Bí thư chỉ định người kế nhiệm sau một nhiệm kỳ: Hồ Cẩm Đào bổ nhiệm sau khi Giang Trạch Dân nắm quyền một nhiệm kỳ, và Tập Cận Bình được chỉ định năm 2007 khi Hồ Cẩm Đào hết nhiệm kỳ đầu.
Lần này, không có ai được thăng tiến thần tốc để vào bị trí “thái tử”.
Theo BBC News, ngoài hai người ở lại là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường, năm nhân vật mới vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ quá tuổi quy định vào kỳ Đại hội 20 vào năm 2022, nên sẽ không thể cạnh tranh để lên chức vị cao nhất là Tổng bí thư.
Hai nhân vật sáng giá, đủ tuổi để đến kỳ sau lên cao hơn, Trần Mẫn Nhĩ (57), và Hồ Xuân Hoa (54), thì vào Bộ Chính trị nhưng chưa được vào Ban Thường vụ, đặt ra khả năng người kế nhiệm ông Tập nếu ông rời vị trí năm 2022, vẫn còn bỏ ngỏ.
Điều này cho thấy ông Tập hoàn toàn có thể rời chức Chủ tịch nước mà theo luật chỉ có hai nhiệm kỳ, để ở lại chức Tổng Bí thư Đảng (không hạn chế nhiệm kỳ), và Chủ tịch Quân ủy Trung ương, như một bình luận trên New York Times.
Nếu mọi việc diễn ra như vậy thì tuy là bỏ lệ cũ, không bổ nhiệm người kế vị sau một nhiệm kỳ, ông Tập lại phải quay về một lệ cũ như thời Giang Trạch Dân là ở lại quá hai nhiệm kỳ ở chức vụ mang tính “giám sát”, nhằm đảm bảo di sản của ông được duy trì.
Bổn cũ soạn lại?
Trong 14 điểm nêu ra để ‘dùng Đảng trị quốc’ của ban lãnh đạo cho năm năm tới mới tại Trung Quốc có mấy điểm đáng chú ý:
“Cải tổ toàn diện, phát triển các ý tưởng mới”: điều này không mới hơn các khẩu hiệu Đặng Tiểu Bình nêu ra thời Khai phóng là cần dùng các ý tưởng mới mẻ để cải tổ bộ máy sao cho thích ứng với điều kiện kinh tế – xã hội luôn chuyển động.
“Sinh hoạt hài hoà giữa con người và thiên nhiên”: Vừa cũ vừa mới: Tuy thay đổi đôi chút về từ ngữ, đây là khẩu hiệu thời Hồ Cẩm Đào về xã hội phát triển “hài hoà”.
Với Tập Cận Bình, kỷ nguyên mới của Trung Quốc gồm cả “môi trường sạch”, điều ông đã nêu ra khi Trung Quốc hứa thực hiện các cam kết về năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu.
Nhấn mạnh “một quốc gia hai chế độ” và “thống nhất tổ quốc” để nhắc tới Hong Kong và Đài Loan: Đây là vấn đề không mới, đã có từ hàng chục năm qua.