Saturday, November 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNước Việt nghèo mà sao lắm biệt phủ thế?

Nước Việt nghèo mà sao lắm biệt phủ thế?

Có lẽ nhiều người nước ngoài cũng phải ồ lên ngạc nhiên khi thấy Việt Nam xuất hiện quá nhiều biệt phủ.

“Biệt phủ” của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái.

Điều đặc biệt là phần lớn những biệt phủ ấy lại được cán bộ xây nên từ những nghề lao động thủ công: Buôn chổi đót, chạy xe ôm, đào đất đến thối cả móng tay. Một luận án tiến sĩ đã đưa ra những nghiên cứu hết sức công phu về nguyên nhân xuất hiện nhiều biệt phủ.

1. Biệt phủ và công ăn việc làm

Việc xây dựng biệt phủ tạo ra rất nhiều những lợi ích về kinh tế mà không phải ai cũng nhìn thấy.

Như chúng ta đã biết, những ngôi biệt phủ thường được thiết kế rất quy mô, hoành tráng, cầu kỳ. Vì đây công trình rất bề thế nên hay bị người khác tò mò chụp ảnh, quay phim đăng lên mạng xã hội hoặc báo chí.

Điều này khá phiền toái vì khi xuất hiện trên truyền thông, chủ của biệt phủ sẽ phải giải thích, giải trình rất rách việc. Vì vậy, người ta sẽ thuê công nhân quây tôn, quây bạt sao cho kín kẽ, thậm chí phải làm cho biệt phủ xấu xí đi đôi chút.

Việc hô biến ngôi biệt phủ từ hoành tráng chuyển thành nhếch nhác (bề ngoài) cũng rất tốn công. Những lao động phổ thông sẽ rất vui vì công việc này. Làm cho biệt phủ đẹp, lộng lẫy, sang trọng lên thì phức tạp chứ làm xấu đi chẳng mấy khó khăn. Họ chỉ cần chịu khó là sẽ thành công.

Cùng với làm xấu biệt phủ, việc trông coi không cho người lạ đến gần cũng rất quan trọng. Công việc này rất đơn giản, chỉ cần có tí chút máu mặt, biết cách làm cho những kẻ nhăm nhe chụp ảnh, quay phim sợ chết khiếp là được.

Một biệt phủ rộng hàng ngàn mét vuông cần 4,5 nhân sự bảo vệ kiêm doạ dẫm thì sẽ đạt hiệu quả cao. Nhiều công ty nghiên cứu thị trường lao động dự báo, trong vài năm tới, ngành nghề này sẽ rất có tiềm năng phát triển.

2. Biệt phủ và cảnh quan

Trước đây, ở nhiều tỉnh thành của nước ta, việc xây dựng, tạo điểm nhấn cảnh quan ở những nơi thiên nhiên tươi đẹp rất thiếu điểm nhấn. Cùng lắm ở những nơi như Ba Vì, Sóc Sơn… có một ít khu biệt thự còi cọc, bé nhỏ. Và nay, thời của biệt thự, villa đã qua. Bây giờ là thời của biệt phủ.

Khi bạn du lịch đến Yên Bái, Đồng Nai, Bến Tre hay Sài Gòn, bạn cần hỏi, ở đây có gì mới, có gì hay, có gì độc đáo?

Tất nhiên người dân địa bản địa sẽ không do dự trả lời, biệt phủ, có biệt phủ rất đẹp. Khi đó bạn cần nhìn sâu vào mắt họ, ở đó ánh lên niềm hãnh diện, tự hào thậm chí là đôi chút tự cao tự đại.

Không tự hào sao được khi đây là công trình được xây rất kiên cố, vững chắc. Trong khi những căn nhà tranh, mái lá khác, thậm chí nhà cấp 4, trường học… bị cuốn phăng đi trong những cơn lũ quái ác thì biệt phủ vẫn vững như bàn thạch.

Đáng sợ nhất là phải đối mặt với các cơn bão trên mạng xã hội, báo chí thì biệt phủ cũng chẳng hề hấn gì.

Thậm chí, giữa bão, có ông kiểm lâm là chủ biệt thự toàn gỗ quý hiếm, còn khẳng định: Xây lên chỉ để nghỉ ngơi và làm đẹp cho thôn, xóm.

3. Biệt phủ và đa dạng sinh học

Nghe thì có vẻ ngược đời nhưng thực tế đúng là như vậy. Khi xây dựng những biệt phủ lớn, nhiều người đã lựa chọn những cây gỗ rất lớn để làm cột, kèo, trụ, sàn… để tạo cho biệt phủ của mình luôn… gần gũi với thiên nhiên.

Nói nôm na thì mùa đông ở những căn nhà này thì ấm, hè lại mát, côn trùng, muỗi gián cũng ko dám lại gần vì hương gỗ quý luôn toả ra ngan ngát.

Vì biệt phủ cần gỗ to nên cây lớn ở rừng sẽ được chặt bỏ. Những cây đại thụ này thường sống lâu năm, chúng chắn hết ánh sáng của những loài cây nhỏ bé khác. Khi cây lớn được chặt đi, ánh sáng, mưa gió chan hoà, cây cỏ phát triển rất nhanh.

Nói biệt phủ tạo ra đa dạng sinh học chính vì lý do này.

Khi xảy ra lũ dữ, trong khi người dân đau đớn vì trôi nhà, mất người thì chủ biệt phủ vẫn kê cao gối ngủ trong dinh cơ đa dạng sinh học của mình.

4. Biệt phủ và phong thủy

Những người có tiền để xây dựng biệt phủ thường có quá khứ rất cơ cực. Suốt thời trai trẻ, sung mãn nhất họ đã phải lao động rất vất vả. Người thì lên rừng buôn chổi đót, đào đất đến thối cả móng tay, móng chân. Người khác lại phải làm xe ôm thâu đêm sớm cực nhọc vô ngần. 

Vì vậy khi thành công họ phải tính tới xây dựng cho mình biệt phủ để có điều kiện rèn luyện, hồi phục sức khoẻ.

Hãy tưởng tượng nếu sáng sáng bạn cần vận động như chạy bộ, hít thở không khí trong lành mà lại đang sống ở căn hộ có vẻn vẹn trăm mét vuông thì tập tành gì được. Hơn nữa chân bạn đã thối móng thì việc chạy bộ trong khu chung cư đông đúc, chật chội có nhiều người cùng chạy sẽ rất nguy hiểm. Nhỡ người ta dẫm vào chân mình thì sao?

Xây biệt phủ có hồ rộng, đồi núi, đường bao ven hồ, hoặc nếu không có hồ thì xây biệt thự ven sông rộng hàng ngàn mét là phương án tốt nhất để luyện tập thể dục thể thao phục hồi sức khoẻ. Nhiều người sau khi nghỉ công tác đã rất ưa thích phương pháp tập luyện này.

Mặc dù xây biệt phủ có rất nhiều “lợi ích” như vậy nhưng một số người không hiểu hoặc cố tình hiểu sai, từ đó có những bình luận, “ném đá” gây lo lắng cho chủ nhân các biệt phủ.

Nhưng dù có nhiều tiện ích như vậy, các chủ biệt phủ nên biết lo dần đi là vừa. Lò đã nóng lên, củi tươi cũng cháy, thì các cột gỗ khô, dù lớn đến chừng nào, cũng sẽ bén lửa.

RELATED ARTICLES

Tin mới