Thursday, January 2, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBức ảnh chứng minh ông Tập Cận Bình được đối xử như...

Bức ảnh chứng minh ông Tập Cận Bình được đối xử như lãnh tụ TQ Mao Trạch Đông

Bức ảnh ông Tập Cận Bình chiếm 1/3 diện tích trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc – số ra sáng ngày thứ Năm, 26/10.

Tờ Nhân dân Nhật báo số ra ngày 26/10/2017, trang nhất là thông tin về Hội nghị toàn thể trung ương 1 của ĐCSTQ khóa 19 (Ảnh: Reuters)

Một ngày sau khi ông Tập Cận Bình được Hội nghị toàn thể trung ương lần thứ 1 của ĐCSTQ khóa 19 bầu giữ chức Tổng bí thư, Nhân dân Nhật báo bản báo in đã ra thông tin về ban lãnh đạo khóa mới của Trung Quốc, trong đó ảnh chân dung ông Tập chiếm không gian lớn.

Ngoài ra, không có thành viên nào khác trong 6 ủy viên còn lại của Ban thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc có ảnh chân dung cá nhân trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo, ngoài một bức ảnh chụp tập thể trong sự kiện ra mắt công chúng tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh ngày 25/10 – được đặt ở vị trí bên dưới bức ảnh ông Tập Cận Bình.

Hãng Nikkei (Nhật Bản) cho hay, bố cục tương tự như vậy gần như không còn xuất hiện trên tờ báo đảng Trung Quốc từ sau khi lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông qua đời vào tháng 10/1976.

Tờ Zaobao (Singapore) dẫn chứng bằng trang bìa Nhân dân Nhật báo số ra trong tháng 4/1969, trong thời gian Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của ĐCSTQ, đồng thời là thời kỳ Cách mạng Văn hóa (1966-1976).

Ấn phẩm này chỉ có một bức ảnh của ông Mao – Chủ tịch Ủy ban trung ương ĐCSTQ, và góc phía trên bên phải tờ báo là hàng chữ “Lãnh tụ Mao chủ tịch vĩ đại vạn tuế”.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời, lãnh đạo thế hệ tiếp theo là Đặng Tiểu Bình đã giới thiệu cơ chế lãnh đạo tập thể, được Trung Quốc áp dụng trong 3 thập kỷ qua.

Theo định hướng này, các ủy viên Thường vụ Bộ chính trị mới được bầu của Trung Quốc được giới thiệu cùng nhau trên trang nhất của báo đảng.

Nhân dân Nhật báo thường có 3 cách bố trí trang nhất khi đưa tin về các sự kiện lớn của ĐCSTQ. Cách đầu tiên là ảnh của các lãnh đạo cốt lõi được đặt ở trang nhất với kích cỡ bằng nhau; cách thứ hai là một bức ảnh khá lớn của Tổng bí thư ĐCSTQ đặt ở vị trí cao, kết hợp với ảnh cá nhân các lãnh đạo khác có kích thước nhỏ hơn; cách thứ ba là một bức ảnh lớn chụp chung của lãnh đạo tiền nhiệm và kế nhiệm, bên dưới là ảnh chân dung cá nhân từng lãnh đạo cốt lõi – cách bố trí này thường áp dụng trong giai đoạn chuyển giao giữa hai thế hệ lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Tuy nhiên, trang nhất Nhân dân Nhật báo ngày 26/10 đã bỏ qua các thông lệ có từ thời Đặng Tiểu Bình, cho thấy ông Tập Cận Bình đã có vị thế trong đảng tương đương với Mao Trạch Đông trong quá khứ.

Lần đầu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông

“Đây chắc chắn là lần đầu tiên kể từ thời Mao Trạch Đông”, ông Ryan Manuel – chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông, bình luận với Reuters về bức ảnh ông Tập trên Nhân dân Nhật báo.

Ông Manuel gọi đây là “trang bìa quan trọng nhất mỗi 5 năm”.

“Trung Quốc có hệ thống nghiêm ngặt,” học giả này nói. “Các quy tắc về vị trí và loại ảnh được đưa lên trang nhất đều được bàn thảo và định nghĩa một cách hết sức chặt chẽ.”

Ông Tập Cận Bình được cho là đạt vị thế trong đảng sánh ngang với Mao Trạch Đông sau khi học thuyết chính trị của ông, mang tên “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” được Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 19 của ĐCSTQ – họp ngày 18-24/10/2017 – biểu quyết nhất trí ghi vào Điều lệ đảng này.

Sự kiện này đánh dấu ông Tập trở thành lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên từ sau Mao Trạch Đông có học thuyết chính trị mang tên mình được ghi vào Điều lệ đảng khi còn tại nhiệm. “Lý luận Đặng Tiểu Bình”, học thuyết chính trị của ông Đặng, chỉ được đưa vào Điều lệ ĐCSTQ sau khi ông này qua đời năm 1997.

Tại Hội nghị toàn thể trung ương 6 khóa 18 vào tháng 10/2016, ông Tập đã được xác lập vai trò “lãnh đạo hạt nhân” của ban lãnh đạo khóa 18.

RELATED ARTICLES

Tin mới