Ít nhất trong năm năm tới, cải cách kinh tế sẽ trở thành ưu tiên số 1 của ông Tập Cận Bình thay vì chính trị như nhiệm kỳ đầu.
Ban thường vụ BCT Trung Quốc khóa 19 (từ trái qua phải): Hàn Chính, Vương Hỗ Ninh, Lật Chiến Thư, Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Uông Dương, Triệu Lạc Tế. Ảnh Reuters
Mới đây, học thuyết chính trị mang tên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được đưa vào Điều lệ đảng sửa đổi. Động thái này đã đưa vị trí ông Tập lên sánh ngang hàng với hai cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình.
Trong đó, Đặng Tiểu Bình được mệnh danh là “kiến trúc sư trưởng” của công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc. Còn ông Tập cũng được nhìn nhận là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Trung Quốc, hiện ông đang thúc đẩy học thuyết Giấc mộng Trung Hoa, nổi bật là sáng kiến Vành đai và con đường.
Một câu hỏi được giới chuyên gia đưa ra là liệu ông Tập có trở thành đủ khả năng thực hiện các bước tiến cải cách cần thiết để đưa nền kinh tế Trung Quốc lên một tầm cao mới hay không?
Cải cách kinh tế
Tuần trước, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã gọi ôngTập là nhà lãnh đạo với tư tưởng cải cách trong khi tờ bảo đảng Nhật báo Nhân dân dùng cụm từ “Đội hình trong mơ” để nói về Ban Thường vụ Bộ Chính trị với 7 thành viên mới.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) nhận định, mặc dù đã có nhiều ca ngợi về những bước đột phá kinh tế trong 5 năm qua – thời gian ông Tập nắm quyền – trên các phương tiện truyền thông nhưng sự thật về kinh tế Trung Quốc không được khả quan như vậy.
“Các nhà đầu tư nước ngoài thấy không thật sự được Trung Quốc chào đón, gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường, cùng nhiều trở ngại khác. Điều này hoàn toàn khác với những tuyên truyền mà Trung Quốc đưa ra rằng nước này đang cố gắng dẫn đầu toàn cầu về thương mại và đầu tư”, SCMP viết.
Tuy nhiên, tờ này cho rằng, có nhiều lý do để tin rằng nhiều sự thay đổi tích cực sẽ xảy ra trong 5 năm tiếp theo. Một là sự ưu tiên của ông Tập về các vấn đề kinh tế trong nhiệm kỳ mới.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ưu tiên hàng đầu của ông là củng cố quyền lực cũng như chiến dịch chống tham nhũng. Ưu tiên thứ hai là thực hiện mạnh mẽ cải tổ lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo trật tự trên, kinh tế là ưu tiên thứ ba của ông Tập. Nhưng bây giờ, khi hai ưu tiên đầu đã hoàn thành, kinh tế sẽ trở thành ưu tiên số một.
Quan trọng hơn, ông Tập Cận Bình đã cam kết tại Đại hội Đảng lần thứ 19 rằng, sẽ tiến hành xóa đói giảm nghèo năm 2020, trả lại không khí trong lành cho các thành phố bị ô nhiễm nặng và đưa Trung Quốc thành một quốc gia hiện đại năm 2035. Đây được coi là thỏa thuận của ông với người dân Trung Quốc.
Giống nhiều lãnh đạo khác, ông Tập rất thích những mốc thời gian cụ thể đánh dấu các thành tựu của mình. Ông đã liệt kể ra một vài mốc trong cuộc họp báo ra mắt Ban thường vụ mới vào thứ Tư vừa qua.
Cụ thể, năm 2018 sẽ đánh dấu 40 năm cải cách Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình khởi xướng, năm 2019 kỉ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, măm 2020 – kì hạn mà ông Tập đặt ra để thực hiện thành công xóa đói giảm nghèo và giúp Trung Quốc thành xã hội khá giả và đến năm 2021 sẽ kỉ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ.
“Tất các những mốc thời gian trên đều có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử của ĐCSTQ và ông Tập cùng với ban lãnh đạo mới chắc chắn sẽ nỗ lực để bắt đầu một chu kỳ mới và lớn hơn với những thay đổi theo định hướng thị trường”, SCMP bình luận.
Trước mắt, áp lực thay đổi có thể đến từ Tổng thống Mỹ Donald Trump – dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào tháng sau.
Hôm thứ Tư, Tổng thống Trump đã viết trên Twitter cá nhân rằng, ông đã điện đàm và chúc mừng ông Tập và cũng cho biết hai nhà lãnh đạo đã cùng trao đổi về hai vấn đề quan trọng là Triều Tiên và thương mại.
Trước đó, Washington thường gây áp lực lên chính quyền Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên, buộc nước này nhượng bộ trong thương mại và mở rộng thêm nhiều lĩnh vực cho các nhà đầu tư Mỹ.