Tháng 6 – 1942, hải quân Mỹ và Nhật nổ ra một trận chiến đấu trên biển có ý nghĩa to lớn tại khu vực biển gần đảo Midway thuộc miền Trung Thái Bình Dương.
Ảnh minh họa trận Midway. Nguồn: Warfare History Network
Đảo Midway là căn cứ quan trọng của hải quân Mỹ, cũng là lá chắn Tây Bắc của quần đảo Hawaii. Nhật Bản luôn cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với lãnh thổ Nhật Bản đến từ đảo Midway và họ xem đó là cái gai trong mắt phải nhổ sớm.
Để thực hiện mục tiêu này, Tổng tư lệnh hạm đội liên hợp Nhật – Thượng tướng hải quân Yamamoto vạch một kế hoạch tỉ mỉ. Ông tập trung 8 chiếc hàng không mẫu hạm, với tổng cộng 400 chiếc máy bay, 192 tàu chiến các loại thành một hạm đội khổng lồ.
Ngày 26-5-1942, các biên đội của hạm đội này xuất phát từ lãnh thổ Nhật Bản, dự định ngày 4-6 tấn công vào đảo Midway. Do giải mã được điện báo của hải quân Nhật, nên quân Mỹ đã sớm phát hiện được ý đồ tấn công vào đảo Midway của Nhật.
Tổng tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ là Thượng tướng hải quân Nimitz đã triệu tập 3 chiếc hàng không mẫu hạm cùng hơn 40 thuyền chiến nấp tại vùng biển Đông Bắc đảo Midway chờ thời cơ. Đồng thời, ông còn bố trí 19 chiếc tàu ngầm tại vùng biển gần đảo Midway, theo dõi hành động của quân Nhật.
Sáng sớm ngày 4-6, 4 chiếc mẫu hạm cùng 17 tàu chiến của biên đội cơ động thứ nhất của Nhật đã tiến vào vùng biển Tây Bắc đảo Midway. 4h30, 108 chiếc máy bay cất cánh từ 4 chiếc mẫu hạm, tiến hành đợt oanh tạc đầu tiên vào đảo Midway. 100 chiếc máy bay Mỹ trên đảo lập tức bay lên ứng chiến, hai bên bắt đầu triển khai một trận giao chiến kịch liệt trên không.
Máy bay Nhật chưa kịp oanh tạc tới mục tiêu chính thì đã bị gọi về mẫu hạm, Chỉ huy biên đội 1 ra lệnh thay toàn bộ ngư lôi bố trí trên máy bay bằng bom oanh tạc để chuẩn bị tấn công vào đảo Midway lần nữa.
Lúc này, máy bay do thám của Nhật báo cáo trên mặt biển phát hiện hạm đội quân Mỹ, Viên chỉ huy này lại vội vàng tháo bom oanh tạc từ máy bay xuống để gắn ngư lôi lên với ý đồ chuẩn bị nghênh chiến vớỉ hạm đội của Mỹ.
10h trưa, đúng lúc máy bay Nhật đang gỡ bom để thay bằng ngư lôi thì từ một chiếc mẫu hạm của Mỹ có 37 chiếc máy bay chiến đấu cất cánh hướng về phía quân Nhật. Ngoài ra, 17 chiếc máy bay oanh tạc từ mẫu hạm khác cũng lao về phía Nhật. 3 chiếc mẫu hạm của Nhật lần lượt bị trúng đạn, chìm sâu dưới đáy biển.
Chỉ huy biên đội 1 quyết tâm trả thù, ra lệnh cho số máy bay còn lại tấn công vào mẫu hạm “Yorktown” của Mỹ, làm chiếc tàu này bị hư hỏng nặng và chìm vào ngày hôm sau.
Khi Yamamoto đưa quân chủ lực đến nơi thì tình thế đã vô cùng bất lợi, mặt biển chỉ còn lềnh bềnh những xác tàu và quân sĩ Nhật. Ngày 5, Yamamoto ra lệnh ngừng chiến vào đảo Midway, chỉ huy hạm đội chủ lực về phía Tây. Quân Mỹ thừa thế đuổi theo, vào ngày 6 lại đánh chìm 1 tàu và làm hư hỏng nhiều tàu Nhật khác nữa.
Cuộc chiến tranh trên biển lần này hai bên đều tấn công nhau bằng lực lượng không quân trên mẫu hạm, tăng cường khả năng phá hủy. Quân Nhật thiệt hại nặng nề, từ đó thay đổi cán cân lực lượng về hàng không mẫu hạm của Mỹ và Nhật tại khu vực Thái Bình Dương, cục diện chiến tranh đã xuất hiện bước ngoặt có lợi cho quân đồng minh.