Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChuyên gia Mỹ nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Tổng...

Chuyên gia Mỹ nhận định về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Trump

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump cho thấy ông rất coi trọng và muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt-Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP).

Từ ngày 3-14/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến công du các nước châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Trong thời gian có mặt tại Đà Nẵng tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra tầm nhìn của Mỹ về khu vực tự do và rộng mở ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực trong việc hỗ trợ Mỹ đạt được sự thịnh vượng.

Tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ sẽ thảo luận với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam nhằm tăng cường mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.

Nhân dịp này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Anthony Nelson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương tại Tập đoàn Albright Stonebridge trước thềm chuyến công du củaTổng thống Mỹ.

PV: Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vai trò chiến lược như thế nào trong chính sách đối ngoại của Mỹ, thưa ông?

Ông Anthony: Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính là động cơ của phát triển toàn cầu. 60% dân số thế giới là ở châu Á, do đó các chính sách đối ngoại tương lai của Mỹ đều phải cân nhắc rằng thành công về mặt kinh tế và chính trị nằm ở mối quan hệ với châu Á.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có các ưu tiên trong quan hệ với châu Á. Các quan chức Mỹ đã có nhiều công du tới châu Á.

Tổng thống Donald Trump cũng đã cam kết sẽ tham dự hội nghị APEC ở Việt Nam và Hội nghị cấp cao Đông Á ở Philippines, cũng như tới thăm 5 nước châu Á. Đây là chuyến thăm châu Á dài nhất của một Tổng thống Mỹ từ trước tới nay. Điều đó cho thấy Mỹ đang ưu tiên quan hệ với châu Á.

Tôi cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm hiểu mối quan hệ mình muốn phát triển với châu Á ra làm sao.

Các ưu tiên hiện nay của Mỹ đối với khu vực châu Á bao gồm quan hệ với Triều Tiên để đảm bảo tình hình trên bán đảo Triều Tiên ổn định, tiếp tục tự do hàng hải ở Biển Đông, cũng như giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại đối với một số đối tác châu Á.

Tôi mong rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ nhân dịp tham dự hội nghị APEC và hội nghị cấp cao Đông Á và thông qua các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo một số nước quan trọng với Mỹ để có các ý tưởng trong chính sách đối ngoại trong những năm tới, đặc biệt là đối với châu Á.

Tôi cũng mong Tổng thống sẽ mang theo các thành viên chủ chốt trong nội các, những người đóng vai trò quan trọng trong các quyết định chính sách để giúp Mỹ có hướng đi trong thời gian tới.

PV: Việt Nam có vai trò gì trong APEC và việc đăng cai hội nghị APEC có giúp Việt Nam nâng cao vị thế hay không?

Ông Anthony: Tôi cho rằng Việt Nam là một nước quan trọng trong APEC. Nếu chúng ta theo dõi phát triển trên thế giới, chúng ta sẽ có thấy các đợt phát triển kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, đặc biệt là ở châu Á, nơi mà nhiều nước thực sự chuyển biến và trở thành các cường quốc kinh tế như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Việt Nam hiện đang là một trong những nước trong đợt phát triển sắp tới với tốc độ tăng tưởng nhanh và có cơ hội trở thành các nền kinh tế đi đầu trên thế giới.

Tôi luôn nói với các khách hàng của mình rằng Việt Nam, Indonesia và Philippines là các quốc gia ở ASEAN với thế mạnh về tăng trưởng và đang tiến hành nhiều vòng đàm phán thương mại toàn cầu chắc chắn sẽ có các bước tiến vượt bậc và Việt Nam sẽ đứng đầu danh sách các nước này.

Việc đăng cai APEC sẽ giúp Việt Nam có cơ hội chứng tỏ rằng Chính phủ Việt Nam đang hướng tới cải cách kinh tế cũng như đang thực hiện các cam kết của mình, đặc biệt là về hội nhập kinh tế toàn cầu.

Đối với các nước quan tâm tới vấn đề đa phương hóa quan hệ quốc tế thì APEC là một diễn đàn tuyệt vời vì tại đây sẽ đưa ra các ý tưởng phát triển kinh tế và kết nối các quốc gia thành viên với nhau.

APEC tập trung tìm hướng đẩy mạnh tăng trưởng, tạo việc làm và cùng nhau tạo ra thịnh vượng, do đó đây chính là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ cách tiếp cận cũng như các ý tưởng của mình.

PV: Những chủ đề nào sẽ được thảo luận tại hội nghị APEC và Việt Nam sẽ có những đóng góp gì cho chương trình nghị sự?

Ông Anthony: Các cuộc thảo luận tại APEC đã diễn ra suốt trong năm và tập trung vào nhiều vấn đề với mục đích cuối cùng là khả năng hình thành một khu mậu dịch tự do ở châu Á-Thái Bình Dương, nơi mà các nước đều thống nhất về các quy định thương mại. Mặc dù điều đó còn xa vời tuy nhiên các cuộc thảo luận giúp xác định và giải quyết các rào cản trong một số lĩnh vực quan trọng.

Việt Nam có thể đóng góp ý tưởng về tăng trưởng bền vững, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nền kinh tế hiện đại, các kinh nghiệm mà nhiều nước phát triển đã trải qua, hoặc là an ninh của các nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay vấn đề thay đổi khí hậu.

PV: Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump tới thăm chính thức Việt Nam, liệu hai nước có đạt được một thỏa thuận nào đó sau chuyến thăm hay không?

Ông Anthony: Chuyến thăm chính thức tới Mỹ vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là để tạo nền tảng cho phát triển quan hệ hai nước. Hai bên đã thảo luận về tương lai quan hệ hai nước.

Tôi cho rằng trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Donald Trump, ít nhất sẽ có cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ giữa hai nước. Có thể hai bên sẽ thể hiện sự sẵn sàng cho một thỏa thuận thương mại tự do song phương mặc dù điều nay là không dễ, tuy nhiên, các cuộc tiếp xúc cấp cao như vậy sẽ tạo ra các bước tiến tới mở rộng quan hệ song phương.

PV: Xin cảm ơn ông.

RELATED ARTICLES

Tin mới