Sunday, November 17, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBa tàu sân bay Mỹ hội tụ: Thông điệp không dành riêng...

Ba tàu sân bay Mỹ hội tụ: Thông điệp không dành riêng cho Triều Tiên

Nhóm tác chiến tàu sân bay quy mô lớn nhất thập kỷ của Mỹ sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên. Bên cạnh đó, nó còn mang đến thông điệp khác từ Tổng thống Trump.

Tàu sân bay Mỹ là tín hiệu mà chính quyền Trump không chỉ gửi đến Triều Tiên mà còn cả cho châu Á.

Mỹ sắp ra “đòn quyết định”?

Mỹ đã xác nhận sự hiện diện chính thức của ba tàu sân bay thuộc Hạm đội 7 ở châu Á-Thái Bình Dương trong vài ngày qua.

Với lực lượng hùng hậu này, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực đã tăng lên quy mô lớn nhất trong 10 năm trở lại đây.

Khi nói về hoạt động của số lượng tàu sân bay Mỹ, giới học giả thường cho rằng, khi một tàu được triển khai, nó chỉ mang ý nghĩa tuần tra, hai tàu mang ý nghĩa đe dọa, nhưng khi con số lên tới ba, đó là lúc Mỹ chuẩn bị khai chiến.

USS Nimitz , USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt là nhóm tàu sân bay hoạt động trong vùng đại dương rộng lớn trên thế giới, trong đó phạm vi được bao quát từ đường đổi ngày quốc tế cho đến phía Tây Ấn Độ Dương.

Sự có mặt của ba tàu sân bay tân tiến nhất là một sự kiện hiếm gặp nhưng không phải chưa từng xảy ra.

Khi tàu USS Nimitz gia nhập vùng hoạt động của Hạm đội 7 từ Hạm đội 5 hồi đầu tháng này, các nhà quan sát cho rằng sự hội tụ hiếm hoi của nhóm tấn công tàu sân bay trong khu vực sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên – quốc gia đã thử nghiệm hàng chục tên lửa đạn đạo và một vụ thử bom nhiệt hạch trong năm 2017.

Động thái này cũng diễn ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khởi hành sang Đông Á và Đông Nam Á trong chuyến công du đầu tiên của ông tới khu vực.

Chuyên gia cao cấp Ankit Panda từ The Diplomat đánh giá, sự hiện diện của ba tàu sân bay tại khu vực này được coi là một thông điệp nghiêm túc đối với Triều Tiên, giống như Tổng thống Trump tuyên bố, ông sẽ triển khai những “tài sản chiến lược” gần bán đảo Triều Tiên để ngăn chặn sự khiêu khích.

Sự hội tụ của nhóm ba tàu sân bay trong Hạm đội 7 có thể dẫn đến một cuộc tập trận hiếm hoi vào giữa tháng 11.

Một số báo cáo nói rằng, cuộc diễn tập sẽ diễn ra tại khu vực Tây Thái Bình Dương – một khoảng cách đủ xa so với bán đảo Triều Tiên để tránh châm ngòi cho nguy cơ bị Bình Nhưỡng tấn công phủ đầu.

Theo giới phân tích, tính chất một bài tập như vậy có lẽ không chỉ nhấn mạnh sự hiện diện và khả năng của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương hay bảo đảm ứng phó trước sự đe dọa đến từ Triều Tiên, mà hơn cả nó là một thông điệp trấn an đồng minh và đối tác của Washington ở châu Á.

Diễn ra trùng với thời điểm chuyến công du châu Á đầu tiên của Tổng thống Trump giữa muôn vàn câu hỏi về việc chiến lược xoay trục châu Á của Washington có bị khai tử, động thái điều tàu sân bay được cho là một phần câu trả lời đảm bảo rằng Đông Á và Đông Nam Á sẽ không bị bỏ rơi.

Lý do này cũng tương tự như tuyên bố trong cuộc tập trận gần đây nhất có sự tham gia của ba nhóm tàu sân bay đến từ Hạm đội 7.

Năm 2007, tàu sân bay USS Kitty Hawk cùng với USS Nimitz và USS John C. Stennis đã tham gia cuộc tập trận Valiant Shield.

Trong một báo cáo từ thời điểm đó, phát ngôn viên thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nói, Washington muốn chứng minh rằng khu vực Thái Bình Dương là quan trọng, và chắc chắn “sẽ duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Cuộc diễn tập cũng để Hải quân Mỹ “tăng cường khả năng phản ứng nhanh của lực lượng nhằm đáp ứng với các diễn biến bất ngờ có thể xảy ra”.

Đằng sau động thái hiếm có

Mặc dù là một tín hiệu đa chiều khi một mặt cam kết chắc chắn đối với Hàn Quốc và Nhật Bản trước mối đe dọa tên lửa Triều Tiên trong năm nay, cùng thông điệp chung gửi tới các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác về sự hiện diện của Mỹ – cuộc tập trận sắp tới của nhóm ba tàu sân bay có thể gây ra diễn biến lo ngại về việc Bình Nhưỡng hiểu sai tình hình.

Theo đó, động thái gần như chỉ mang tính chất ngoại giao của chính quyền Trump có thể mang đến cho Triều Tiên cảm giác một cuộc chiến tranh sắp cận kề.

Một phần lý do Triều Tiên luôn theo dõi sự chuyển động của những “tài sản chiến lược” của Mỹ như tàu sân bay, máy bay ném bom và tàu ngầm là bởi quốc gia này tin rằng, bản thân sắp sửa đối mặt với một cuộc tấn công từ phía Washington và họ cần phải là người ra tay trước.

Sự lo lắng của Triều Tiên không phải không có cơ sở, đặc biệt khi Mỹ đã mang đến sự đảm bảo cho Hàn Quốc về việc “tăng cường triển khai” tài sản chiến lược của mình trên cơ sở luân phiên.

Do đó, trong chuyến thăm châu Á sắp tới của Tổng thống Trump cùng sự hiện diện của nhóm ba tàu sân bay Mỹ, Triều Tiên được dự đoán sẽ có những hành động bất ngờ.

RELATED ARTICLES

Tin mới