Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững câu hỏi bỏ ngỏ trong chuyến thăm châu Á - Thái...

Những câu hỏi bỏ ngỏ trong chuyến thăm châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống Trump

Chuyến đi này của ông Trump diễn ra trong bối cảnh các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực chưa hết hoài nghi và lo ngại nhất định về những chiến lược của Washington.

Trung Đông là điểm đến đầu tiên của ông Donald Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ. Ảnh CNN

Hơn 10 tháng sau khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới công du lần đầu tiên tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu như có ai đó coi như thế là muộn vì khu vực này luôn đặc biệt quan trọng đối với Mỹ thì nên lưu ý đến hai điều ở ông Trump.

Ông Trump là người rất ít công du nước ngoài và lần công du nước ngoài này dành hơn 10 ngày để tham dự hai sự kiện đa phương lớn và thăm 5 quốc gia trong khu vực – trên cả hai phương diện đều nổi trội không kém, nếu như không hơn, những chuyến công du nước ngoài khác của ông Trump trên cương vị tổng thống Mỹ đã được thực hiện cho tới nay.

Theo những gì được Nhà Trắng công bố, ông Trump sẽ thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam, sẽ tham dự hội nghị cấp cao Apec ở Việt Nam và hội nghị cấp cao Asean – Mỹ ở Philippines cũng như sẽ có cuộc hội kiến Tổng thống Philipin Rodrigo Duterte.

Chuyến đi này của ông Trump tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực chưa thật sự hết hoài nghi và cả lo ngại nhất định do không biết và không chắc ông Trump sẽ tiếp tục hay điều chỉnh hoặc lật ngược những điều chỉnh chiến lược mà người tiền nhiệm đã thực hiện đối với khu vực này.

Những câu hỏi bỏ ngỏ

Họ có 3 lý do để không thể không như thế.

Thứ nhất, cho tới nay, chính quyền của ông Trump chưa cho bên ngoài biết gì về chiến lược mới và riêng đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tạo cảm nhận là ông Trump chưa có chiến lược ấy, có thể vì chưa có được hoặc do không muốn có. Ông Trump cũng chưa lần nào xác nhận là sẽ tiếp tục chiến lược của chính quyền tiền nhiệm.

Mỹ là đối tác quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực và các nước này chưa thể có chính sách thích hợp với Mỹ dưới thời ông Trump, chừng nào chiến lược và chính sách của Mỹ đối với khu vưc chưa cụ thể và rõ ràng.

Thứ hai, trong hơn 10 tháng qua, thế giới thấy chính quyền của ông Trump dường như chỉ tập trung vào xử lý quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Triều Tiên, đặc biệt là vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Những đối tác khác trong khu vực không thể không đặt ra câu hỏi là chiến lược của ông Trump là đặt mối quan hệ với hai đối tác đặc biệt này vào trong chiến lược đối với cả khu vực hay đặt cả khu vực vào trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc và Triều Tiên.

Thứ ba, ông Trump đã có những quyết định thể hiện sự khác biệt với quan điểm chính sách của người tiền nhiệm như rút nước Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, muốn Nhật Bản và Hàn Quốc trả giá cao hơn cho sự đảm bảo an ninh của Mỹ và gợi ý Trung Quốc sẽ được đáp ứng thoả đáng về kinh tế và thương mại nếu đáp ứng yêu cầu của Mỹ trong việc gia tăng áp lực đối với Triều Tiên.

Thông điệp của Mỹ từ đó là cái gì cũng đều có giá của nó và chỉ cần các đồng minh và đối tác trả đúng giá thoả đáng cho Mỹ thì quan hệ của họ với Mỹ sẽ tốt đẹp.

Chuyến đi này của ông Trump tới khu vực có thể chưa trả lời được hết mọi câu hỏi đặt ra lâu nay của đồng minh và đối tác, nhưng chắc chắn cũng sẽ giúp họ hiểu biết nhiều hơn và rõ ràng hơn về định hướng chiến lược của chính quyền của ông Trump đối với khu vực.

Chắc là phải sau khi đến tận những điểm nóng ở khu vực và tiếp xúc trực tiếp với những vấn đề đang đặt ra cho cả khu vực, liên quan đến tất cả các đối tác trong khu vực thì ông Trump mới có thể hoàn tất công việc định hình chiến lược mới cho cả khu vực. Đó là một mục đích chính của chuyến đi này của ông Trump.

Những mục đích khác nữa là củng cố mối quan hệ đồng minh chiến lược đã có với Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như tập hợp lực lượng mới để đối phó Triều Tiên, trong đó đặc biệt có việc tranh thủ Trung Quốc, các nước Asean và Australia.

Việc giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên thách thức không chỉ chiến lược của ông Trump đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà còn cả toàn bộ chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ. Nó sẽ là một thước đo thành công hay thất bại rõ nét nhất của ông Trump trong chính sách đối ngoại và an ninh.

Khẳng định lợi ích và vai trò của Mỹ ở khu vực Biển Đông cũng như biểu lộ khả năng thực tế và quyết tâm của Mỹ bảo vệ những lơi ích ấy và tăng cường vai trò ấy cũng là một mục đích chính của chuyến đi này của ông Trump.

Đương nhiên là bên cạnh những chuyện chính trị an ninh khu vực và thế giới không thể thiếu chuyện thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, chuyện xác lập khuôn khổ quan hệ hợp tác với Trung Quốc, chuyện định hình các hình thức hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của Mỹ với cả khu vực.

Từ kết quả của chuyến đi này của ông Trump, các nước ở trong cũng như ngoài khu vực có thể thấy được ông Trump sẽ xác định như thế nào trong bối cảnh tình hình hiện tại những lợi ích cơ bản của Mỹ ở khu vực, sẽ đặt khu vực ở vị trí nào trong toàn bộ chiến lược đối ngoại và an ninh của Mỹ, sẽ sắp xếp ưu tiên cụ thể ra sao trong chiến lược đối với khu vực.

Khi trước, chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama xác định và theo đuổi 7 ưu tiên trong chiến lược đối với khu vực là làm vững mạnh các liên minh, liên kết; tăng cường tiềm lực quân sự và quốc phòng; quan hệ ưu tiên với các đối tác mới nổi; tăng cường hợp tác với các thể chế khu vực; đẩy mạnh trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư; thúc đẩy các giá trị phổ biến toàn cầu và duy trì quan hệ hợp tác xây dựng với Trung Quốc.

Bây giờ, hướng tới chiến lược mới và riêng cho khu vực, ông Trump trước hết phải quyết định tiếp tục, điều chỉnh hay huỷ bỏ những ưu tiên ấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới