Saturday, November 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ sau Đại hội 19 và câu hỏi khó đoán định

TQ sau Đại hội 19 và câu hỏi khó đoán định

Liệu cường quốc này sẽ chọn con đường trỗi dậy ra sao không phải là chủ đề mà các nhà quan sát có thể có tiếng nói thống nhất và còn phải chờ thời gian trả lời.

Nhiều câu hỏi về TQ đặt ra sau Đại hội 19. Ảnh minh họa: AP/ Japantimes

Trung Quốc trong kỷ nguyên mới của ông Tập Cận Bình sẽ mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn và dĩ nhiên là đầy tham vọng hơn. Bài phát biểu mở màn Đại hội 19 dài ba tiếng rưỡi của người lãnh đạo được coi là quyền lực nhất Trung Quốc trong vài thập kỷ trở lại đây có thể tóm tắt ngắn gọn như thế.

Tuy nhiên, liệu cường quốc này sẽ chọn con đường trỗi dậy ra sao không phải là chủ đề mà các nhà quan sát có thể có tiếng nói thống nhất và còn phải chờ thời gian trả lời.

Trật tự thế giới và con đường “vương đạo”

Bài phát biểu của ông Tập đề cập tới rất nhiều từ ngữ có thể khiến chúng ta liên tưởng tới cả hai khía cạnh “vương đạo” và quyết liệt.

Ví dụ, vị chủ tịch xác định rằng tới giữa thế kỷ 21 Trung Quốc sẽ trở thành “lãnh đạo toàn cầu với một sức mạnh tổng hợp quốc gia và ảnh hưởng quốc tế toàn diện”. Từ ngữ của bài phát biểu cũng cho thấy nhà lãnh đạo Trung Quốc tự tin rằng cán cân sức mạnh toàn cầu đang dần nghiêng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Sức mạnh của Mỹ đã và đang suy giảm một cách tương đối, vốn bắt đầu từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, và trở nên rõ ràng hơn kể từ khi Donald Trump đắc cử Tổng thống vào năm ngoái.

“Vương đạo” này thể hiện ở chỗ ông Tập muốn biến mô hình phát triển chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc như là một mô hình có thể áp dụng rộng rãi trên thế giới, như là “một sự lựa chọn mới cho các quốc gia mong muốn tăng tốc quá trình phát triển của mình”. Qua đó, Trung Quốc mong muốn “đóng góp những hiểu biết và cách tiếp cận đặc biệt của Trung Quốc để giải quyết những vấn đề mà loài người đang phải đối mặt”.

Triết lý đằng sau “vương đạo” xuất phát từ lịch sử đế quốc hàng ngàn năm của Trung Hoa, vốn ngự trị trên đỉnh quan hệ quốc tế ở khu vực trong suốt một thời gian dài. Sự tự hào bởi các giá trị văn hoá và các đóng góp về mặt văn minh khiến cho Trung Quốc kể từ đầu thế kỷ 21 luôn tìm cách “trỗi dậy” hoà bình (bản thân nước này đã từ bỏ từ “trỗi dậy” trong các văn bản ngoại giao chính thức), tìm kiếm cho mình một vị trí đúng đắn trong trật tự quốc tế mới. “Vương đạo” không đồng nghĩa với tìm cách thay đổi một cách bạo lực trật tự cũ, mà là cố gắng bảo vệ các giá trị quốc tế vốn có và tìm kiếm cơ hội khẳng định giá trị nước lớn.

Trên bình diện toàn cầu, Trung Quốc dường như đang cố gắng phát huy “vương đạo”. Sau sự sụp đổ của Liên Xô và mô hình xã hội chủ nghĩa Đông Âu, tính chất đa nguyên của hệ thống quốc tế sau Chiến tranh Lạnh cho phép sự tồn tại một cách thực tế của nhiều hệ thống và thể chế chính trị khác nhau.

Tuy nhiên kể từ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc cho rằng những người ủng hộ “dân chủ tự do” đã trở nên kiêu ngạo và những giá trị của đa nguyên như “chủ quyền” hay “toàn vẹn lãnh thổ” bị đe doạ bởi các khái niệm như “chủ quyền hạn chế” hay “trách nhiệm bảo vệ” mà Mỹ và phương Tây đặt ra. Đối với Trung Quốc, “chủ quyền” hay “không can thiệp nội bộ” cũng như một hệ thống quốc tế đa nguyên và đa cực là nghĩa vụ “vương đạo” mà Trung Quốc phải theo đuổi.

Ngoài ra hiện nay, có thể thấy Trung Quốc tiếp tục dẫn dắt thế giới trong một số lĩnh vực công nghệ mà người ta gọi là tương lai, như năng lượng tái tạo, khoa học máy tính, hay trí tuệ nhân tạo. Định hình tương lai cũng chính là một trong những triết lý của “vương đạo”.

Quân đội và tinh thần quyết liệt

Đại hội 19 đã cho thấy quyền lực của Tập Cận Bình siết chặt như thế nào lên quân đội Trung Quốc. Quân uỷ Trung ương mới đã giảm từ 11 người nhiệm kỳ trước xuống chỉ còn bảy người và đa phần đều là những nhân vật thân tín của ông Tập. Hầu hết các thành viên thuộc lực lượng vũ trang trong Ban chấp hành Trung ương đều là những nhân vật mới tham gia Đại hội Đảng lần đầu tiên. Chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đã gần như loại bỏ những thành phần chống đối lại đường lối của ông Tập trong Đảng và quân đội.

Tính chất quyết liệt của Trung Quốc trong tương lai được thể hiện rõ nhất qua nhóm lợi ích quân đội cũng như sự phát triển của quân đội Trung Quốc trong thời gian gần đây. Thông điệp của ông Tập với quân đội cũng hết sức rõ ràng: quân đội được xây dựng là để chiến đấu và chiến thắng. Theo đó, cho đến năm 2035, quá trình hiện đại hoá quân đội Trung Quốc sẽ hoàn tất một cách căn bản và tới năm 2050, lực lượng này sẽ trở thành một lực lượng quân sự đứng đầu thế giới. Từ năm 2009 và nhất là bắt đầu từ 2015, quân đội Trung Quốc đã trải qua một đợt hiện đại hoá và tái cấu trúc được coi là toàn diện nhất từ trước cho tới nay, hướng đến một cấu trúc quân đội hiện đại kiểu phương Tây với tham vọng trở thành một cường quốc hải dương toàn cầu mới.

Sự quyết liệt của Trung Quốc được thể hiện nhiều ở điểm này. Ngay từ trước Đại hội 19 người ta nhận thấy sự trỗi dậy của một nhóm các vị tướng trẻ, sinh ra vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, được cất nhắc bởi ông Tập và đặc biệt là tràn đầy năng lượng và chuyên môn. Đa phần chưa có nhiều kinh nghiệm trận mạc thực tế, nhóm các tướng trẻ này cho thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong tương lai có thể bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực bởi các quyết định có thể được xem là vội vàng, thiếu kinh nghiệm hay có phần kiêu ngạo và thiếu kiểm soát.

Dĩ nhiên, quá trình hoạch định chính sách đối ngoại là sự tổng hoà lợi ích của nhiều nhóm, và có thể nhận thấy một sự tích cực trong việc Uỷ viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì, một nhà ngoại giao kỳ cựu, được bầu vào Bộ Chính trị (lần đầu tiên kể từ hai nhiệm kỳ gần đây). Dù gì đi nữa, chính sách đối ngoại của Trung Quốc vẫn chỉ có thể “xê dịch” lên xuống xung quanh một kim chỉ nam nhất định, và quyền quyết định cao nhất vẫn nằm trong tay Chủ tịch Tập Cận Bình.

Sự quyết liệt còn thể hiện khác nhau ở từng khu vực chiến lược khác nhau theo con mắt của Trung Quốc. Nếu nhìn chính sách đối ngoại của nước này theo con mắt chiến lược, có thể nhận ra được bốn “vòng tròn” khác nhau.

Trung Quốc rõ ràng sẽ không lùi bước nếu lợi ích của mình ở vòng tròn thứ nhất (liên quan tới Tây Tạng, Tân Cương hay vấn đề Đài Loan) bị xâm phạm. Bắc Kinh cũng sẽ khó nhún nhường nếu như lợi ích của mình ở vòng tròn thứ hai (các khu vực láng giềng như trên Biển Đông và Hoa Đông) bị đe doạ.

Thế nhưng nước này cũng có thể có cách tiếp cận uyển chuyển hơn tại vòng tròn thứ ba (các tổ chức đa phương khu vực) và hoàn toàn theo “vương đạo” ở vòng tròn thứ tư (ở các khu vực chiến lược bên ngoài, từ ngoài khơi Somalia cho tới Bắc Cực).

Theo hệ tham chiếu như trên, rõ ràng các nước láng giềng ven biển của Trung Quốc trong khoảng thời gian tới sẽ hết sức lo lắng. Một khi sức mạnh tổng thể của Trung Quốc ngày càng gia tăng, sức ép an ninh lên các nước này cũng sẽ gia tăng theo. Tạm thời không bàn tới chiến lược và chiến thuật mà Trung Quốc sẽ áp dụng, rõ ràng tương lai an ninh và ổn định ở khu vực Đông Á và Tây Thái Bình Dương chắc chắn sẽ không thể hoàn toàn yên tĩnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới