Saturday, November 30, 2024
Trang chủĐàm luậnGiải mã tầm nhìn của Bắc Kinh về khu vực “cộng đồng...

Giải mã tầm nhìn của Bắc Kinh về khu vực “cộng đồng chung vận mệnh” (Phần 1)

Tầm nhìn của Bắc Kinh về một phiên bản thế kỷ 21 của Con đường tơ lụa cổ đại đã được tiết lộ trong hai bài phát biểu của Tập Cận Bình, một bài ở Astana và bài thứ hai ở Jakarta, vào cuối năm 2013.

Không phải ngẫu nhiên mà chỉ cách một tháng sau hai bài phát biểu trên, Kazakhstan và Indonesia đã được chọn là địa điểm chính thức bắt đầu ý tưởng “vành đai” trên bộ và “con đường” trên biển, đúng hơn họ được lựa chọn như những biểu tượng của sự tiếp cận được tiếp tục lại của Trung Quốc đến cả nước láng giềng lục địa lẫn nước láng giềng biển.

Chủ nghĩa tượng trưng rõ ràng cũng hiện diện trong chủ đề Con đường tơ lụa do ban lãnh đạo Trung Quốc lựa chọn cho điều hiện nay đã trở thành khái niệm chính sách đối ngoại mang tính xác định của kỷ nguyên Tập Cận Bình.

Cho tới tháng 3/2015, tất cả các yếu tố chủ chốt cho điều sẽ chính thức trở thành “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) và từ đó sẽ được lặp lại trong các bài phát biểu chính thức và chương trình truyền hình hoa mỹ của bộ máy tuyên truyền Trung Quốc, vốn đã được trình bày trong các bài phát biểu của Tập Cận Bình vào năm 2013.

Các yếu tố này bao gồm tầm nhìn của ông về một lục địa Á-Âu được liên kết với nhau bởi “5 kết nối” (sự phối hợp chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, thương mại không bị cản trở, hội nhập tài chính và các trao đổi giữa nhân dân với nhân dân), bị ràng buộc bởi “Tinh thần Con đường tơ lụa”, và nỗ lực xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh”. 

Cho đến nay, hầu hết sự chú ý của quốc tế đã tập trung vào “kết nối” thứ hai của Tập Cận Bình – xây dựng cơ sở hạ tầng – và vào việc liệu bất chấp các vấn đề kinh tế trong nước đáng kể của chính mình, Bắc Kinh sẽ có thể hoàn thành lời hứa đầu tư lớn trong khu vực, trị giá tổng cộng hơn 1000 tỷ USD hay không. Hầu như không có sự chú ý nào dành cho các “kết nối” khác và cách thức chúng cùng với nhau bao gồm một tầm nhìn của Trung Quốc về hội nhập khu vực.

Quả thực, mạng lưới giao thông vận tải xuyên Á-Âu chỉ là biểu hiện vật chất cho kế hoạch của Trung Quốc làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các nước láng giềng của nước này ở tất cả các cấp độ và chỉ là bước đầu tiên trong việc thiết lập một trật tự khu vực, mà cho tới năm 2049 – kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – sẽ hội nhập các nền kinh tế của lục địa Á-Âu và ràng buộc họ chặt chẽ hơn nữa với Trung Quốc.

Mục đích thực sự của BRI mang tính địa chính trị ngang bằng với tính kinh tế và được hỗ trợ bởi một câu chuyện kể mơ hồ được thêu dệt xung quanh các dự án xây dựng của sáng kiến này. Các yếu tố về việc một trật tự được khôi phục có thể trông như thế nào đã xuất hiện kín đáo trong các khái niệm có liên hệ với BRI, đáng chú ý nhất là “cộng đồng chung vận mệnh” và “tinh thần Con đường tơ lụa”.

Dù chúng có thể dường như vô thưởng vô phạt, các khái niệm này đã đem lại những dấu hiệu quan trọng về tầm nhìn của Bắc Kinh đối với trật tự khu vực mà BRI có thể đem đến, về phương diện cả sự phân phối sức mạnh bên trong nó lẫn các chuẩn mực sẽ cai trị cộng đồng Á-Âu tương lai.

Câu chuyện kể này đang hình thành, nhưng đây là một thành phần thiết yếu trong tầm nhìn của Trung Quốc về chính họ với tư cách là một nước lớn và về vai trò  lãnh đạo ngày càng tăng của họ trong khu vực. 
Phần thứ nhất của bài viết này miêu tả các cuộc tranh luận trong quá khứ về bản sắc là một nước lớn của Trung Quốc. Phần thứ hai xem xét các nguyên lý của trật tự thế giới mà Trung Quốc ưa thích. Phần cuối giải mã khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” và cho thấy cách thức BRI đem lại một cửa sổ nhìn vào trật tự khu vực tương lai lấy Trung Quốc làm trung tâm.

Đặc trưng nước lớn của Trung Quốc trong cuộc tranh luận

Kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chứng minh một sự nhất quán đáng ngưỡng mộ đối với các mục tiêu chiến lược họ đặt ra cho đất nước của mình: Ngoài bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ, Tập Cận Bình, giống như tất cả những người tiền nhiệm của ông, nhắm mục đích xây dựng một đất nước vững mạnh và thịnh vượng mà có thể giành lại vị trí thích đáng của họ trên trường quốc tế.

Một Trung Quốc trỗi dậy chắc chắn sẽ làm rối loạn nguyên trạng quốc tế, và ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ mong muốn hơn tránh được cuộc xung đột là hậu quả của những sự thay đổi trong cán cân quyền lực. Giới tinh hoa chính trị và trí thức Trung Quốc đã và đang chuẩn bị cho sự trỗi dậy của đất nước này trong gần 4 thập kỷ, xem xét kỹ lưỡng “sức mạnh dân tộc toàn diện” của nước này và so sánh nó với các nước khác, nghiên cứu vai trò của họ trên thế giới, tranh luận về các triển vọng của họ đối với vai trò lãnh đạo, và cố gắng điều hướng xung quanh cái gọi là “bẫy Thucydides”.

Như David Shambaugh chỉ ra, điều đáng chú ý là “rất ít, nếu có, các cường quốc chủ yếu hoặc tham vọng khác tham gia một sự luận bàn tự phản chiếu như vậy”. Có thể nhận thấy một sự tiến bộ khiêm tốn nhưng đều đặn trong các cuộc tranh luận trí thức về bản sắc và vai trò như một nước lớn của Trung Quốc – từ một nước phát triển nhìn chung là hướng nội, bình tĩnh “quan sát” và “chờ thời” (Câu niệm chú chính sách đối ngoại của Đặng Tiểu Bình là “lặng lẽ quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời, giỏi về phòng thủ và quyết không đi đầu”) khi họ thận trọng can dự với thế giới bên ngoài, đến một bên tham gia chủ động hơn, dường như sẵn sàng định hình môi trường khu vực của họ theo những mong muốn của riêng mình.

Như Gilbert Rozman nhận xét, Trung Quốc đã lựa chọn bản sắc nước lớn vào những năm 1990, đến cuối thập kỷ lưu ý rằng “trong số tất cả các đối thủ trong cuộc truy tìm bản sắc dân tộc […], khái niệm Trung Quốc là một nước lớn đã giành được một chiến thắng rõ ràng”. Kể từ đó, cuộc hội thoại nội bộ về bản sắc của Trung Quốc đã tiếp tục phát triển.

Các cuộc tranh luận đã đặc biệt trở nên mạnh mẽ trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của Hồ Cẩm Đào (2002-2007), một giai đoạn đã được đánh dấu bởi sự tự tin đang dần tăng lên về chiều hướng đi lên của sức mạnh dân tộc. Sự thừa nhận công khai đầu tiên của Trung Quốc về ý định của họ đạt được vị thế nước lớn đã xuất hiện vào năm 2003 dưới dạng khẩu hiệu “sự trỗi dậy hòa bình”, sớm được thay thế bằng “sự phát triển hòa bình” và sau đó là “thế giới hài hòa”.

Cảm giác lạc quan của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và sự mong đợi của họ đối với vinh quang sắp đến đã rõ ràng khi Bắc Kinh chuẩn bị đăng cai tổ chức Thế vận hội 2008, được củng cố bởi hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm đó. Trong mắt các nhà phân tích và hoạch định chính sách Trung Quốc, cuộc khủng hoảng này đã phơi bày những khuyết điểm về thể chế và xã hội của mô hình phát triển phương Tây và đã đem lại một cơ hội lịch sử để thúc đẩy những sự thay đổi trong hệ thống quốc tế.

Với việc trung tâm của lực hấp dẫn toàn cầu đang ngày càng chuyển hướng sang châu Á, khả năng về một thế giới đa cực dường như sắp xảy ra. Trong thế giới mới này, vai trò và tiếng nói của Trung Quốc chắc chắn sẽ lớn hơn. 
Sự thay đổi quyền lực sang châu Á sắp xảy ra đã thúc đẩy giới tinh hoa làm sâu sắc thêm tầm nhìn của họ về việc hiện nay vai trò của Trung Quốc nên là gì và phát triển một chiến lược lớn đi cùng mà sẽ phù hợp hơn với bối cảnh quốc tế mới – và phục vụ các lợi ích của Trung Quốc.

Các lựa chọn cho những ưu tiên chính sách đối ngoại của Trung Quốc, bản chất sức mạnh của họ và chiến lược thích hợp nhất để đạt được một sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ đã được thảo luận trong thời gian dài. Nhìn chung, những người đề xướng cách tiếp cận giấu mình chờ thời, thận trọng và thay đổi dần dần đã có xu hướng rút lui khi cuộc tranh luận này tiến triển.

Việc Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo hàng đầu đã đánh dấu một sự thay đổi sang một cách tiếp cận chính sách đối ngoại chủ động hơn, theo sau sự quyết đoán nổi lên năm 2009-2010. Ban lãnh đạo Trung Quốc sẽ “cố gắng đạt được thành tựu” nhằm bảo vệ tốt hơn “các lợi ích cốt lõi” được xác định lại của họ. Những ngày sau khi Tập Cận Bình được chỉ định làm Tổng bí thư ĐCSTQ vào tháng 11/2012, ông đã cam kết thực hiện “giấc mơ Trung Quốc về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc”.

Trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể được đánh giá bằng cách sử dụng những thước đo sức mạnh dân tộc bằng vật chất, William Callahan viết rằng phục hưng dân tộc Trung Quốc là một “câu chuyện kể đạo đức tìm cách sửa chữa những gì được coi là bất công lịch sử của thế kỷ của sự nhục nhã dân tộc và đưa Trung Quốc trở lại vị trí thích đáng của họ ở trung tâm của thế giới”, nhìn lại “thời hoàng kim của Trung Quốc đế quốc như một kiểu mẫu”.

Giấc mơ Trung Quốc của Tập Cận Bình là về “phục hồi” hoặc “tiếp tục lại”, điều có nghĩa là giành lại vị trí là một nước lớn trong quá khứ của Trung Quốc, được tôn lên thành trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của châu Á.

BRI đem lại cái gần đúng nhất cho đến nay với việc khu vực này sẽ trông như thế nào một khi tầm nhìn này được hoàn thành, mở ra một cửa sổ nhìn vào tầm nhìn dành cho lục địa Á-Âu, khu vực mà bản đồ kinh tế và chính trị của nó đã được định hình lại theo thế giới quan riêng của Trung Quốc, trong hình ảnh riêng của họ và phản ánh những đặc trưng độc nhất của riêng nước này. 

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới