Wednesday, January 8, 2025
Trang chủĐàm luậnNhững vấn đề lớn sẽ được đàm phán giữa Donald Trump -...

Những vấn đề lớn sẽ được đàm phán giữa Donald Trump – Tập Cận Bình

Ý tưởng của Mỹ về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” có thể khiến cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Mỹ trở nên nóng hơn…

Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ rời Washington để bắt đầu chuyến công du châu Á vào ngày 3/11 và kết thúc vào ngày 14/11.

Theo lịch trình, ông Trump sẽ tới Hawaii, tiếp đó là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

Mục đích của chuyến thăm được giới quan chức Mỹ tiết lộ là nhằm tăng cường cam kết của Mỹ về quan hệ hợp tác với các đồng minh và đối tác lâu đời;

Đồng thời tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc thúc đẩy khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Theo đó, giới quan sát đặc biệt quan tâm đến cuộc hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông Trump đặt chân đến Bắc Kinh vào ngày 8/11.

Cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ có nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo.

Trong đó sẽ có ba vấn đề lớn.

Đó là: giải quyết cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ, tìm ra cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên và thảo luận ý tưởng của Mỹ về một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Hiện giới chức hai nước đang tích cực chuẩn bị các báo cáo phục vụ cho cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, đồng thời đưa ra những nhận định về ba vấn đề lớn nêu trên trong một cuộc họp báo tại Hoa Kỳ hôm 30/10.

Về cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ

Phát biểu trước báo giới, ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cho biết:

Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Donald Trump là cơ hội lịch sử để tăng cường hợp tác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Đồng thời nhấn mạnh, Bắc Kinh đang nỗ lực để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại và tin rằng hai nước sẽ đạt được những kết quả đáng kể về các vấn đề kinh tế, thương mại.

“Tôi khá tự tin rằng, sẽ có những kết quả đáng kể về mặt kinh tế, thương mại.

Thặng dư thương mại về lâu dài sẽ không giúp cho nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí có thể làm tổn thương nền kinh tế.

Vì vậy, chúng ta sẽ tiến tới một quan hệ thương mại cân bằng hơn”, ông Thôi Thiên Khải nói.

Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại Mỹ chụp ảnh cùng Phó thủ tướng Trung Quốc Uông Dương (Ảnh: AP)

Phát biểu của ông Thôi Thiên Khải như muốn xoa dịu những căng thẳng gần đây trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ.

Mỹluôn phàn nàn về chính sách bảo trợ thương mại của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp trong nước, hay giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp, khiến cán cân thương mại song phương đã thặng dư tới hơn 350 tỷ USD về phía Trung Quốc và thâm hụt ở phía Mỹ.

Ngoài ra, ông Trump còn cho tiến hành cuộc điều tra về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ Mỹ theo Điều 301 Đạo luật Thương mại 1974 của nước này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lại thận trọng khi đưa ra nhận định:

Việc giải quyết các khiếu nại của Mỹ xung quanh các quyền sở hữu trí tuệ, do phía Trung Quốc ép các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ là những vấn đề rất quan trọng, cần phải mất một thời gian.

Ông William Zarit, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cũng tỏ ra không mấy lạc quan, khi cho rằng:

“Về cơ bản, khi chúng ta nhìn vào đó, điều mà chúng ta thấy được là chúng ta với tư cách là một công ty nhưng phải cạnh tranh với một quốc gia”.

Như để trấn an giới chức Mỹ, ông Thôi Thiên Khải nói thêm rằng, các vụ tranh chấp thương mại cần được giải quyết theo cách xây dựng và thực tiễn, để không “làm suy yếu mối quan hệ kinh tế tổng thể giữa hai nước”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nói với tờ China Daily rằng:

Trung Quốc sẽ nỗ lực cùng với Hoa Kỳ để “xem xét lợi ích và mối quan tâm của nhau nhằm giải quyết các tranh chấp và mâu thuẫn, tiến tới hợp tác cùng có lợi”.

Vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Triều Tiên

Đại sứ Thôi Thiên Khải cho biết, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hiện nay sẽ là “một trong những ưu tiên” cho cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo của hai nước.

Ông Khải đặt hy vọng hai nhà lãnh đạo sẽ đạt được nhiều thoả thuận về việc loại bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đưa ra “hướng dẫn rõ ràng về việc hai nước có thể giải quyết vấn đề này với nhau như thế nào”.

Đồng thời, Đại sứ Khải cũng nêu ra quan điểm nhất quán của Trung Quốc về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Chúng tôi luôn ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và hòa bình, ổn định ở khu vực.

Chúng tôi cũng luôn ủng hộ đàm phán để mang lại một giải pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nếu chúng ta không đàm phán, và cứ để tình hình diễn ra như thế này, sẽ rất nguy hiểm”, ông Thôi Thiên Khải nói.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm một cơ sở sản xuất (Ảnh: Reuters)

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên, ông Khải trả lời rằng:

“Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ đàm phán của bất kỳ bên nào, miễn là có lợi cho một giải pháp hòa bình”.

Về phía Mỹ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã tổ chức một cuộc họp ba bên với các đối tác Hàn Quốc và Nhật Bản tại trụ sở ở Thái Bình Dương để thảo luận về vấn đề Triều Tiên.

Cuộc họp đã đi đến thống nhất “cùng nhau kêu gọi Triều Tiên kiềm chế những hành động khiêu khích vô trách nhiệm làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực, và hãy tránh khỏi con đường nguy hiểm dẫn đến sự tàn phá”.

Điều này đã cho thấy, quan điểm của cả phía Trung Quốc và Hoa Kỳ đều mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Triều Tiên.

Đối với ý tưởng của Mỹ về một Ấn Độ – Thái Bình Dương

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có coi chính sách châu Á của ông Trump về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, cũng như kế hoạch bán vũ khí tiên tiến của Mỹ cho Ấn Độ là một chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc, ông Thôi Thiên Khải nói:

“Ý định này của chính quyền Donald Trump là nhằm giúp Ấn Độ cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng tôi nghĩ rằng không ai có thể kiềm chế được Trung Quốc”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết:

Tổng thống Donald Trump sẽ trình bày tầm nhìn của Mỹ về một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 10/11.

Mặc dù các chi tiết của chính sách này không được tiết lộ, nhưng giới phân tích nhận định, mục đích là nhằm đưa Ấn Độ tiến sâu hơn vào khu vực Đông Á và Thái Bình Dương như một sự cân bằng sức mạnh với Trung Quốc.

Trước những động thái của Mỹ, đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nói thêm rằng, Trung Quốc đang nghi ngờ về việc Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích cho khu vực.

“Tôi không nghĩ rằng việc Mỹ bán vũ khí cho Ấn Độ sẽ phục vụ lợi ích của cả hai nước cũng như ở khu vực, nếu có sự đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Thôi nhấn mạnh.

Có thể nhận thấy rằng, mặc dù chuyến thăm châu Á của Tổng thống Donald Trump chưa diễn ra, nhưng các vấn đề có thể được đưa ra thảo luận trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Trump với các bên liên quan đang trở thành vấn đề nóng.

Trong đó, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như việc ông Trump trình bày ý tưởng về một khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tại Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ là những vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Ngay từ lúc này, những phát biểu của giới chức Trung Quốc và Hoa Kỳ trước cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo đã cho thấy có những vấn đề đồng thuận nhưng cũng có những vấn đề khác biệt.

Đặc biệt ý tưởng của Mỹ về một “Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” có thể khiến cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Mỹ trở nên nóng hơn, và Trung Quốc có thể sẽ phản ứng giận dữ về ý tưởng này.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới